* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Phim do Edward Berger đạo diễn, lấy bối cảnh năm thứ ba của Thế chiến Thứ Nhất. Lúc này, Đức đang phát động chiến tranh tại miền bắc nước Pháp. Học sinh trung học Paul Bäumer (Felix Kammerer thủ vai) cùng ba người bạn khác là Albert Kropp (Aaron Hilmer), Franz Müller (Moritz Klaus) và Ludwig Behm (Adrian Grünewald) quyết định lên đường nhập ngũ.
Nhóm bạn được đưa ra Mặt trận phía Tây, lúc này Đức đã chiếm được một phần miền bắc nước Pháp. Ở nơi tiền tuyến, Paul làm thân với trung úy Stanislaus Katczinsky (Albrecht Schuch) và Tjaden Stackfleet (Edin Hasanovic). Từng người trong nhóm tử trận, nhưng chiến tranh vẫn chưa kết thúc.
Tác phẩm tái hiện nỗi đau của cuộc chiến ám ảnh về thân phận con người.
Edward Berger tham gia viết kịch bản cùng cựu nhà báo Ian Stokell của tờ Washington Post và nhà sản xuất kiêm diễn viên Lesley Paterson. Trong phim, tâm lý nhân vật được được khai thác triệt để.
Paul và bạn bè bị kích động bởi những bài diễn văn mang lý tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Lời hứa về vinh quang và chủ nghĩa anh hùng được thêu dệt bởi các giáo sư trong trường đối lập với thực tế nghiệt ngã ngoài tiền tuyến, nơi người lính trở thành những "quân cờ" thế mạng. Lúc đầu, những tân binh khởi hành với tâm trạng hồ hởi, phấn chấn hát bài ca hành quân. Sau khi đi vào vùng chiến sự, chứng kiến bom đạn, khói lửa, họ trở nên lo sợ, hoảng loạn.
Đứng giữa mặt trận, ngập ngụa dưới bùn trong chiến hào, cận kề giữa sự sống và cái chết, Paul nhận ra chiến tranh không như anh nghĩ. Paul và đồng đội là người chứng kiến sự "lên ngôi" của kỹ nghệ quân sự trong Thế chiến Thứ nhất, những trận pháo kích cường độ cao, hơi độc, xe tăng... Khi Paul chưa kịp nguôi ngoai nỗi đau mất bạn, anh phải thu thập bảng tên của những người tử trận. Điều này khiến Paul lạc lối, nhưng anh không dám bỏ chạy vì phía nào cũng là bom đạn của kẻ thù.
Nhà làm phim làm nổi bật giá trị của tình bạn, tình yêu. Paul và những người bạn quyết tâm ra mặt trận để chứng minh lòng yêu nước, nhiệt huyết tuổi trẻ. Trong thời khắc tuyệt vọng, họ động viên nhau vượt qua, hy vọng chiến tranh sớm chấm dứt để trở về nhà. Lúc hành quân trên đất Pháp, Frank tìm được tình yêu của đời mình, còn Albert tương tư về cô gái trên tấm áp phích. Bỗng chốc, họ quên rằng mình đang trong cao trào của cuộc chiến.
Ngoài bối cảnh chính dọc các chiến hào, tác phẩm mang màu sắc chính trị ở những phân đoạn đàm phán của chính phủ hai nước. Thống chế Ferdinand Foch của Pháp (Thibault De Montalembert) gia tăng căng thẳng, ép buộc phía Đức phải ký thỏa thuận đình chiến không thương lượng. Matthias Erzberger (Daniel Brühl), người chủ trì ủy ban đình chiến của Đức bình tĩnh nhằm giảm thất thoát cho hai bên. Khác với sự điềm tĩnh của Erzberger, Đại tướng Friedrichs (Devid Striesow) muốn Đức tiếp tục chiến đấu dù phải hứng chịu những tổn thất nặng nề.
Trang Entertainmant Weekly đánh giá cao tính thẩm mỹ của phim. "Tác phẩm phản chiến vượt qua tầm ảnh hưởng của sự tuyên truyền, mang đậm tính nghệ thuật", cây bút Leah Greenblatt viết.
Dàn diễn viên đồng đều, nổi bật là Felix Kammerer trong vai chính Paul Bäumer. Diễn viên trẻ chứng minh thực lực của mình trong vai diễn đòi hỏi chiều sâu tâm lý, nhất là trường đoạn cuối phim. Anh thể hiện tốt gương mặt đờ đẫn vì cuộc chiến, gây xúc động trong cảnh tranh giành vũ khí với quân địch.
Albrecht Schuch hóa thân thành công vai trung úy Stanislaus Katczinsky hiếu chiến. Trong nửa cuối phim, Edin Hasanovic gây ấn tượng với vai Tjaden Stackfleet thà chiến đấu đến cùng, không để mình khuyết tật trở về nhà.
Thủ pháp dựng phim và nghệ thuật quay hình cũng là điểm sáng của tác phẩm. Sự ảm đạm bao trùm phim từ những phút đầu. Các cảnh được cắt đột ngột tạo sự bất ngờ, khó đoán. Điển hình trong những cảnh đầu tiên, phim mở ra một khung cảnh yên bình tại phía Tây. Máy quay theo chân người lính Heinrich (Jakob Schmidt) lao về phía trước, giữa làn mưa bom đạn. Nhà làm phim sử dụng nghệ thuật hoán dụ trong chi tiết bộ đồng phục được tái sử dụng bởi nhân vật chính Paul Bäumer, ngầm thể hiện Heinrich đã chết.
Volker Bertelmann - nhà soạn nhạc của phim - mang đến những giai điệu ngắt quãng, dồn dập, gia tăng căng thẳng trong nhiều phân cảnh. Giai điệu của những bản nhạc gợi cảm giác u tối trong thể loại kinh dị, nhưng lại hiệu quả cho một tác phẩm nhuốm màu chiến tranh.
Chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Enrich Maria Remarque, một số chi tiết được nhà làm phim sáng tạo. Ví dụ, trong sách, giáo sư Kantorek là động lực thúc đẩy Paul và bạn bè ra trận chiến đấu. Khi lên phim, vai trò của ông bị cắt bớt nhưng không làm ảnh hưởng đến cốt truyện.
Trang IGN viết: "Bộ phim là một lời nhắc nhở về sự phi nhân tính của chiến tranh. Nó là một chiếc đồng hồ quay ngược thời gian, bạn sẽ được chiêm nghiệm một trong những câu chuyện phản chiến sâu sắc nhất mọi thời đại". Bên cạnh những lời khen, có một số nhà phê bình chê trách phim. Tờ Wall Street Journal cho rằng bộ phim có nhiều cảnh máu me không phù hợp, nhiều câu chuyện phụ gây lan man, một số cảnh phim gợi nhớ về những bộ phim đề tài chiến tranh trước đó.
Phía Tây không có gì lạ là tác phẩm thứ ba lấy cảm hứng từ cuốn sách cùng tên, xuất bản năm 1929. Trước đó, một phim điện ảnh và một phim truyền hình đã được sản xuất dựa trên tiểu thuyết này.
Phim công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Quốc tế Toronto ngày 12/9, được phát trên Netflix ngày 28/10. Tác phẩm của Đức này sẽ tranh giải Phim quốc tế xuất sắc tại lễ trao giải Oscar lần thứ 95 tổ chức vào tháng 3 năm sau.
Quế Chi