* Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Phim gây chú ý khi ra rạp từ ngày 6/12, sau ba năm được ấp ủ. Dù chọn tên Công tử Bạc Liêu, đạo diễn Lý Minh Thắng chỉ mượn cảm hứng từ một số giai thoại về ông Trần Trinh Huy (1900-1974), từng nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20 bởi lối ăn chơi phóng khoáng. Phim do đó không theo sát cuộc đời của nguyên mẫu, mà được sáng tác câu chuyện độc lập với hệ thống nhân vật riêng.
Kịch bản mở màn bằng tình tiết Ba Hơn - con trai Hội đồng Lịnh - trở về nhà sau thời gian du học ở Pháp. Anh tiếp thu nhiều kiến thức, được cấp loạt chứng nhận như kỹ năng lái máy bay, đấm bốc. Tư tưởng "Tây học" của anh xung đột với quan điểm truyền thống của cha. Ông Hội đồng xem các bằng khen chỉ là đống giấy lộn, chiêu trò đánh bóng tên tuổi. Ông kỳ vọng Ba Hơn tu chí làm ăn, thay cha phát triển ngân hàng đầu tiên của đất An Nam do ông gây dựng.
Tuy nhiên, anh chỉ xem ngân hàng là công cụ kiếm tiền mua chiếc máy bay anh ao ước. Hội đồng Lịnh bất lực khi thấy con đổ tiền vào các thú vui xa xỉ. Cao trào mâu thuẫn là khi Ba Hơn gặp một sự cố, đẩy sản nghiệp của gia tộc đến bờ vực đóng cửa.
Tác phẩm phát huy điểm mạnh ở phần hình ảnh, được đầu tư lớn trong khâu bối cảnh. Đầu phim, đạo diễn tái hiện không khí xa hoa của giới quý tộc xưa. Biệt phủ của gia đình Ba Hơn mang dáng dấp cổ kính, nội thất đắt đỏ, được quay tại Nhà Công tử Bạc Liêu (TP Bạc Liêu). Độ giàu có, quyền quý được tăng cấp khi nhân vật chính lên Sài Gòn tiếp quản ngân hàng. Êkíp dựng lên dãy công trình như nhà băng, sân khấu tuồng cổ, võ đài, sử dụng nhiều cú máy one-shot (không cắt cảnh) để khắc họa lối chơi ngông của Ba Hơn.
Chi tiết nhân vật chính khát khao sở hữu máy bay được nhấn mạnh, trở thành mục tiêu chinh phục danh vọng. Theo nhà sản xuất, họ dựng mô hình phi cơ theo tỉ lệ 1:1, tham khảo từ tài liệu của Pháp. Đội ngũ nghệ nhân gia công suốt bốn tháng với kinh phí khoảng 500 triệu đồng.
Thời trang là một trong những nỗ lực của êkíp khi tái hiện bức tranh đời sống giữa bối cảnh giao thoa Việt - Pháp. Đạo diễn sử dụng 300 bộ trang phục, trong đó có khoảng 50 bộ áo dài, 100 bộ suit theo phong cách cổ điển. Hai "Hắc - Bạch công tử" thường diện các bộ vest đơn sắc, trong khi các người đẹp như tiểu thư gia tộc họ Trần (Kaity Nguyễn), nghệ sĩ cải lương Bảy Loan (Đoàn Thiên Ân) mặc mốt áo dài Lemur.
Khâu diễn xuất dừng ở mức tròn trịa, chủ yếu tập trung vào cha con ông Hội đồng Lịnh. Sau vai nam chính trong Nhà bà Nữ (năm 2022, Trấn Thành đạo diễn), Ba Hơn là màu sắc mới của Song Luân. Bề ngoài phong lưu, nhân vật mang nỗi khổ tâm của một người con đang tuổi trưởng thành. Anh muốn chứng minh năng lực, nhưng những gì anh làm đều bị cha đánh giá thấp. Ngoài đầu tư ở phần tạo hình, diễn viên 33 tuổi ghi dấu trong một số đoạn diễn cùng Thành Lộc, như phân cảnh cãi nhau với cha bên bàn ăn.
