* Bài tiết lộ một phần nội dung phim
Tác phẩm của Bùi Thạc Chuyên phát hành giữa tháng 7, tròn một năm đạo diễn từ Bắc vào Nam thực hiện tác phẩm. Phim chia thành 5 tập, mỗi tập xoay quanh một nhóm nhân vật như lực lượng y tế tuyến đầu, tình nguyện viên, nhà hảo tâm... Họ tạo nên những lát cắt làm thành bức tranh nhiều gam màu sáng - tối về giai đoạn Covid-19 hoành hành ở TP HCM và Bình Dương.
Không sợ hãi tái hiện ký ức về dịch bệnh qua lời kể của người trong cuộc. Đạo diễn không can thiệp bằng lời bình, cho nhân vật tự thuật câu chuyện của họ. Đối diện máy quay, những nhân chứng hồi tưởng một giai đoạn nhiều biến động. Có người bình thản bởi đã vượt qua mất mát, nhưng cũng có người khóc nghẹn khi nỗi đau vẫn còn đó.
Ở tập ba - Không cô đơn, sau khi khỏi Covid-19, một cặp anh em ở Bình Dương xin làm tình nguyện viên ở bệnh viện thu dung để chăm sóc cha. Với người em, thời gian túc trực bên giường bệnh là chuỗi ngày ám ảnh của cuộc đời cô. Cùng bác sĩ chăm bệnh nhân, họ chứng kiến nhiều người hôm trước còn cười nói, ngày sau đã chuyển biến nặng và qua đời khi được chuyển lên khu chăm sóc đặc biệt. Nỗi sợ của hai anh em lớn dần khi người cha dần nguy kịch. Lo ông không qua khỏi, họ viết một lá thư, nhờ bác sĩ "nếu ba em có chuyện gì thì mặc cho ông bộ đồ". Khi bức thư đến tay điều dưỡng viên, nhiều dòng chữ bị lem bởi nước mắt người viết.
Tập năm - Không bỏ rơi - xoay quanh nghịch cảnh của một nữ sinh 17 tuổi ở TP HCM, có bố mẹ nhiễm bệnh cùng lúc, được đưa đi điều trị. Sau chuỗi ngày mất liên lạc với bố, cô ngã khuỵu khi bác sĩ báo tin ông qua đời. Vài ngày sau, đúng dịp sinh nhật mẹ, trong túi còn 100 nghìn đồng, cô đi mua bánh để cầu cho mẹ khỏe lại. Vừa cầm bánh về nhà, cô hay tin mẹ mất. Trò chuyện với đạo diễn, nữ sinh nói: "Nhiều lúc, con tự hỏi cuộc sống sao quá bất công với con. Lúc nhỏ, con đã bị một căn bệnh suýt chết. Sau lần đó, con nghĩ cuộc đời mình từ đây sẽ êm ả, sẽ lập gia đình, được ba dẫn lên lễ đường như bao người...".
Nhiều tình tiết, phân cảnh xuất hiện thoáng qua vẫn khiến người xem nhói lòng. Tập hai - Không chạy trốn - ghi cảnh một tình nguyện viên của Oxy Sài Gòn - nhóm cung cấp oxy miễn phí cho người dân. Vừa liên lạc bệnh nhân thì được báo tin người này đã mất, anh chỉ biết thốt lên "Trời". Những dãy trọ công nhân nghèo vắng hơn vì nhiều người đi điều trị nhưng vĩnh viễn không về.
Không xoáy vào đau thương, phim chủ yếu làm bật lên câu chuyện về tình người. Giai đoạn dịch mới bùng phát, một bác sĩ trẻ được gia đình khuyên không nên ra tuyến đầu vì sợ anh gặp nguy hiểm. "Bạn bè con đang chống dịch ngày đêm, con ở nhà lòng không an", anh đáp với cha khi đó. Những ngày chăm sóc bệnh nhân, anh trở thành người đỡ đẻ khi một thai phụ F0 chuyển dạ. Người mẹ trẻ sau đó đặt tên con là Thịnh theo tên của bác sĩ. Một cô giáo nhớ lại những ngày đầu làm tình nguyện, còn vụng về khi mặc bộ đồ bảo hộ y tế. Nhiều tình huống nhỏ nhưng giàu sức khơi gợi, như bác sĩ bỏ tiền túi mua dụng cụ thể thao cho bệnh nhân tập luyện hồi phục thể trạng.
