* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Phim do Barry Jenkins - đạo diễn thắng giải Phim xuất sắc Oscar 2016 - thực hiện, lấy bối cảnh gia đình sư tử Simba khi chuẩn bị chào đón con thứ hai. Lúc này, khỉ Rafiki kể cho Kiara (con gái Simba) về ông nội của cô vượt nhiều thách thức để trở thành vua sư tử. Quá khứ dần được hé mở, trong đó có mối quan hệ giữa vua sư tử và Taka (còn gọi là Scar), từ lần đầu gặp gỡ và trở thành anh em, đến khi Taka phản bội và thay đổi tâm tính.
Kịch bản đưa người xem dõi theo quá trình nhân vật từ không có dòng máu hoàng tộc đến lúc được công nhận là "Vua sư tử". Mufasa lạc gia đình sau cơn bão lũ, sau đó được Taka cứu sống, nhận làm anh trai. Mẹ của Taka, Eshe, có tấm lòng nhân hậu, muốn giúp đỡ cậu bé. Tuy nhiên, cha Obasi lại khinh thường, không chấp nhận kẻ lạc loài. Sự khác biệt này gây nhiều cuộc tranh cãi trong gia đình.
Êkíp lồng ghép nhiều chi tiết cho thấy sự khác biệt tính cách giữa hai anh em để làm nổi bật mâu thuẫn ở cuối phim. Điển hình, trong lúc bầy sư tử trắng - do Kiros dẫn đầu - gây nguy hiểm cho Eshe, Taka hèn nhát bỏ trốn, còn Mufasa ra sức bảo vệ người cưu mang mình. Trong lúc chạy trốn Kiros, hai chú sư tử gặp gỡ và thân thiết với Nala, nhưng người em Taka trở nên ghen ghét, tìm cách hãm hại anh.
Xuyên suốt phim, đạo diễn truyền tải thông điệp: Không quan trọng bạn xuất thân từ đâu, bản chất lương thiện mới là điều đáng quý. Sau khi cứu Eshe, nhân vật chính được gia nhập đàn, nhưng Obasi chưa bao giờ xem cậu là thành viên thực thụ. Việc chơi với các sư tử cái vô tình trở thành cơ hội để Mufasa học kỹ năng săn mồi. Cũng từ đó, Eshe phát hiện cậu có khứu giác nhạy bén, trí tuệ vượt trội hơn nhiều con sư tử khác.
Tiếp nối thành công phần trước, dự án phát huy điểm mạnh về mặt hình ảnh. Chicago Sun-Times nhận xét phim gây ấn tượng với nhiều phân đoạn toàn cảnh mô tả thiên nhiên, thời tiết ở châu Phi. Chuyển động của các nhân vật có sự tự nhiên, biểu cảm đa dạng.
Theo ProjectREYLO, tác phẩm đưa việc sáng tạo nhân vật lên tầm cao mới khi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong kỹ xảo điện ảnh. Các họa sĩ Disney áp dụng những thuật toán cụ thể trong lĩnh vực học sâu (deep learning) và mạng đối nghịch tạo sinh (GAN), xây dựng chi tiết biểu cảm của nhân vật.
AI còn phân tích mọi chuyển động, biểu cảm và cảm xúc của nhân vật từ các phần trước để tạo ra phiên bản sư tử chân thực. Thông qua việc phân tích nhận dạng khuôn mặt, AI cho phép các họa sĩ hoạt hình tái tạo những cảm xúc phù hợp tính cách, như tiếng gầm, khoảnh khắc gần gũi người thân.
Variety khen nội dung mang lại tiếng cười lẫn phút giây căng thẳng, các ca khúc của nhà soạn nhạc Lin-Manuel Miranda tăng cảm xúc cho phim. Trong khi đó, Hollywood Reporter cho rằng câu chuyện về mâu thuẫn giữa hai nhân vật chính là môtíp quen thuộc trong phim Hollywood, nhưng không đủ sức nặng cho những diễn biến nửa cuối tác phẩm.
Kịch bản có nhiều chi tiết khiên cưỡng, khiến mạch phim kém thuyết phục. Nhà làm phim tạo ra nhiều tình huống để Mufasa trở thành người hùng, còn nét tính cách tốt của Taka thể hiện mờ nhạt. Biến cố dẫn đến xung đột của hai anh em xử lý hời hợt. Ban đầu, Taka là nhân vật ngang tài ngang sức anh trai, nhưng lại đột ngột đố kỵ khi có sự xuất hiện của nàng sư tử Sarabi.
Việc xen kẽ giữa quá khứ và hiện tại thông qua lời kể của chú khỉ Rafiki làm phim rời rạc. Tuyến nhân vật hài hước Timon và Pumbaa - vốn là điểm nhấn trong phần trước - không tạo nhiều tiếng cười. The Irish Times bình luận: "Phim thiếu những nhân vật có chiều sâu, cảm xúc nhạt nhòa, thay vào đó là màn phô diễn kỹ thuật hình ảnh". Còn BBC viết: "Phần tệ nhất là kịch bản tẻ nhạt của Jeff Nathanson".
The Lion King (Vua sư tử) là một trong những thương hiệu kinh điển và thành công nhất của hãng phim Disney. Tác phẩm truyền tải bài học về tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu thủy chung và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Với trẻ em, bộ phim còn khơi gợi lòng trắc ẩn về thiên nhiên, thế giới động vật. Phần hoạt hình năm 1994 mang về hai tượng vàng Oscar cùng doanh thu gần 970 triệu USD, còn bản điện ảnh năm 2019 mang về hơn 1,6 tỷ USD.
Quế Chi