* Bài tiết lộ một phần nội dung phim
Tác phẩm của đạo diễn Anthony Võ là một trong những phim Việt hiếm hoi ra rạp dịp cuối năm. Theo đuổi thể loại dã sử (có nhiều chi tiết hư cấu từ lịch sử), phim tái hiện chân dung Đinh Tiên Hoàng, từ thuở còn là thanh niên đến lúc dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt.
Chọn lối kể theo tuyến tính thời gian, tác phẩm mở đầu với bối cảnh năm 944, khi vua Ngô Quyền mất. Một năm sau, Dương Tam Kha chiếm ngôi và xưng là Dương Bình Vương. Con trai Ngô Quyền - Ngô Xương Ngập - chạy về Nam Sách (Hải Dương), tạo nên cuộc tranh chấp ngôi báu giữa nhà Ngô và ngoại tộc. Dương Tam Kha bại trận, Ngô Xương Ngập cùng em là Ngô Xương Văn nắm lại quyền lực. Triều đình nhà Ngô rối ren hơn bao giờ hết, các sứ quân cát cứ hình thành và nổi dậy. Đinh Bộ Lĩnh - lúc này mới 20 tuổi - phải đối phó mâu thuẫn nội bộ gia tộc khi bị người chú Đinh Thúc Dự truy sát, đồng thời tập hợp lực lượng để thống nhất đất nước.
Kịch bản ôm đồm là điểm trừ lớn của tác phẩm. Thay vì khai thác những lát cắt tiêu biểu, đạo diễn nỗ lực thâu tóm 24 năm (944-968) cuộc đời Đinh Bộ Lĩnh vào tác phẩm dài 78 phút. Các cột mốc then chốt trong sự nghiệp chinh phạt của Đinh Bộ Lĩnh đều bị điểm qua sơ lược. Thời lượng hạn chế, phim cũng không khai thác được trọn vẹn tâm lý của Đinh Tiên Hoàng trong những cảnh quan trọng, hay mối quan hệ của ông với các nhân vật mật thiết. Xem phim, khán giả khó lòng đồng cảm với nỗi đau của Đinh Bộ Lĩnh khi phải giao con trai Đinh Liễn đi làm con tin để hòa hoãn, hoặc bi kịch của vua khi hay tin mẹ qua đời lúc vừa thắng trận trở về.
Cách các nhân vật chuyển biến tâm trạng còn sơ sài, thiếu hợp lý. Ở đầu phim, nhân vật Đinh Thúc Dự được xây dựng là một kẻ xảo quyệt, dám truy sát người thân vì mưu đồ riêng. Chỉ sau trận thách đấu với Đinh Bộ Lĩnh và bị thua cuộc, tính cách Đinh Thúc Dự thay đổi đột ngột khi trung thành tuyệt đối, thậm chí chịu đòn thay cho nhà vua. Ở đoạn mẹ con Ngô Nhật Khánh bị thuyết phục, từ đó quy hàng Đinh Bộ Lĩnh, đạo diễn khai thác tâm lý vội vàng, khiến cảnh quay trở nên khiên cưỡng.
Phim kết nối các giai đoạn trong đời Đinh Bộ Lĩnh qua lời thuyết minh và tranh bản đồ. Mỗi lần quân của ông chinh chiến ở đâu, đạo diễn sử dụng đồ họa để diễn giải chiến sự, khiến phim mang đậm phong cách game, thiếu tư duy nghệ thuật cần thiết của một tác phẩm điện ảnh. Do quá đông tuyến diễn viên, đa số vai chỉ xuất hiện lướt qua, không để lại ấn tượng đậm nét. Nhiều nhân vật không được chăm chút bằng câu chuyện riêng, chỉ góp mặt trong vài phút với dòng chữ mô tả danh tính, sau đó biến mất.
Tạo hình, phục trang sơ sài khiến tác phẩm thiếu sức hút, kém thẩm mỹ. Dàn vai quần chúng không được đầu tư đúng mức so với quy mô của các trận đánh. Trừ trận cuối - Đinh Bộ Lĩnh đấu với quân Đỗ Cảnh Thạc, ở nhiều pha giao chiến, phim chỉ có vài nhóm lính lưa thưa với cách ra đòn yếu ớt, không thể hiện được sức mạnh của 12 sứ quân.
Tác phẩm cũng mắc nhiều lỗi cơ bản về khâu hóa trang, bối cảnh. Biên kịch Quốc Bảo - từng viết nhiều vở kịch Idecaf - chỉ ra ở phân cảnh quan trọng nhất phim là Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, đặt tên nước Đại Cồ Việt, các cung nữ đứng cạnh vua vấn tóc theo phong cách hiện đại.
Nhiều khán giả phát hiện trong cảnh đám thích khách ám sát Đinh Bộ Lĩnh, một diễn viên quần chúng nhuộm tóc vàng. Một số phân cảnh cho thấy công đoạn hậu kỳ qua loa khi để lọt hình ảnh cột điện, gian nhà cấp bốn hiện đại... Ở nhiều cảnh quay cận, gương mặt nhân vật Đinh Tiên Hoàng vẫn dính lớp keo dán râu giả. Khi mô phỏng hình ảnh rồng hộ mệnh bay quanh thân Đinh Bộ Lĩnh, phim để lộ kỹ xảo kém chân thật, đậm chất vi tính.
Quốc Bảo nói: "Nếu chỉ là video phát trên mạng, người xem có thể chấp nhận một số sai sót. Đây là phim điện ảnh, bán vé lấy tiền khán giả, cần có sự chuyên nghiệp".
Xem suất chiếu đầu của Huyền sử vua Đinh, anh Phúc Trần - chuyên gia truyền thông mảng phim rạp ở TP HCM - thất vọng vì tác phẩm có nhiều cảnh quay kém đầu tư, thiếu nghiên cứu về phục trang. "Xem phim, tôi cảm giác các diễn viên không hiểu nhân vật của họ. Tôi không thấy được chất hào hùng như các phim cổ trang chiếu cả chục năm trước. Phim Việt từng có Thiên mệnh anh hùng (Victor Vũ), Long thành cầm giả ca (Đào Bá Sơn), Khát vọng Thăng Long (Lưu Trọng Ninh) với những trận đánh rất đã mắt...", anh Phúc nói.
Sau một tuần ra rạp, phim thu về hơn 40 triệu đồng, theo Box Office Việt Nam - đơn vị quan sát phòng vé. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết được êkíp mời tham gia ở công đoạn hậu kiểm thông tin lịch sử trong phim. Không bình luận về chất lượng tác phẩm, ông mong khán giả xem với góc độ khuyến khích do phim quay trong giai đoạn Covid-19, thể loại khó thực hiện, đơn vị sản xuất còn non trẻ.
Đạo diễn Anthony Võ nói buồn vì doanh thu kém. Đam mê lịch sử, anh quyết tâm theo đuổi thể loại này dù biết phim kén khán giả. Dù thất bại, đại diện êkíp cho biết rút được nhiều kinh nghiệm khi lần đầu làm thể loại dã sử và sẽ nỗ lực khắc phục ở dự án sau.
Mai Nhật