Ready Player One được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Ernest Cline. Phim lấy bối cảnh năm 2045, khi môi trường bị tàn phá còn thế giới phân hóa giàu nghèo rõ rệt. Phần lớn cư dân sống ở khu ổ chuột trong những thùng hàng cũ bằng kim loại được chồng lên nhau tạm bợ. Trò chơi thực tế ảo OASIS trở thành nơi nhiều người lựa chọn để trốn tránh thực tại. Trong thế giới này, con người sống dưới một hiện thân ảo, tham gia các trò chơi và tương tác với nhau.
James Halliday (Mark Rylance đóng) - người sáng lập OASIS - qua đời, để lại tài sản khổng lồ cùng quyền sở hữu trò chơi cho người có thể vượt qua các thử thách trong OASIS để giành Trứng Phục Sinh. Thử thách này khiến cộng đồng sôi sục, trong đó có Wade Watts (Tye Sheridan đóng) - một thanh niên mồ côi lớn lên từ khu ổ chuột.
* Trailer phim
Wade (tên trong game là Parzival) thần tượng James Halliday cũng như say mê văn hóa thập niên 1970 và 1980 - niềm cảm hứng để James tạo ra OASIS. Nhờ đó, cậu đồng cảm với cách nghĩ của người quá cố và giành được chiếc chìa khóa đầu tiên. Muốn kiểm soát OASIS, tập đoàn IOI - đứng đầu là Nolan Sorrento (Ben Mendelsohn đóng) - cho người ngăn chặn Wade. Chàng trai cùng bốn người bạn trong trò chơi vừa chạy trốn IOI, vừa theo đuổi cuộc đua tìm Trứng Phục Sinh.
Câu chuyện trong Ready Player One diễn ra trong hai tuyến đời thực và trò chơi. Để tham gia OASIS, người chơi đeo kính thực tế ảo cùng một số thiết bị khác. Họ điều khiển động tác nhân vật của mình trong game và cũng cảm nhận nỗi đau mỗi khi trúng đòn. Nếu bị giết, nhân vật sẽ được tái sinh nhưng mất hết thiết bị ảo và thành tích trước đó.
Người chơi có thể chọn cho mình một hiện thân (avatar) với dáng vẻ khác ngoài đời. Một số người tạo hiện thân là phiên bản ngầu, bóng bẩy hơn của chính mình ngoài đời, nhưng cũng có người thoát ly hiện thực bằng cách chọn hiện thân khác hẳn với họ, ví dụ như một bé gái có thể trở thành chàng trai cơ bắp trong game. Sự hòa mình, đồng nhất hóa bản thân với nhân vật là đặc tính nổi bật trong trò chơi, giống như câu nói đầu phim: "Người ta đến với OASIS vì những thứ có thể làm, nhưng ở lại vì con người mà họ có thể trở thành".
Các yếu tố của game được khai thác khéo léo trong kịch bản, từ việc người chơi phải trả tiền để nâng cấp trang thiết bị, nhặt nhạnh tiền xu rơi từ những người khác, cho đến cách truy cập vào kho đồ để chọn ra trang thiết bị thông qua một giao diện. Một vài đặc điểm của trò chơi trở thành yếu tố bất ngờ trong cách phát triển hay giải quyết tình huống.
Khán giả có thể tận hưởng phim thông qua phần hình ảnh đẹp mắt. Thiết kế trong OASIS là sự kết hợp của nền văn minh đời thực lẫn trí tưởng tượng con người. Thế giới được chia thành nhiều vùng để phục vụ cho các trò chơi cũng như hoạt động ăn uống, giải trí. Nhiều cấu trúc trong phim gây ấn tượng bởi tạo hình 3D mượt mà, còn các trích đoạn hành động dễ khiến người xem choáng ngợp, tiêu biểu như màn đua xe hay đại cảnh chiến đấu tràn ngập nhân vật.
Cảnh quay đời thật và kỹ xảo máy tính được kết hợp chuẩn mực. Đặc biệt, trong cảnh đầu phim, khi Wade bắt đầu mang kính thực tế ảo để bước vào OASIS, khuôn mặt của diễn viên chuyển sang hình ảnh máy tính mô phỏng anh, rồi biến thành khuôn mặt nhân vật trong OASIS mượt mà, không để lại vết gợn nào về mặt thị giác. Khi người chơi nhập vai, công nghệ motion capture (bắt chuyển động) được sử dụng để ghi lại biểu cảm từ chính diễn viên rồi biến chúng thành của nhân vật ảo.
