- Cảm giác của anh thế nào khi nhận lời làm đạo diễn “Sống cùng lịch sử”, một kịch bản phim được Nhà nước đặt hàng nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ?
- Đây là một kịch bản tương đối đặc biệt và mới mẻ. Sống cùng lịch sử không mô tả sự kiện, cũng không đơn thuần là câu chuyện bạn trẻ dẫn dắt sự kiện mà là hành trình thay đổi thái độ của họ với lịch sử sau những trải nghiệm thực tế.
Khác với các phim cùng đề tài trước đó, bộ phim không có dẫn dắt. Diễn biến, sự kiện Điện Biên Phủ chỉ là những lát cắt lịch sử mà phim nhắc tới một cách trực diện. Đây là một kịch bản rất khó nhưng tôi nghĩ vai trò của người đạo diễn là tìm ra chiếc chìa khóa của mỗi kịch bản, thậm chí cùng một kịch bản mỗi đạo diễn lại có tiếp cận khác nhau.
- Trước đó đã có nhiều phim làm về Điện Biên Phủ, bộ phim này có những yếu tố nào liên quan tới sự kiện lịch sử ấy?
- Mỗi năm thế giới có biết bao nhiêu phim Thế chiến II mà người ta vẫn làm vì mỗi phim lại có một điểm nhìn, câu chuyện khác trong tổng thể cuộc chiến. Tôi tin đến lúc nào đó các bạn trẻ cũng sẽ làm về Điện Biên Phủ với cách đặt vấn đề hoàn toàn khác. Với sự kiện “lừng lẫy 5 châu chấn động địa cầu” thì 3 phim vẫn còn là quá ít. Trong tương lai, không cần đúng đợt kỷ niệm, nếu có kịch bản hay, cách nhìn xuất sắc thì vẫn nên làm.
- Ngoài tái hiện những lát cắt về Điện Biên Phủ của 60 năm trước, trong phim còn có chi tiết các bạn trẻ từ Điện Biên trở về Hà Nội hòa vào dòng người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh hãy chia sẻ thêm về nội dung ngoài kịch bản này?
- Trong thời gian đoàn đang quay ở Văn Chấn (Yên Bái), chúng tôi nghe tin dữ Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Mọi người đều có chung cảm giác cần phải quay cảnh đám tang của Đại tướng dù lúc ấy chưa hình dung sẽ sử dụng vào phim như thế nào, vì đây không phải là phim tài liệu mà là phim truyện đã được xây dựng nội dung, cốt truyện hoàn chỉnh.
Tôi còn nhớ chị Ngô Phương Lan, Cục trưởng Điện ảnh gọi điện cho tôi kể lại hình ảnh xúc động trong những ngày quốc tang và hỏi tôi xem có sử dụng được vào phim hay không. Anh Hoàng Nhuận Cầm, biên tập của phim cũng có cảm giác phải làm cái gì đó. Tôi cũng vậy, trước sự kiện, khung cảnh, thời điểm cảm động ngoài sự tưởng tượng ban đầu, chúng tôi đã quyết định quay về Hà Nội. Dù lúc quay về trong đầu hoàn toàn trống rỗng, chưa hình dung quay cái gì, dựng như thế nào, nhưng rồi dựa trên trực giác của mình, chúng tôi đã thật nhanh đưa ra quyết định.
- Số tiền đầu tư cho phim là 21 tỷ đồng. Khoản tiền này như thế nào so với chi phí sản xuất phim?
- Truyền thông gần đây có nhắc đến con số 21 tỷ đồng dành cho bộ phim này, nhưng hãy tin rằng chúng tôi chỉ làm với 13 đến 14 tỷ đồng, còn 30% của tổng số tiền đầu tư mặc định là để nuôi toàn bộ máy vận hành. Thế nên so với phim tư nhân hiện nay, con số này không lớn hơn là bao. Như ở TP HCM, nhiều phim đề tài đương đại được làm trên dưới 10 tỷ là bình thường thì với phim lịch sử như thế này, đầu tư như vậy cũng không thể gọi là “khủng”.
Chưa kể là trong điều kiện sản xuất phim ở Việt Nam hiện nay, phim lịch sử không được tiếp nối có hệ thống. Nếu như ở Trung Quốc có cả phim trường dùng cho nhiều phim, nhiều thế hệ cùng sử dụng thì ở nước ta, mỗi phim lại xuất phát bằng con số 0 tròn trĩnh. Bởi vậy, việc đầu tư cho mỗi bộ phim lịch sử vô cùng khó.
- Rất nhiều phim được Nhà nước đặt hàng với số tiền lớn nhưng lại chịu số phận chung là xếp kho. Anh nghĩ sao về điều này?
- Thực ra kết cục của một bộ phim lịch sử hay phim Nhà nước tôi vẫn thừa nhận có thể do lỗi người làm phim chưa tạo nên tính hấp dẫn hay đủ sức cuốn hút người xem. Nhưng ngược lại cũng phải đặt phim trong trong bối cảnh tổng thể các liên quan về xã hội, kinh tế, văn hóa…
Nói cụ thể hơn, dòng phim này đặc biệt khó ở cách tiếp cận với các bạn trẻ ngày nay bởi nhiều lý do, trong đó lý do căn bản là tầng văn hóa chung. Chưa kể việc giáo dục những vấn đề về văn hóa lịch sử với thế hệ trẻ thực sự đang khó khăn. Chính vì thế nó tác động ngược lại khiến cho sự quan tâm của các bạn với lịch sử cũng như phim lịch sử hạn chế nhiều.
- “Sống cùng lịch sử” là phim đầu tiên về Điện Biên Phủ qua góc nhìn, trải nghiệm của giới trẻ. Anh cùng đoàn làm phim đánh giá thế nào về khả năng kéo được khán giả trẻ đến rạp?
- Đương nhiên khi làm phim, tất cả chúng tôi đều có mong muốn đó, nhưng số phận của nó như thế nào như tôi nói ở trên là phải nằm trong tổng thể. Lấy ví dụ có nên PR cho nó không, số tiền dành cho PR là bao nhiêu. Khó khăn còn ở chỗ một bộ phim lịch sử phải được nuôi bằng cả hệ thống phim lịch sử, nghĩa là phải có nhiều phim, có phim tốt, có phim không hay, nhưng ít nhất như thế sẽ tạo nên hệ thống, tạo quán tính để khán giả quan tâm đến phim lịch sử.
Sống cùng lịch sử là bộ phim kể về ba bạn trẻ Lâm - Nga - Tùng trong chuyến phượt về Điện Biên, họ tình cờ được sống lại những giây phút hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Được chứng kiến và hòa mình vào sức trẻ yêu nước của thế hệ đi trước trong những tình huống ác liệt, dữ dội tưởng chừng không thể vượt qua, ba bạn trẻ đã rút ra được những bài học sâu sắc cho riêng mình. Cùng với bộ phim tài liệu Điện Biên quê tôi, Sống cùng lịch sử được chọn mở màn đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 19/5 và 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Lễ khai mạc đợt phim được tổ chức vào tối 25/4 tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia Hà Nội. |
Hằng Trần