Với Thành Lộc, nhân vật Hội đồng Lịnh không khó bởi anh từng đóng dạng vai tương tự trong một số kịch. Lối diễn của nghệ sĩ vừa gợi tiếng cười, vừa đẩy được tình huống khi khắc họa mâu thuẫn cha con. Chỉ trích Ba Hơn, ông vẫn âm thầm theo dõi, thể hiện qua nhiều câu thoại đắt, như: "Thà cha đánh roi vào mông con còn hơn con bị đời đánh vào mặt". Nhân vật gây xúc động khi thú nhận nỗi sợ mất con lớn hơn mọi thứ trên đời. Các vai phụ của Kaity Nguyễn, Hữu Châu chủ yếu đóng vai trò vệ tinh, giúp dẫn dắt câu chuyện hoặc tăng thêm kịch tính.
Sau phần đầu hứa hẹn, kịch bản dần rời rạc. Đạo diễn khai thác chi tiết "đốt tiền nấu chè" - từng nổi tiếng qua giai thoại của "công tử Bạc Liêu" và cố nghệ sĩ Phùng Há - để lồng ghép vào chuyện tình Ba Hơn. Dù vậy, câu chuyện giữa anh và người tình Bảy Loan (Hoa hậu Đoàn Thiên Ân) còn hời hợt, chỉ được thể hiện qua vài phân cảnh đối đáp. Vai điện ảnh đầu tay của Miss Grand Vietnam 2022 vì thế trở nên nhạt nhòa, không đóng góp nhiều vào tổng thể kịch bản. Một số bóng hồng khác cũng chỉ lướt qua, do phim dành thời lượng nhấn vào xung đột của cha con Ba Hơn.
Nửa sau phim, biên kịch loay hoay trong việc phát triển tính cách nhân vật. Ba Hơn muốn chứng tỏ bản thân có tư tưởng tiến bộ, biết nắm bắt thời cơ, nhưng những gì anh làm được chủ yếu vì may mắn, hoặc có cha hỗ trợ. Mâu thuẫn cha con Hội đồng Lịnh chưa đủ lớn để làm bước ngoặt trong phim. Cách đạo diễn giải quyết khúc mắc của hai nhân vật còn qua loa, chủ yếu để truyền tải thông điệp về tình cha con.
Nhìn chung, điểm yếu lớn nhất của kịch bản nằm ở việc phim thiếu tình tiết cao trào. Biến cố lớn nhất Ba Hơn gặp phải - ngân hàng bị đóng cửa - chưa thể hiện rõ sẽ tác động đến cuộc đời các nhân vật ra sao. Xem suất chiếu tối 7/12, khán giả Duy Vũ nhận xét tác phẩm thiếu kịch tính. "Từ đầu, gia đình ông Hội đồng Lịnh được giới thiệu giàu có bậc nhất, của cải không đếm xuể. Do vậy, khi Ba Hơn thất bại, anh dễ dàng được cha cứu, nhân vật gần như không gặp bất trắc gì", khán giả Duy Vũ cho biết.
Đạo diễn Lý Minh Thắng cho biết ghi nhận các thiếu sót của tác phẩm. Về việc con đường trưởng thành của Ba Hơn còn dễ dãi, anh cho biết biên kịch có dụng ý nhấn vào tình phụ tử. Trong phim, nhiều lần Hội đồng Lịnh âm thầm can thiệp chuyện làm ăn của con, cho thấy mỗi bước đi của anh luôn có cha kề bên. Suốt quá trình ấy, ông cũng nhận ra những đức tính tốt khác của Ba Hơn, từ đó mới sẵn lòng giao sản nghiệp cho anh.
Mai Nhật