* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Ruby Rossi (Emilia Jones) sinh ra trong gia đình đặc biệt, cha mẹ và anh trai đều khiếm thính. Là người duy nhất nghe được, cô trở thành "thông dịch viên", dùng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với cả nhà. Gia đình Rossi sống bằng nghề đánh bắt hải sản tại thành phố Gloucester, tiểu bang Massachusetts. Mỗi sáng trước khi đến lớp, Ruby cùng cha và anh trai ra khơi, rồi cô đại diện trả giá với thương lái địa phương. Ở trường, vì thích một bạn trai nên Ruby đăng ký vào đội hợp xướng. Thấy cô có năng khiếu, thầy dạy hát khuyến khích học trò theo đuổi nghệ thuật tại trường Berklee. Điều đó đồng nghĩa Ruby phải xa gia đình khi đang là người duy nhất kết nối họ với thế giới.
Cùng chủ đề Sound Of Metal (2020) nhưng phim không nặng về bi kịch. Kịch bản do nữ đạo diễn Sian Heder chấp bút, làm lại từ bản Pháp La Famille Bélier (2014), lồng ghép nhiều tình huống và lời thoại gây cười để dẫn dắt câu chuyện. Trong thời lượng 111 phút, đạo diễn pha trộn nhiều thể loại từ tuổi mới lớn (coming-of-age) đến melodrama về gia đình, một chút âm nhạc của High School Musical và tình yêu học đường của The Kissing Booth. Dựa trên những yếu tố quen thuộc trong điện ảnh Mỹ, Sian Heder nhào nặn thành tác phẩm mang dấu ấn riêng, gây bất ngờ từ đầu đến cuối.
Tên phim CODA viết tắt của "child of deaf adults", chỉ đứa trẻ bình thường được nuôi dạy bởi ít nhất một người khiếm thính, trong phim là Ruby. Cuộc sống nhà Rossie phần lớn được kể lại qua góc nhìn của cô bé 17 tuổi. Ruby ở trường và ở nhà là hai hình ảnh khác biệt. Cô ít bạn bè vì mặc cảm hoàn cảnh, chẳng có ai để tâm sự. Bạn cùng trường không thông cảm mà còn lấy cha mẹ Ruby làm trò đùa. Trái lại, khi bên cạnh người thân, Ruby được là chính mình, thoải mái bộc lộ cái tôi. Cô trở thành trụ cột chính của gia đình, đứng ra bảo vệ họ trước người khác.
Ngoài Ruby, các thành viên khác trong gia đình Rossie đều có không gian để tỏa sáng. Dù khiếm thính, họ luôn mỉm cười với cuộc sống, toát ra năng lượng tích cực. Cha Frank (Troy Kotsur) và mẹ Jackie (Marlee Matlin) thuộc mẫu phụ huynh hiện đại. Cả hai không ngăn cấm mà còn ủng hộ con gái quen bạn trai, theo đuổi ca hát. Anh trai Leo (Daniel Durant) bề ngoài lạnh lùng nhưng rất thương em, không muốn Rossie hy sinh tuổi trẻ vì mọi người.
Lấy bối cảnh phương Tây nhưng không khí gia đình trong phim gần gũi, gợi nhớ các tác phẩm của đạo diễn Nhật Hirokazu Koreeda hay phim về Hàn kiều Minari năm ngoái. Không thể dùng lời nói để trò chuyện, các thành viên trong nhà Rossi kết nối với nhau bằng xúc cảm con tim. Mâu thuẫn được xây dựng và giải quyết nhẹ nhàng, để lại nhiều ý nghĩa. Mỗi cuộc hội thoại của Ruby với cha mẹ, anh trai là một bài học không có trường lớp nào dạy, giúp cô hiểu hơn về bản thân lẫn gia đình.
