* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Câu chuyện xoay quanh một thanh niên 26 tuổi, làm nghề giết mổ gà thuê. Cuộc sống anh ta quanh quẩn với việc ấp trứng, nuôi gà, làm thịt chúng. Mọi chuyện thay đổi khi khu lao động nghèo xuất hiện ba kẻ giang hồ đang lẩn trốn và một cô gái "bán hoa".
Phim ngập cảnh giường chiếu, tra tấn, bạo lực. Các cảnh "nóng" không quay trực diện, chủ yếu gợi tả qua âm thanh, hình ảnh tối giản. Tên cầm đầu nhóm giang hồ thường xuyên ép buộc cô gái điếm làm tình trước mặt đàn em. Vì tò mò, người thanh niên mổ gà nhìn trộm gã quan hệ tình dục. Bị bắt quả tang, anh bị chúng đánh đập, bắt cung phụng, làm trò mua vui. Vào đường cùng, anh lên kế hoạch trả thù.
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết tâm đắc tư tưởng của Tuân Tử - "nhân chi sơ tính bản ác", trái ngược với học thuyết "nhân chi sơ tính bản thiện" của Khổng Tử và Mạnh Tử. Phim vì thế cắt nghĩa việc cái ác lẩn khuất trong một con người tưởng chừng hiền lành, vô hại. Nó sinh sôi, phát triển hay không là do hoàn cảnh xung quanh tác động.
Sử dụng kỹ thuật "show, don't tell" (kể ít, tả nhiều), đạo diễn liên tục miêu tả để người xem tự hình dung. Năm nhân vật đều không có tên gọi, nhân thân rõ ràng, ít thoại. Trong 80 phút, nhà làm phim dẫn dắt khán giả khám phá hành trình chuyển biến tâm lý của nhân vật chính. Cốt truyện, tình tiết đơn giản, không có những màn truy đuổi giật gân hay đòi hỏi suy luận để tìm ra hung thủ, chủ yếu gợi mở để khán giả suy ngẫm.
Đạo diễn cài cắm nhiều chi tiết ẩn dụ. Sau mỗi lần bị hành hạ, anh chàng mổ gà nằm co ro trong chiếc chậu tắm ngập nước, thể hiện nỗi cô đơn, muốn tìm kiếm sự an toàn qua dáng nằm giống thai nhi khi còn trong bụng mẹ. Những cơn mưa lớn liên tục trở đi trở lại, như gột rửa cả nỗi đau và tội ác của con người.
Nhiều phim nổi tiếng của điện ảnh thế giới có chi tiết tư thế bào thai và cảnh cơn mưa để miêu tả sự cô đơn hay sự tái sinh như: 2001: A Space Odyssey (1968), Gravity (2013), Hồi ức kẻ sát nhân (2003), I Come With the Rain của Trần Anh Hùng (2009).
Theo êkíp, ngoài năm diễn viên chính, phim có hai "nhân vật" đặc biệt mang tính ẩn dụ. Một là thành phố ồn ào, hiện đại, hiện lên qua nhiều cảnh toàn từ trên cao. Thành phố đông đúc là vậy nhưng những con người sống trong đó không hề có sự liên kết, cô đơn trong thế giới của mình. "Nhân vật" còn lại là những con gà, vô hại, yếu đuối, dễ bị tổn thương, như chính con người lương thiện.
Thành phố ngủ gật không dễ xem với đại đa số khán giả. Bối cảnh phim chủ yếu quanh quẩn trong khu nhà xập xệ, bẩn thỉu, với các góc quay cận, thấp, góc chéo và một số góc từ trên cao, khiến người xem cảm thấy ngột ngạt, tù túng trong phần lớn thời lượng. Ở buổi chiếu sớm cho giới truyền thông, vài người rời khỏi phòng chiếu giữa chừng vì ghê rợn các cảnh giết mổ, máu me.
Phim có một vài khoảnh khắc tươi sáng, nhưng không nổi bật. Đó là khi anh giết gà và cô gái điếm nảy sinh tình cảm, bất chấp nhiều lần bị gã giang hồ đe dọa. Hoặc cảnh họ ngồi bên bờ sông hẹn hò, anh thanh niên đi chọn quần áo mới cho đứa bé sắp chào đời.
Tác phẩm gợi liên tưởng đến phong cách dòng phim tâm lý đen tối của Hàn Quốc, với gam màu tối, các góc cận, cách xây dựng nhân vật là kẻ sát thủ mang gương mặt ngây thơ. Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết ảnh hưởng phong cách của Bong Joon Ho - cha đẻ phim Ký sinh trùng. Ngoài ra, Thành phố ngủ gật cũng được dựng bởi một công ty của Hàn Quốc và Thái Lan.
Nhiều người trong nghề từng xem bản dựng, cho rằng tác phẩm không thể qua cửa kiểm duyệt. Đạo diễn cũng cho biết bất ngờ bởi Cục Điện ảnh không yêu cầu cắt sửa nhiều, mạch phim được giữ nguyên.
Êkíp mất nhiều thời gian ở khâu chọn diễn viên. Giống như các dự án trước, Lương Đình Dũng thường tuyển người tay ngang, bởi thích sự ngây ngô trong diễn xuất của họ. Quốc Toàn (vai nam chính), đóng phim khi mới 19 tuổi, chưa có nhiều trải nghiệm. Đạo diễn dùng nhiều thủ pháp tâm lý để Quốc Toàn nhập vai. Trước khi quay, anh cho diễn viên nghe nhạc, ngửi mùi máu tanh để thấm thía cảm giác của nhân vật.
Quốc Toàn phần nào diễn được vẻ ẩn ức của người mổ gà khi bị tra tấn, vẻ lạnh lùng, tàn nhẫn khi trả thù. Tuy nhiên, cảm xúc của nhân vật giữa hai giai đoạn không có sự chuyển biến rõ rệt. Hiền Lê - vai cô gái bán hoa - không có nhiều đất thể hiện, nhưng là nét chấm phá sinh động. Cô toát lên vẻ dạn dĩ, bất cần nhưng có phần yếu đuối. Nhóm ba tên đầu gấu không để lại nhiều ấn tượng, chủ yếu hiện lên trong các cảnh đánh đập.
Một số câu thoại của cô gái điếm hay nhóm giang hồ thừa thãi, có chỗ gây cười bất hợp lý. Các cảnh tra tấn ở cuối phim lặp đi lặp lại với tần suất dày, gây nhàm chán.
Khác với 578: Phát đạn của kẻ điên (kinh phí 60 tỷ đồng), Thành phố ngủ gật được làm dưới một tỷ đồng. Lương Đình Dũng cho biết không sợ phim lỗ hay kén khán giả, bởi tin rằng tác phẩm chinh phục những đối tượng riêng. Trước khi ra rạp Việt, phim vào vòng đề cử Grand Prix cho phim truyện xuất sắc tại Liên hoan phim Đêm đen Tallinn (Estonia), vào hạng mục Soul of Asia tại Liên hoan phim quốc tế Ấn Độ, chiếu tại một số giải khác ở Ấn Độ, Canada.
Hà Thu