* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Phim thuộc thể loại chính kịch, do Lưu Giang Giang đạo diễn. Chu Nhất Long đóng chính, vai Mạc Tam Muội, con trai út trong một gia đình làm dịch vụ tang lễ. Một ngày nọ, Tam Muội đến khâm liệm cho bà ngoại của Tiểu Văn (Dương Ân Hựu). Lúc xe đưa bà đến nhà tang lễ hỏa táng, Tiểu Văn chạy theo đòi lại người thân. Những tình huống dở khóc dở cười bắt đầu từ đây.
Tác phẩm ghi điểm nhờ kịch bản chặt chẽ, kể chuyện tự nhiên. Bằng cách cài cắm những chi tiết nhỏ mang lại hiệu quả, từng tình huống lần lượt diễn ra. Tam Muội sống bất cần, bị bạn gái phản bội, không chú tâm vào công việc của gia đình. Anh miễn cưỡng theo nghề gia đình vì chỉ mong cha (La Kinh Dân đóng) sang tên căn nhà cho mình. Tính khí nóng nảy khiến anh luôn gặp rắc rối, từ gia đình, tình yêu cho đến công việc mà anh đang tiếp quản.
Về Tiểu Văn, tuổi thơ cô bé chỉ có một người thân duy nhất là bà. Những gì Tiểu Văn được nghe kể là mình không có cha mẹ. Cô bé luôn tỏ ra mạnh mẽ, có phần ngạo mạn khi lần đầu gặp Tam Muội, nhưng cũng rất tình cảm, luôn quan tâm đến mọi người xung quanh.
Hành trình lần đầu làm cha khiến Tam Muội nhận ra nhiều điều. Thoạt đầu khi Tiểu Văn mới chuyển về, anh học cách làm bạn với cô bé bằng cách chơi mạt chược. Dần dần, anh mở lòng, bắt chuyện với cô gái nhỏ, thấu hiểu và quan tâm tới cảm xúc cô bé nhiều hơn.
Phim có nhiều chi tiết gây cười dí dỏm, không cường điệu, đến từ cách đối thoại của hai nhân vật chính. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng có những chi tiết xúc động. Qua các trường đoạn thuật lại quá trình khác nhau của tang lễ, đạo diễn cố gắng miêu tả những câu chuyện của mỗi con người. Có "người gần đất xa trời" mong muốn một đám tang trang trọng, cũng có người chết yểu để lại nỗi đau xót cho người thân... Người xem phần nào thấu hiểu được giá trị của một đám tang, biết quý trọng cuộc sống.
Tác phẩm còn đề cập tình cha con nhà Tam Muội. Cha bắt buộc anh phải theo nghề của gia đình nhưng Tam Muội muốn tìm một công việc khác. Sau những biến cố, anh dần nhận ra không có nghề nghiệp nào tầm thường, nghề nào cũng đáng quý và đáng được trân trọng.
Diễn xuất của hai nhân vật chính chiếm trọn trái tim khán giả. Chu Nhất Long hóa thân một tên bặm trợn tầng lớp trung lưu với vẻ mặt lưu manh, đầu trọc. Cách đối thoại của anh nhanh nhưng "mang sát khí". Đảm nhận một vai nhiều cảm xúc, Chu Nhất Long vừa cho khán giả thấy tính cách nóng nảy, lạnh lùng khi làm việc nhưng lại ấm áp, ân cần đối với Tiểu Văn.
Diễn viên nhí Dương Ân Hựu nhập tâm hết mình cho vai diễn. Cô bé thể hiện sự lém lỉnh, tinh nghịch hòng chọc tức Tam Muội. Vẻ mặt đáng thương của cô càng làm tăng cảm xúc cho những cảnh lấy nước mắt.
Dàn diễn viên phối hợp ăn ý. Các diễn viên còn lại đều có đất diễn riêng, mỗi nhân vật có tính cách khác nhau. Vương Qua làm tốt vai trò gây cười, Trần Sang (trong vai cậu của Tiểu Văn) diễn đạt vai sợ vợ, La Kinh Dân gây thiện cảm với những đoạn trò chuyện cùng con trai Tam Muội...
Nhà của Tam Muội là bối cảnh chính của tác phẩm. Nằm trong một con hẻm nhỏ, nếp sinh hoạt của tầng lớp lao động và trung lưu được tái hiện sống động. Bối cảnh công ty tang lễ cũ kỹ bên cạnh tiệm váy cưới sang trọng vừa gây cười, vừa thể hiện ý đồ của đạo diễn.
Tuy nhiên, tác phẩm còn một số hạn chế, chủ yếu ở cuối phim. Câu chuyện về mẹ ruột của Tiểu Văn được xử lý qua loa, tính cách người mẹ không được làm rõ.
Trên trang đánh giá Douban, phim nhận về số điểm 7,3 với 431.562 nhận xét. Diễn viên Tôn Hồng Lôi (phim Đường về nhà, Như sương như mưa lại như gió) viết trên Weibo: "Giới thiệu Nhân sinh đại sự với mọi người. Cảm ơn những người cùng ngành đã nỗ lực vì sự sáng tạo của điện ảnh." Bác sĩ, nhà văn Tần Minh (tác giả bộ tiểu thuyết lý luận trinh thám, tội phạm học, khoa học pháp y Pháp y Tần Minh) viết: "Phim hay, có thể cho con xem cùng, như một phương pháp giáo dục về cái chết rất tốt. Tổng thể vẫn là một câu chuyện về tình thân và sự trưởng thành".
Quế Chi