Phim cài cắm nhiều tình tiết gây xúc động. Âm nhạc kết nối Ruby với bạn bè nhưng là thứ cô không thể sẻ chia cùng gia đình. Trong một cảnh quay, đạo diễn tắt hết âm thanh để khán giả được sống trong cảm giác của người khiếm thính. Cả nhà Rossi ngồi lắng nghe con gái hát nhưng đổi lại chỉ là sự tĩnh lặng. Cảnh cuối phim gợi nhớ Roma (2018) của Alfonso Cuarón khi Ruby chạy đến ôm gia đình. Bốn người tựa đầu vào nhau, không còn là cá thể tách biệt mà như hòa làm một, cho thấy yêu thương là cảm xúc không cần thể hiện bằng lời.
Đạo diễn Sian Heder cho biết dự án bắt đầu từ năm 2015 khi cô thực hiện xong phim đầu tay Tallulah. Trên Decider, Sian đánh giá bản gốc của Pháp tập trung nhiều vào Ruby, còn cô muốn phát triển các thành viên còn lại, tạo thành câu chuyện gia đình trọn vẹn. Để xây dựng kịch bản, cô dành nhiều năm học ngôn ngữ ký hiệu, tiếp xúc với cộng đồng điếc, làm việc với diễn viên điếc. Theo cô, khó khăn lớn nhất là tìm người đóng Ruby vì vai diễn đòi hỏi nhiều kỹ năng.
Đảm nhận vai chính Ruby là nữ diễn viên Anh Emilia Jones, sinh năm 2002, có kinh nghiệm diễn xuất từ năm tám tuổi. Emilia không phải gồng mình khi hóa thân thành một cô bé mới lớn, nhưng mất chín tháng để học ngôn ngữ ký hiệu. Emilia kết hợp những cử chỉ bằng tay và nét diễn tự nhiên trên khuôn mặt để lột tả một Ruby có nhiều tâm sự. Tác giả Glenn Whipp của Los Angeles Times đánh giá cô diễn xuất "chân thực", "nắm bắt được sự nhạy cảm và bốc đồng của nhân vật". Nhà phê bình Jon Frosch của The Hollywood Reporter khen cô "tinh tế", có "giọng hát trầm ấm, du dương và tự nhiên".
Cả ba diễn viên còn lại trong gia đình Rossi đều là người khiếm thính. Trong đó, Marlee Matlin là nữ diễn viên từng thắng giải Oscar hạng mục "Nữ chính xuất sắc" với Children of a Lesser God (1986). Ngay khi tham gia dự án, Marlee tuyên bố sẽ hủy hợp đồng nếu nhà sản xuất mời diễn viên bình thường đóng vai khiếm thính. Qua sự phối hợp của dàn diễn viên, thế giới người điếc được tái hiện đúng thực tế, không tô vẽ, tạo nét riêng cho phim.
Phản ứng của giới phê bình và khán giả đều tích cực, với 7.9/10 điểm trên Rotten Tomatoes, 75/100 điểm trên Metacritic và 8.2/10 điểm trên IMDb. Tờ New York Times nhận xét cốt truyện dễ đoán, nhưng "diễn viên phối hợp nhịp nhàng", cho khán giả "một cái nhìn rộng mở về văn hóa điếc". Cây viết Owen Gleiberman của Variety đánh giá phim "nhẹ nhàng, sống động, hài hước", khiến người xem không thể rời mắt. Tờ Washington Post chấm phim 4/4 sao, cho rằng phim mang lại nhiều cảm xúc cho người xem, "bạn sẽ cười, bạn sẽ khóc".
Trước khi được phát hành rộng rãi, CODA có màn ra mắt ấn tượng tại Liên hoan phim độc lập Sundance tháng 1 năm nay, thắng bốn giải bao gồm "Đạo diễn xuất sắc" và "Giải thưởng lớn của Ban giám khảo" cho hạng mục Chính kịch Mỹ. Phim còn lập kỷ lục khi được Apple TV+ mua lại với giá 25 triệu USD, mức giá cao nhất cho phim Sundance tính đến hiện tại.
Sơn Phước