Hôm 6/12, dịp tác phẩm trở lại rạp Hong Kong, Lưu Đức Hoa nói trong video đăng trên fanpage: "20 năm trước, tôi và những người bạn thai nghén Vô gian đạo, bây giờ em bé của chúng tôi đã 20 tuổi. Mừng sinh nhật bộ phim".
Tác phẩm nằm trong danh sách 100 phim Hoa ngữ hay nhất mọi thời, do Hiệp hội tổ chức lễ trao giải Kim Tượng bình chọn. Trang Variety đánh giá đây là một trong phim thành công nhất, mang tính biểu tượng trong thế kỷ 21.
Theo Sohu, Vô gian đạo ăn khách nhất Hong Kong năm 2002 đồng thời dấy lên cơn sốt làm phim về gián điệp, cảnh sát nằm vùng. Tác phẩm còn là cột mốc của điện ảnh Hoa ngữ vì tính sáng tạo, đột phá cùng tầm ảnh hưởng về nội dung, nghệ thuật. Phim được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ mua bản quyền làm lại. Trong đó, The Departed do Leonardo DiCaprio và Matt Damon đóng chính thắng Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc và Kịch bản chuyển thể hay nhất tại Oscar năm 2006.
Trang Mtime đánh giá dự án xuất sắc ở kịch bản, cách kể chuyện gãy gọn, súc tích dù nhiều nhân vật. Lưu Kiện Minh (Lưu Đức Hoa đóng) vào vai dân xã hội đen trà trộn vào cơ quan cảnh sát, leo lên vị trí cao. Trần Vĩnh Nhân (Lương Triều Vỹ) là cảnh sát được gài vào băng đảng của ông trùm ma túy Hàn Sâm (Tăng Chí Vỹ đóng). Lưu Kiện Minh và Trần Vĩnh Nhân liên tục đấu trí mỗi khi cảnh sát và băng đảng xã hội đen đụng độ, để vừa không bị bại lộ thân phận vừa bảo vệ cho tổ chức.
Trên Sohu, nhà biên kịch Mạch Triệu Huy cho biết phim không theo môtíp "anh hùng cứu thế giới", cũng không tập trung cảnh đấm đá mà xoáy vào ranh giới giữa thiện và ác, tốt và xấu. Nhân vật chính quay cuồng giữa hai phiên bản của bản thân, đến nỗi dần dần không thể nhận ra "tôi là ai, tôi đang làm gì, tôi phụng sự ai?". Một người khao khát được trả lại thân phận, thoát kiếp ẩn nấp, một người khao khát xóa bỏ quá khứ, được làm người tốt.
Đạo diễn Lưu Vỹ Cường và nhà biên kịch tạo yếu tố gay cấn, hồi hộp từ nội tâm nhân vật chứ không chỉ ở các màn rượt đuổi, đấu súng. Theo Mtime, lối dựng kịch bản mạo hiểm, mang tính sáng tạo trong dòng phim hình sự Hoa ngữ. Bên cạnh Lương Triều Vỹ và Lưu Đức Hoa, dàn diễn viên phụ đều hóa thân xuất thần, khiến tác phẩm kịch tính từng giây phút. Những phân đoạn nhân vật tự sự, thể hiện nội tâm lại tạo chiều sâu cho câu chuyện.
Tác phẩm gây tiếng vang, có sức sống lâu bền và ở lâu trong tâm trí người xem còn nhờ yếu tố văn hóa phương Đông, cách lột tả nỗi đau nhân sinh sâu sắc. Chủ đề và tên của phim lấy ý tưởng câu chuyện trong Phật giáo, ám chỉ Avici - địa ngục đau đớn nhất trong các tầng địa ngục, Địa ngục vô gián. Bị tống vào đây là những kẻ độc ác tột độ, không bao giờ có hy vọng được giải thoát. Ngoài đau đớn, người ở đó không còn một cảm giác nào khác.
Tên gọi của phim cũng thể hiện sự giằng xé tâm can của nhân vật chính, nỗi đau không được sống trong ánh sáng, không được sống như mình muốn của Lưu Kiện Minh, Trần Vĩnh Nhân.
Phim ra đời trong bối cảnh kinh tế Hong Kong ảm đạm sau khủng hoảng tài chính. Biên kịch Mạch Triệu Huy cho biết ông viết theo tưởng tượng, suy luận của bản thân mà không chắc kịch bản có được dựng thành phim hay không. Nhiều lần gửi kịch bản đi nhưng không nhà sản xuất nào đồng ý rót tiền, Mạch Triệu Huy nghĩ "mình phải bỏ nghề rồi". Sau đó, hãng Media Asia Film quyết định đầu tư 20 triệu HKD để dựng tác phẩm, quay trong chưa đầy một tháng.
Vô gian đạo được ví như "cứu tinh" của ngành phim Hong Kong đầu thập niên 2000. Thành công của tác phẩm làm các nhà đầu tư có niềm tin hơn với thị trường. Bên cạnh "mưa lời khen", phim bị một bộ phận khán giả cho rằng quá đề cao sức mạnh của xã hội đen, không phù hợp bối cảnh xã hội Hong Kong.
Nghinh Xuân