* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Tác phẩm lấy mốc thời gian giả định năm 2029, khi Hàn Quốc đưa tàu vũ trụ Woori lên thám hiểm mặt trăng. Một trận gió mặt trời khiến bộ phận quan trọng của tàu bị hỏng, hai phi hành gia tử nạn trong khi nỗ lực sửa chữa. Còn lại một mình, lại là người ít kinh nghiệm nhất, Hwang Sun Woo bơ vơ nhưng vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Anh tiếp tục gặp nhiều thử thách nguy hiểm như động đất, mưa thiên thạch, tàu thám hiểm bị lỗi, liên tục mất liên lạc với nhóm nghiên cứu ở Trái Đất. Kim Jae Gook - cựu giám đốc hành trình của Trung tâm Vũ trụ Hàn Quốc và Yoon Moon Young - quản lý dự án của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cùng bước vào hành trình giải cứu Hwang Sun Woo.
Chọn đề tài nghiên cứu khoa học tưởng chừng khô cứng, phim ghi điểm ở tiết tấu nhanh, với nhiều tình huống "cân não" đến phút cuối. The Moon chỉ lấy một vài bối cảnh chính - bên trong con tàu vũ trụ, một phần bề mặt mặt trăng, phòng điều khiển của trung tâm tại Hàn Quốc và NASA ở Mỹ, nhưng khắc họa được không khí làm việc căng thẳng trong ngành hàng không vũ trụ.
Dàn diễn viên từ chính tới phụ lấy nước mắt, tiếng cười người xem. Doh Kyung Soo nhập tâm vai Hwang Sun Woo - chàng trai có nhiều góc khuất trong tâm hồn. Tốt nghiệp ngành vật lý, anh gia nhập đội đặc nhiệm SEAL của Mỹ để rèn luyện thể chất, tinh thần, với mục tiêu hoàn thành ước mơ lên mặt trăng còn dang dở của bố. Bố anh vốn là người phụ trách dự án đã thất bại trong quá khứ, khiến cả phi hành đoàn thiệt mạng. Ông tự tử vì áp lực dư luận, để lại bóng đen tâm lý cho con trai.
Doh Kyung Soo không có quá nhiều cảnh hành động, chủ yếu lột tả cảm xúc nhân vật qua ánh mắt. Anh thể hiện sự thay đổi tâm lý nhân vật, từ háo hức lúc mới lên tàu đến hoang mang khi một mình mắc kẹt giữa mặt trăng. Trong hoàn cảnh hiểm nghèo, nhân vật nhiều lần bộc lộ sự nhanh nhạy, ý chí vững vàng. Diễn viên cũng lột tả sự nhỏ nhoi của con người giữa vũ trụ bao la, nhiều nguy hiểm.
Tác phẩm còn lấy nước mắt người xem qua nhiều tình tiết cảm động. Khi đặt chân lên mặt trăng, sau giây phút cắm cờ đất nước, Hwang Sun Woo đặt ngay ngắn hai bộ đồng phục của đồng đội đã tử nạn. Trong những phút giây tuyệt vọng, anh ngắm di vật của đồng đội, nhớ đến người cha đã khuất để có động lực sống. Khi được giải cứu trở về Trái Đất, hành trang của Hwang Sun Woo là gấu bông do con trai đồng đội tặng, bức ảnh gia đình của trưởng đoàn đã hy sinh.
Giữa bối cảnh và nhịp phim căng thẳng, đạo diễn vẫn đan cài nhiều tình huống hài hước, châm biếm qua các tuyến nhân vật phụ. Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Hàn Quốc (Choi Byung Mo đóng) chỉ quan tâm đến thành tích của tàu thám hiểm thay vì sinh mạng các phi hành gia. Khi biết tin Hwang Sun Woo còn sống, ông từ chối giải cứu vì đã trót thông báo anh chết, tổ chức đám tang trước cả nước. Thế nhưng, khi phi hành gia sống sót trở về, ông lại là người chào đón cậu nồng nhiệt nhất.
Theo Kstar, với kinh phí 28 tỷ won (khoảng 501 tỷ đồng), êkíp tạo ra con tàu vũ trụ mô phỏng gần giống thực tế, với tất cả công tác, bảng điều khiển, vật liệu dựa theo các mẫu tàu của NASA. Máy móc, phương tiện thám hiểm của đoàn làm phim thậm chí có thể thực hiện các nhiệm vụ cơ bản trên mặt trăng.
Phim được quay hoàn toàn dưới định dạng 4K với 45 ống kính cùng hiệu ứng VFX. Các cảnh bầu trời, mặt trăng chân thực, đẹp mắt, giống như những thước phim tài liệu. Trong nhiều cảnh giật gân như khi hai phi hành gia hy sinh hay Hwang Sun Woo vật vã giành sự sống trên mặt trăng, đạo diễn sử dụng nghệ thuật tương phản bằng cách khắc họa hình ảnh bầu trời sao mộng mơ, với giai điệu du dương của ca khúc Fly Me To The Moon (Frank Sinatra).
The Moon gửi gắm câu chuyện nhân văn về tình đồng đội, tình yêu và khát khao khám phá, cống hiến của các nhà khoa học. Ngoài ra, tác phẩm còn thể hiện thông điệp "mặt trăng không của riêng ai" giữa bối cảnh nhiều cường quốc chạy đua tranh giành sức ảnh hưởng và nguồn tài nguyên ngoài Trái Đất.
Hà Thu