Âm nhạc cũng là một điểm cộng của bộ phim với sự đảm nhận của Alan Silvestri - người thay thế cho cộng sự quen thuộc của Speilberg là nhà soạn nhạc John Williams. Những bản nhạc nổi tiếng từ thập niên 70-80 như Jump (Van Halen), One Way or Another (Blondie), You Make My Dreams (Hall & Oates) góp phần tái hiện thời kỳ nhạc pop-rock, punk-rock thịnh hành, hỗ trợ cho tinh thần hoài niệm của phim.
Tác phẩm giàu chất hoài niệm bởi các chi tiết văn hoá đại chúng (pop culture) tràn ngập trong phim. Theo trang IGN, bộ phim có đến 138 chi tiết gợi nhắc đến các phim điện ảnh, chương trình truyền hình, sách, truyện tranh, trò chơi điện tử. Sự bao quát nhiều thể loại khiến bộ phim trở nên gần gũi và lôi cuốn với số đông, không bị bó hẹp trong phạm vi cộng đồng game thủ. Khán giả thông thường có thể tìm thấy những nhân vật mình yêu mến như Batman, Superman, khủng long T-Rex, King Kong. Iron Giant, Gundam... Bên cạnh đó, một kiệt tác điện ảnh của huyền thoại Stanley Kubrick trở thành phông nền cho một trong những trích đoạn ấn tượng nhất phim.
Ngoài yếu tố giải trí, Steven Spielberg khéo léo đưa vào phim những thông điệp ý nghĩa về tình bạn, đạo đức kinh doanh, ranh giới thực và ảo. Dù là tác phẩm về trò chơi, phim vẫn cảnh tỉnh nhẹ nhàng việc chìm đắm trong thế giới ảo thông qua nhân vật chính. Trong khi đó, câu chuyện của nhà sáng lập James Halliday gợi nhớ đến giai đoạn khởi nghiệp của các tỷ phú Mark Zuckerberg hay Steve Jobs, khi họ phải đưa ra những quyết định khó khăn với bạn bè. Còn kẻ phản diện Nolan Sorrento là tiếng cười trào phúng những ông trùm tập đoàn nhìn sự vật qua lăng kính kinh tế chứ không hiểu gì về sản phẩm mình kinh doanh.
Tuy vậy, nếu như câu chuyện trong OASIS thú vị và khó đoán, tuyến ngoài đời thực xây dựng còn yếu với vài lỗi logic. Nhóm bạn của Wade chỉ mới được khắc họa ở mức độ bề mặt, dừng lại ở mức độ trợ thủ cho nhân vật chính chứ không có cá tính ấn tượng. Họ bao gồm Aech (Lena Waithe đóng), Sho (Philip Zhao đóng), Daito (Win Morisaki đóng) và Art3mis (Olivia Cooke đóng) - cô nàng mà Wade có tình cảm.
Ngoài ba tượng vàng Oscar, Steven Spielberg còn có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của văn hóa Mỹ. Qua những bộ phim khoa học viễn tưởng và phiêu lưu của mình như Close Encounters of the Third Kind, E.T. the Extra-Terrestrial, Jurassic Park hay series Indiana Jones, đạo diễn sinh năm 1946 tạo ra nhiều nhân vật có dấu ấn lớn, khiến người xem nhớ đến nhiều năm sau. Báo giới phương Tây xem Spielberg là người có phong cách và tầm vóc phù hợp nhất để chuyển thể tiểu thuyết Ready Player One - có nội dung ca ngợi văn hóa đại chúng. Ông không gây thất vọng khi phim được giới phê bình khen ngợi với 76% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes.
Tác phẩm này cũng đánh dấu việc nhà làm phim trở lại với các phim bom tấn sau vài năm thực hiện các phim chính luận như Lincoln, Bridge of Spies hay The Post. Theo Box Office Mojo, Spielberg là đạo diễn có doanh thu phòng vé cao nhất mọi thời đại với 4,5 tỷ USD, cao gần gấp đôi người thứ hai. Trong tương lai gần, vị trí dẫn đầu của ông vẫn sẽ vững chắc nếu tiếp tục cho ra mắt các tác phẩm lôi cuốn như Ready Player One.
Phim khởi chiếu từ ngày 30/3 với tựa Việt Đấu trường ảo.
Minh Dương