* Bài tiết lộ một phần nội dung phim
Tác phẩm do đạo diễn Trần Hữu Tấn (phim Tết ở làng địa ngục, Kẻ ăn hồn) thực hiện, lấy cảm hứng từ truyện cổ nổi tiếng. Không bám theo nguyên tác, biên kịch đổi mới phần lớn câu chuyện. Nhiều tuyến nhân vật được thêm thắt, trong đó Cám (Lâm Thanh Mỹ đóng) là vai trung tâm.
Lấy bối cảnh đầu thế kỷ 19, vào cuối thời nhà Lê - đầu nhà Nguyễn, phim xoay quanh câu chuyện hai chị em cùng cha khác mẹ Cám và Tấm (Rima Thanh Vy đóng). Từ bé, Cám sinh ra với ngoại hình dị dạng, bị xem là nỗi ô nhục của dòng họ.
Khi nhân vật đến tuổi trưởng thành, một bí mật gia tộc được tiết lộ. Hàng năm, lý trưởng Hai Hoàng (Quốc Cường) - cha của Tấm, Cám - phải cống nạp một người cho thế lực quỷ dị để đổi lấy sự phồn vinh cho gia đình. Cám trở thành vật tế thần, bị ác quỷ chế ngự. Ngôi làng vốn bình yên bỗng xáo trộn vì loạt cái chết bí ẩn.
Phát huy thế mạnh khâu hình ảnh từ các phim trước, Trần Hữu Tấn cùng êkíp đầu tư bối cảnh, hóa trang. Cám là một trong những nhân vật được chăm chút nhất về phần tạo hình gương mặt. Trong kịch bản, Cám có khối u bẩm sinh, một bên mặt bị lệch, da sần sùi. Theo nhà sản xuất, Lâm Thanh Mỹ phải đeo lớp mặt nạ được đúc dựa trên khuôn mặt của cô. Mỗi ngày, diễn viên mất gần hai giờ để bộ phận hóa trang tô vẽ thêm trước khi quay. Êkíp chi gần một tỷ đồng chế tạo 19 mặt nạ cho Cám, vì những cái cũ không thể tái sử dụng.
Ở tuyến ác quỷ, ngoại hình Bạch Lão (Hạnh Thúy đóng) nổi bật với làn da đỏ thẫm như máu, có bốn tay, ba mắt. Dù xuất hiện không nhiều, nhân vật khơi gợi sự sợ hãi nhờ một số góc quay cận, như phân đoạn Bạch Lão sống dậy giữa rừng sau màn hiến tế. Phim không có nhiều cú jumpscare (hù dọa bằng việc thay đổi hình ảnh, âm thanh đột ngột). Bù lại, đạo diễn xây dựng không khí rùng rợn với các cảnh thiên về nỗi sợ thể xác (body horror), như phân đoạn ác quỷ lột da mặt nạn nhân để thay hình đổi dạng.
Ngoài tạo hình, Lâm Thanh Mỹ là điểm nhấn với lối diễn đào sâu bi kịch của Cám. Từ bé, cô chịu cảnh bị cả nhà hắt hủi, người duy nhất bao bọc là Tấm. Lớn lên, sự quan tâm của Bờm (Trần Doãn Hoàng) - người hầu - khiến cô rung động. Lâm Thanh Mỹ khắc họa chuyển biến tâm lý của Cám, từ hạnh phúc khi hẹn hò Bờm bên bờ ao, đến oán hận vì mối tình đầu bị tước đoạt. Ở hồi ba, biểu cảm nhân vật chứa sự ma mị, như cảnh múa dưới trăng, nụ cười nham hiểm lúc trả thù những kẻ từng khinh ghét mình.
Những khâu được đầu tư của tác phẩm khó cứu loạt điểm yếu trong kịch bản. Với thời lượng hơn hai giờ, phim tạo cảm giác dài dòng khi hệ thống nhân vật đa dạng song thiếu chặt chẽ. Nhiều tình tiết kém hợp lý, chẳng hạn Bờm dựng lên màn kịch yêu đương với Cám, thuyết phục cô tình nguyện thay anh làm vật hiến tế cho quỷ dữ. Tuy nhiên, ở đầu phim, các nạn nhân đều bị cưỡng ép để đưa đi cống nạp, do đó hành động "tự nguyện" của Cám là không cần thiết.
Ở nhiều đoạn, đạo diễn chọn cách kể lể, thuyết minh thay vì để hình ảnh tự lên tiếng. Nguồn gốc của Bạch Lão - phản diện chính - được diễn giải ngay ở cảnh mở màn, khiến nhân vật không còn gây tò mò. 15 phút cuối phim, khi ác quỷ cướp đoạt thân xác một nhân vật, cách giải quyết vấn đề gây hụt hẫng với nhiều khán giả.
Đi xem suất công chiếu hôm 17/8, khán giả Đình Dy cho rằng kết phim bị khiên cưỡng, dễ dãi. "Việc phải sử dụng animation (hoạt hình) để thể hiện hồi kết cho thấy phim đuối về ý tưởng. Ngoài ra, đạo diễn cũng không giải thích được vì sao nhân vật thái tử (Hải Nam đóng) có mặt dây chuyền hình con gà - vật bảo khắc chế quỷ dữ của gia đình Tấm", khán giả nói.
Phim còn mắc nhiều điểm trừ về kỹ xảo, âm thanh. Ở phân đoạn dân làng đón lễ hội Thiên Đăng, cảnh các ngọn đèn bay lên trời lộ rõ VFX (hiệu ứng hình ảnh) kém chân thực. Một số cảnh nhân vật thoại không khớp khẩu hình, hoặc giọng nói tròn trịa quá mức, trong đó có vai Tấm. Đạo diễn Trần Hữu Tấn thừa nhận sử dụng hình thức lồng tiếng cho Rima Thanh Vy, với mong muốn nhân vật có giọng dịu dàng, mang "chất Tấm" như truyện cổ.
Mai Nhật