* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Phim do đạo diễn người Anh Jonathan Glazer chỉ đạo, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của Martin Amis. Bối cảnh là những năm 1940, xoay quanh cuộc sống của gia đình người chỉ huy trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan - Rudolf Höss (Christian Friedel) - và vợ, Hedwig (Sandra Hüller).
Tác phẩm lấy đề tài thảm họa diệt chủng để lên án sự thờ ơ của con người. Thay vì giữ lại nhân vật hư cấu trong truyện, đạo diễn dùng tên của những người có thật trong lịch sử để tăng tính chân thực. Glazer không mô tả những gì xảy ra trong trại tập trung - giống một số tác phẩm cùng chủ đề - mà chọn cách kể gián tiếp, khai thác góc nhìn từ gia đình Rudolf.
Trong khi người chồng giám sát công việc tại Auschwitz, Hedwig tiếp đãi bạn bè, đồng thời thuê người địa phương làm giúp việc, chăm sóc khu vườn. Vào buổi tối, Rudolf đọc truyện cho các con trước khi đi ngủ. Họ còn tổ chức các buổi sinh nhật, đi picnic và lên kế hoạch cho tương lai.
The Zone of Interest có nhiều trường đoạn mang tông màu từ lạnh đến nhợt nhạt, gợi cảm giác của thể loại kinh dị. Các cảnh quay đối lập được đạo diễn tận dụng nhằm cho thấy nỗi kinh hoàng tồn tại ở lãnh thổ Ba Lan. Mở đầu là phân đoạn nhà Rudolf tận hưởng ngày nghỉ bên bờ sông, gần trại tập trung. Ở đoạn khác, máy quay đi theo chuyển động của người giúp việc, mở ra khung cảnh tương phản: Một bên là nơi tù nhân chờ bị xử tử, bên còn lại là căn hộ đầy đủ tiện nghi.
Theo Guardian, Jonathan Glazer tận dụng hình ảnh nhằm kích thích trí tưởng tượng của khán giả, đặt người xem vào bối cảnh để chứng kiến sự tàn nhẫn của phát xít.
Tuy phim không trực tiếp mô tả cảnh hành quyết, khán giả vẫn có thể biết có người xử tử nhờ tiếng hét phát ra từ trại tập trung. Âm thanh được lồng vào cảnh quay những đóa hoa đang khoe sắc trong nhà Rudolf. Qua đó, đạo diễn đặt câu hỏi: Liệu khán giả còn cảm thấy vẻ đẹp của hoa trong hoàn cảnh khắc nghiệt này?
Trong khi đó, vợ chồng Rudolf và Hedwig vờ như không có chuyện gì xảy ra. Họ chỉ bàn đến chuyện nghỉ dưỡng ở Italy và những chuyến đi dạo cùng nhau. Các người con của Rudolf tung tăng cắp sách đến trường, còn phân cảnh trước đó là tiếng trẻ em khóc.
Việc sử dụng thủ thuật đặt camera vào những góc khuất trong nhà, ngang tầm mắt người xem, nhằm bắt trọn toàn bộ bối cảnh lẫn hành động nhân vật. Một số phân cảnh nhỏ vẫn gây ấn tượng với khán giả, như đoạn con trai Rudolf lấy đèn pin soi chiếc răng của người Do Thái, các bà nội trợ cười nói khi đề cập đến những tù nhân. Hay việc những người chế tạo lò thiêu mô tả cách thức hoạt động của những chiếc máy: "Mặt bên kia là buồng đốt sẵn sàng thiêu rụi đám kế tiếp, ngay sau khi bọn ở đây đã hóa hoàn toàn thành tro". Ngoài ra, hình ảnh tro cốt của người Do Thái hòa lẫn với nước mưa, đôi bốt của Rudolf Hoss dính máu tử tù, cô gái Ba Lan giấu thức ăn cho những người mắc kẹt ở Auschwitz giữa trời tối cũng được thể hiện trên phim.
Phần âm nhạc - do nghệ sĩ Mica Levi sáng tác - mang đến cảm giác kinh dị, rùng rợn, góp phần thúc đẩy cao trào. Nhà làm phim lồng ghép nhiều âm thanh nền, như tiếng súng, chim kêu, tiếng trẻ em và phụ nữ than khóc, tạo không khí u ám, ngột ngạt.
Theo Filmmaker, nhà thiết kế âm thanh Johnnie Burn biên soạn tài liệu dài 600 trang về các sự kiện liên quan tại Auschwitz, lời khai của các nhân chứng và một bản đồ lớn về trại tập trung để xác định chính xác khoảng cách và tiếng vang của âm thanh. Burn cũng dành một năm để xây dựng thư mục âm thanh trước khi bấm máy.
