* Bài tiết lộ một phần nội dung phim
Phim lấy chủ đề tình cảm - gia đình, bối cảnh ở ấp đảo Thiềng Liềng (TP HCM). Sau biến cố vợ đột ngột qua đời, ông Hai (Quyền Linh) một mình nuôi con khôn lớn bằng nghề làm muối. 18 năm sau, Muối (Huỳnh Bảo Ngọc) đậu đại học, ông gom từng đồng bạc lẻ cho con, kỳ vọng cô có tương lai xán lạn.
Đạo diễn Vũ Thành Vinh chọn lối kể chuyện song hành để khắc họa mối quan hệ cha con. Ở quê, người cha lao đao khi muối rớt giá, kho chứa bị phóng hỏa, phải đi giao cá thuê. Trên thành phố, Muối rơi vào vòng xoáy cám dỗ sau khi chiến thắng cuộc thi hoa khôi du lịch, lọt vào tầm ngắm của một đại gia (Minh Luân). Mâu thuẫn liên tiếp xảy ra, ông Hai cho rằng con gái đang trượt dài trong sai lầm, còn cô giữ quan điểm muốn thoát nghèo vì "làm muối như ba thì khi nào mới khá".
Với kịch bản đơn giản, môtíp cũ, sức hút của phim chủ yếu đến từ dàn diễn viên giàu kinh nghiệm. Lối diễn của Quyền Linh ít biến hóa nhưng vẫn có nhiều khoảnh khắc đào sâu nội tâm. Ông Hai thể hiện tấm lòng của một người "gà trống nuôi con" gần 20 năm, từ việc mong Muối chuyên tâm học hành để đổi đời đến biểu cảm xót xa khi nghe tin cô giấu cha đi làm thêm. Khi giông tố ập đến, cuốn trôi ruộng muối sắp thu hoạch, đạo diễn chọn thủ pháp quay đối lập hình dáng ông Hai nhỏ bé, ngồi cô độc dưới trời mưa tầm tã.
Xem suất chiếu hôm 29/8, đạo diễn Phương Điền nhận xét Quyền Linh tiết chế được nét cường điệu của một người chuyên đóng phim truyền hình, phân bố liều lượng diễn xuất hợp lý để đẩy cảm xúc ở đoạn cao trào.
Tạo hình của Quyền Linh gợi nét gần gũi, chân chất của một người cả đời "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Diễn viên đầu tư ngoại hình bằng cách nuôi râu suốt nhiều tháng, giảm gần 30 kg, phơi nắng cho da đen sạm, nhờ đó khắc phục được các lỗi hóa trang.
Đóng thứ chính, Hồng Vân - vai bà Tư Lạt, hàng xóm phải lòng ông Hai - góp nhiều tiếng cười, giảm màu sắc bi kịch cho tác phẩm. Bà còn giúp ông Hai xoa dịu nỗi lòng khi ông nghĩ bản thân là người thất bại, trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhau. Sự quan tâm bà Tư dành cho nhân vật chính lúc thầm lặng, khi công khai, tạo nét duyên về một mối tình già miền quê nghèo.
Bối cảnh ấp đảo hiện lên qua nhiều khung hình giàu tính thẩm mỹ. Cảnh người dân thu hoạch trên ruộng muối trắng xóa, những vỏ lãi chạy dưới ánh bình minh, được khắc họa bằng góc máy fly-cam. Đạo diễn cho biết tập trung vào phần hình ảnh vì muốn cuộc sống diêm dân được truyền tải, góp phần quảng bá du lịch cộng đồng tại đây. Do đặc trưng nghề muối ở Thiềng Liềng diễn ra vào mùa khô, từ tháng 10 âm lịch đến tháng 4 năm sau, êkíp chạy đua với thời gian, vận chuyển nhiều tấn thiết bị về đảo để đảm bảo cảnh đồng muối được quay vào thời điểm đẹp nhất trong năm.
Nửa sau của phim bộc lộ nhiều hạn chế, một số chi tiết thiếu logic. Tác phẩm dần tập trung vào nhân vật Muối hơn với loạt đấu đá xoay quanh giới showbiz. Câu chuyện trở nên rời rạc khi biên kịch nhồi nhét những phân đoạn đối đáp giữa các người đẹp trong hậu trường giải trí - mảng miếng cũ, thường thấy nhiều ở các phim truyền hình. Do đó, yếu tố kịch tính của phim không hiệu quả, kém sáng tạo. Phản diện chính xuất hiện gượng ép, chủ yếu để phim đẩy mâu thuẫn của cha con ông Hai nhưng về cuối, tình tiết về nhân vật này chưa được giải quyết triệt để.
Lời thoại là điểm yếu khác của phim. Một số vai đối đáp thiếu tự nhiên, cách trò chuyện còn mang tính sách vở, chưa gần gũi với đời sống. Phim lạm dụng dẫn dắt câu chuyện bằng voice-over (để một nhân vật thuyết minh), thay vì dùng thủ pháp "show, don't tell" (miêu tả, không kể lể).
Kết dễ đoán, nhuốm màu bi kịch khiến phim đuối ở phần cuối, rơi vào lối mòn của nhiều tác phẩm cùng thể loại. Đạo diễn cho biết chọn kết buồn vì muốn tạo day dứt cho người xem, đồng thời thể hiện sự bí bách, khốc liệt của cuộc sống. Anh thừa nhận có những điểm trong phim cần cải thiện sau khi được nhiều khán giả góp ý. "Đó là động lực để tôi sản xuất phim sau tốt hơn", Vũ Thành Vinh nói.
Mai Nhật