* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Lhakpa Sherpa, 51 tuổi, thuộc tộc người Sherpa ở phía đông Nepal, trên vùng cao của dãy Himalaya. Trước khi chinh phục "nóc nhà thế giới", cô làm dịch vụ dẫn đường và khuân vác hành lý cho những nhà leo núi. Năm 2022, Lhakpa trở thành người phụ nữ đầu tiên chinh phục Everest nhiều nhất thế giới với 10 lần. Dấu mốc này được ghi lại trong tác phẩm do Lucy Walker - từng được đề cử Oscar với phim tài liệu Waste Land (2010) - đạo diễn.
Không chỉ kể về lần lập kỷ lục, phim mô tả nghị lực lẫn những nỗi đau tâm hồn của Lhakpa. Đối với nhiều người, việc leo đỉnh Everest là một trong những thành tựu lớn nhất của họ, nhưng Lhakpa chỉ xem việc này là bước khởi đầu để gia đình cô có cuộc sống tốt hơn. Cô mơ ước mở công ty hướng dẫn leo núi và tìm nguồn tài trợ cho những chuyến đi, bên cạnh việc rửa bát tại một siêu thị ở Connecticut (Mỹ).
Tác phẩm ghi lại sự kiên trì của nhân vật chính, từ thời thơ ấu tại một ngôi làng ở Nepal, nơi Lhakpa không được học hành, đến việc vượt qua giới hạn bản thân. Khi chuyển đến Mỹ, tiếng Anh của cô không tốt, do vốn từ vựng ít ỏi của Lhakpa đến từ việc giao tiếp với khách du lịch.
Theo Hollywood Reporter, đạo diễn Lucy Walker tạo góc nhìn khách quan về Lhakpa bằng cách giữ khoảng cách nhất định với nhân vật. Cô khai thác những khía cạnh đa chiều bằng cách sử dụng kỹ thuật phỏng vấn, để Lhakpa tự bộc lộ cảm xúc. Qua đó, khán giả vừa thấy sự mạnh mẽ, sôi nổi của "nữ hoàng Everest", vừa đồng cảm tổn thương bên trong cô.
Nhân vật biến đau thương thành sức mạnh, cho thấy leo núi không chỉ là môn thể thao mà còn để khám phá bản thân, bứt phá giới hạn. Khi đứng trên đỉnh núi năm 2022, Lhapka so sánh mình với "con gấu trúc già bẩn thỉu" đang lục lọi thùng rác tại Connecticut, hé lộ góc khuất về cuộc sống khó khăn tại Mỹ.
Câu chuyện đời tư của Lhakpa mang đến giây phút gây xúc động mạnh. Sau lần lên đỉnh Everest đầu tiên, Lhakpa gặp và kết hôn nhà leo núi George Dijmărescu vào năm 2002. Chỉ hai năm sau, George lộ rõ dấu hiệu bạo lực. Theo lời kể của nhà báo Michael Kodas của tờ Hartford Courant, Lhakpa bị chồng bạo hành khi đoàn leo núi gặp thời tiết xấu. Lúc đó, Michael chụp nhiều bức ảnh cô nằm bất tỉnh với gương mặt sưng tấy.
Trong khi nhà báo muốn lên án hành vi bạo lực của George, Lhakpa chỉ muốn xóa bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cô bị đánh vì quá xấu hổ. Cô ví George là "người tuyết", sinh vật hung dữ mà bà ngoại kể lúc nhỏ.
Thay vì rời đi, Lhakpa vẫn sống cùng George vì thiếu thốn vật chất. Đến năm 2015, cô ly hôn chồng sau khi chuyển đến nơi trú ẩn dành cho nạn nhân bạo lực gia đình. Từ đó, cô giành quyền nuôi con và tiếp tục leo núi. "Everest là bác sĩ của tôi, giúp chữa lành tâm hồn", cô nói.
Nhà làm phim đan xen các cuộc phỏng vấn với phân cảnh leo núi để tạo ra hai câu chuyện song song, mô tả khía cạnh tâm lý lẫn kỹ thuật chuyên môn và sự khắc nghiệt của môi trường. Trong những đoạn phỏng vấn, Lhakpa mặc trang phục truyền thống của người Nepal, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa quê nhà. Ở một cảnh phim, nhân vật nói: "Hãy nhìn tôi này, tôi không được học hành. Nếu tôi có thể làm được, ai cũng có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Thiên nhiên có thể khiến bạn thay đổi, giúp bạn tốt hơn".
Câu chuyện được minh họa bằng các cảnh quay tư liệu, gồm khoảnh khắc từ những chuyến thám hiểm và cuộc phỏng vấn lúc Lhakpa còn trẻ, liên tục phá vỡ kỷ lục của mình về số lần leo Everest nhiều nhất. Một số trường đoạn cho thấy sự nguy hiểm như việc băng qua một khe nứt trên chiếc thang hẹp, gió và tuyết liên tục xuất hiện.
Giới chuyên môn đánh giá cao kỹ năng kể chuyện của phim. Trang Decider viết: "Câu chuyện của Lhakpa xứng đáng được biết tới và có thể khiến bạn rơi nước mắt". Boston Globe bình luận: "Đạo diễn Lucy Walker tạo ra một nghiên cứu về sự bất khuất của phụ nữ, không chỉ giới hạn ở việc leo lên đỉnh Everest".
Hollywood Reporter đánh giá: "Tác phẩm có nhiều thước phim tuyệt đẹp về Lhakpa trên Everest, đôi khi trong tuyết và gió. Nhưng cuộc sống của người phụ nữ khiêm tốn và mạnh mẽ này mới là điểm nhấn".
Theo Variety, Lucy Walker lần đầu biết đến Lhakpa vào năm 2004 khi đang ở Tây Tạng để ghi hình dự án Blindsight (2006) về những thiếu niên mù leo núi LhakpaRi. "Biết cách ghi hình về ngọn núi Everest là kỹ thuật cần có để kể về Lhakpa. Nhưng bộ phim này cần có tầm nhìn sáng tạo để có thể đan xen hai câu chuyện với nhau", đạo diễn nói.
Quế Chi