The Zone of Interest là phim điện ảnh thứ tư của Jonathan Glazer, sau Sexy Beast (2000), Birth (2004) và Under the Skin (2013). Trên Los Angeles Times, đạo diễn nói mất gần 10 năm để tạo ra tác phẩm, trong đó có ba năm tham khảo tư liệu về Đức Quốc xã. Từ đó, Glazer tổng hợp các nguồn thông tin về sĩ quan Rudolf Höss. Quá trình quay phim bắt đầu tại Auschwitz vào năm 2021, kéo dài hơn 55 ngày.
Trong cuộc phỏng vấn với Guardian, đạo diễn gốc Do Thái cho biết tác phẩm không gợi nhớ quá khứ mà phản ánh hiện tại. Theo đạo diễn, vài năm trước, khi biết con trai làm phim về phát xít Đức, cha của Glazer tức giận, nói: "Cha không hiểu con làm điều này để làm gì. Tại sao con lại đào xới chuyện này? Hãy để cho nó qua đi".
"Tôi nhớ đã nói với ông: 'Con thực sự ước mọi thứ có thể trôi đi, nhưng không, cha ơi, đây không phải là bộ phim dành cho quá khứ'. Dự án kể về hiện tại, về sự thờ ơ của con người", Glazer nói.
Thành công của The Zone of Interest còn đến từ màn diễn xuất của Christian Friedel và Sandra Hüller. Trong vai Rudolf Höss, Friedel lột tả sự độc ác, lạnh lùng qua đôi mắt và giọng nói. Ở nhiều trường đoạn, người xem thấy nhân vật luôn trầm ngâm, ít nói khi ở với gia đình, trong khi ở trại tập trung, hắn là người ra lệnh hành quyết người dân vô tội.
Sandra Hüller - người nhận nhiều lời khen cho vai diễn trong phim thắng giải Cành Cọ Vàng Liên hoan phim Cannes 2023 Anatomy of a Fall - được Guardian nhận xét "hoàn hảo trong vai Hedwig".
Hüller cho thấy khía cạnh dửng dưng, phớt lờ chiến tranh của nhân vật qua hành động và biểu cảm gương mặt, từ việc tạo dáng trong chiếc khoác lông và tô lên môi thỏi son lấy từ một tù nhân Do Thái, đến cười nói với mẹ ruột: "Rudi gọi con là Nữ hoàng của Auschwitz".
Khi nghe tin người chồng bị điều chuyển về Đức giám sát trại tập trung ở Oranienburg, không thể tiếp tục cuộc sống ở Ba Lan, nhân vật của Hüller hét vào mặt chồng: "Anh không thể làm điều này với tôi! Chúng ta đang sống như những gì chúng ta mơ ước". Ở trường đoạn này, diễn viên thể hiện sự giận dữ, bức xúc qua ánh mắt và giọng điệu.
Nghệ sĩ mất gần một năm để nhận lời tham gia, bởi trước đó, cô từng nói không bao giờ đóng phim về Đức Quốc xã, theo Variety. Tuy nhiên, Hüller bị thuyết phục khi đọc kịch bản, tin đạo diễn sẽ khắc họa đầy đủ sự tàn bạo của chủ nghĩa phát xít trên màn ảnh.
Giới chuyên môn cho rằng tác phẩm là ứng viên "nặng ký" ở mùa Oscar năm nay. Trên Hollywood Reporter hôm 27/2, một thành viên thuộc nhánh bỏ phiếu cho phim ngắn và phim hoạt hình trong Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ - đơn vị tổ chức giải Oscar - dự đoán The Zone of Interest thắng hạng mục Phim xuất sắc.
"Tác phẩm không cố gắng gửi thông điệp về sự tàn bạo của nạn diệt chủng, mà ẩn dụ cho việc có những điều khủng khiếp đang xảy ra khắp thế giới trong khi mọi người vẫn tiếp tục cuộc sống bình thường của mình", người này cho biết.
Ở Liên hoan phim Cannes 2023, dự án đoạt giải Grand Prix và giải FIPRESCI do các nhà phê bình phim quốc tế bình chọn. Variety đánh giá: "Bộ phim lạnh lùng và sâu sắc, đưa mặt tối của con người ra ánh sáng và soi xét chúng một cách kỹ lưỡng". Trang India Times viết: "Tác phẩm là minh chứng cho tầm nhìn đầy tham vọng của Glazer, thách thức sự hiểu biết của người xem về giai đoạn đen tối nhất lịch sử và gợi lên suy ngẫm về những hành vi vô nhân đạo tiếp tục tồn tại ở ngày nay".
Quế Chi