Đạo diễn nỗ lực khắc họa câu chuyện "anh hùng giữa đời thường". Một tình nguyện viên với một cánh tay gần như liệt sau lần tai nạn, vẫn vác bình oxy băng băng trong các hẻm. Khi được hỏi về lý do đi giúp đỡ mọi người dù chưa tiêm vaccine, người thanh niên quê miền Trung nói muốn trả ơn thành phố đã cưu mang mình. Phim cũng hướng đến thông điệp tích cực về tình thân, với câu chuyện cụ bà ngoài 90 tuổi vẫn chiến thắng bệnh tật, trở về bên chồng con, cười móm mém khi được ông viết thơ tặng.
Đạo diễn kể chuyện bằng lối xử lý hình ảnh đa dạng. Những khung hình tĩnh ghi lại cảnh thành phố hoang vắng, không bóng xe cộ. Ở nhiều khu điều trị, bệnh nhân nặng nằm la liệt nhưng im lìm, chỉ có tiếng thở nặng nhọc. Bùi Thạc Chuyên có nhiều cú quay theo chân nhân vật, khắc họa cảnh tình nguyện viên đẫm mồ hôi vác bình oxy trong đồ bảo hộ, hay bác sĩ với túi đồ y tế chạy xe máy len lỏi trong từng ngõ ngách, đến với các hộ dân nghèo. Có lúc, đạo diễn lồng ghép tư liệu từ CCTV, video quay từ điện thoại nhân vật... Các số liệu, biểu đồ được minh họa một cách vừa phải để hệ thống hóa thông tin, cung cấp cái nhìn toàn cảnh.
Khán giả Lucas Luân Nguyễn nói ban đầu, anh sợ tác phẩm vướng vào lối tô hồng câu chuyện. Sau khi xem 5 tập, anh đánh giá đạo diễn vẫn bám sát sự thật, bên cạnh việc phản ánh những tấm gương phi thường của những người bình thường, không chỉ có y bác sĩ. Khán giả này nói: "Tuy nhiên, tôi nghĩ phim không dành cho tất cả, bởi có những vết thương chưa kịp lành. Hãy cân nhắc và chỉ xem nếu bạn sẵn sàng".
Phim tài liệu thường gây tranh cãi về bảo mật thông tin riêng tư của người trong cuộc. Bùi Thạc Chuyên cho biết đó là một trong những mối băn khoăn hàng đầu của anh. Với một số trường hợp, anh chọn cách làm mờ nhân dạng, còn lại đều được các nhân vật hợp tác. Đôi anh em ở Bình Dương gửi cho đạo diễn các hình ảnh sinh thời của người cha để anh biên tập. Một bác sĩ cho biết gần như trầm cảm sau nhiều tháng chống dịch ở TP HCM. Sau khi tâm sự với đạo diễn, nhân vật cảm ơn anh vì được trút bớt một phần gánh nặng.
Khi chọn thông điệp lạc quan, đạo diễn không né tránh những mất mát đằng sau. Anh cho biết: "Tôi chỉ nghĩ nhiều người đã mệt mỏi với thực tại lúc đó. Tôi muốn mang đến một tinh thần tích cực: Nếu bớt sợ hãi, mọi người sẽ hiểu cách đối mặt với những đại dịch sau này". Anh đang tiếp tục dựng phim để cho ra mắt các tập mới.
Đạo diễn - biên kịch Bùi Thạc Chuyên sinh năm 1968 ở Hà Nội. Năm 1995, anh theo học khoa Diễn viên, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, trở thành nghệ sĩ của Nhà hát kịch Việt Nam. Năm 1997, anh học đạo diễn, gây chú ý với tác phẩm Cuốc xe đêm - phim Việt đầu tiên đoạt giải ở hạng mục Phim ngắn Cinefondation tại Liên hoan phim quốc tế Cannes. Năm 2005, phim Sống trong sợ hãi của anh giành nhiều giải trong nước và quốc tế. Đạo diễn sáng lập Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD), Hội Điện ảnh Việt Nam từ năm 2002.
Mai Nhật