Găng tay đỏ là một trong những dự án được trông chờ sau mùa phim hè 2016. Phim có kinh phí gần 15 tỷ đồng, gồm dàn diễn viên như: Ninh Dương Lan Ngọc, Quang Sự, Hoàng Sơn, Hiếu Nguyễn, Linh Chi...
Nội dung phim xoay quanh một nữ sát thủ mang bí danh No.7 (Lan Ngọc đóng), được đào tạo từ bé trong tổ chức quốc tế và luôn đeo một đôi găng tay đỏ. Cô được chỉ định ám sát một ông trùm ma túy trong lốt doanh nhân tên Huỳnh Đại (Hoàng Sơn đóng). Nhiệm vụ thất bại, cô bị ông chủ của mình lẫn đàn em của Huỳnh Đại truy lùng. Tình cờ, cô gặp Hồng Việt (Quang Sự đóng) và được anh hỗ trợ trong những lần chạm trán kẻ địch.
15 phút đầu tiên, chân dung nữ sát thủ với kỹ năng ám sát, ngón nghề giao đấu được giới thiệu khá tròn trịa. Tính cách nhân vật bước đầu được khắc họa thành công: No.7 lạnh lùng và quyết đoán, lão trùm Huỳnh Đại thâm trầm, chàng trai Hồng Việt đa sự và rắc rối. Tuy nhiên, khi cao trào đẩy lên, phim bắt đầu bộc lộ nhiều điểm chưa thật sự thuyết phục.
Hạn chế đầu tiên của Găng tay đỏ là những cảnh hành động chưa mãn nhãn. Ngoài các pha cận chiến và "xiếc" môtô, phim không còn cảnh quay nào thực sự hoành tráng hay đáng nhớ. Màn cháy nổ trong phim được xử lý bằng kỹ xảo, tạo cảm giác không thật. Những cảnh rượt đuổi ở ngõ hẻm hay leo dây đột nhập vào nhà cao tầng diễn ra chóng vánh. Nếu so với phim hành động khác gần đây là Truy sát, Găng tay đỏ yếu hơn về phần nhìn.
Như nhiều phim Việt khác, Găng tay đỏ mắc điểm yếu trong khâu kịch bản khi ôm đồm tình tiết và chưa giải quyết thỏa đáng. Chuyện tình cảm của cặp nhân vật chính bị đẩy nhịp khá nhanh khi chỉ sau hai, ba lần gặp, nữ sát thủ được chàng trai mới quen mời về nhà riêng để trốn kẻ thù. Các nút thắt bất ngờ (plot twist) bị cài vào gượng ép, khiến người xem chưng hửng hơn là ồ lên vỡ lẽ. Diễn biến tâm lý của nữ sát thủ cũng thiếu thuyết phục.
Được gắn mác 16+, thoại của phim còn khá hiền và mang tính sách vở. Nhiều nhân vật bị mắc lỗi thoại "sến". Trong đó, lời thoại của viên chỉ huy (Quốc Cường) thường gây cười cho khán giả. Khi thông báo tin đồng đội hy sinh, anh cảm thán: "Không có nỗi đau nào là vĩnh viễn, hãy để sự hy sinh đó đừng trở nên vô ích".
Diễn xuất trong phim là một điểm khác gây tranh cãi. Phim rơi vào các lỗi từng gặp trong thể loại hình sự ở Việt Nam. Chẳng hạn: rượt đuổi kẻ thù thì phải la lên "Đứng lại", nhận thông báo âm mưu của mình đã thành công thì ngửa mặt lên trời và cười gằn, công an ập tới liền giơ tay chịu trói. Vai con gái ông trùm (Linh Chi) chưa tạo nhiều cảm xúc ngoài các cảnh khóc lóc. Nhân vật này mắc lỗi về tạo hình khi trang điểm khá đậm trong cảnh thăm mộ mẹ. Một cảnh "nóng" của diễn viên Hiếu Nguyễn còn bị xem là thừa so với tổng thể phim.
Các pha chuyển cảnh trong phim cũng chưa được xử lý mượt mà. Một cảnh có nhân vật do Lâm Vinh Hải được cắt ghép thiếu logic, khiến nhiều khán giả khó hiểu và cho rằng phim bị kiểm duyệt. Chia sẻ với VnExpress, đạo diễn Tuấn Anh cho biết phim hoàn toàn không bị cắt, cảnh quay trên là một ngụ ý để khán giả tự cảm nhận khi xem.
Điểm sáng về diễn xuất trong phim thuộc về Ninh Dương Lan Ngọc. Chưa gây ấn tượng với lần đầu đóng vai nữ chính hành động, cô lấy cảm xúc người xem ở các đoạn nội tâm. Phân cảnh cô gái sát thủ trở lại cô nhi viện, gặp lại má nuôi (Vân Anh đóng) cho thấy khả năng nhập vai của nữ diễn viên sinh năm 1990.
Được thực hiện ở Nha Trang, Đại Lãnh (Phú Yên), TP HCM..., những cảnh quay bờ biển trong xanh hay các tòa nhà cao tầng sang trọng của phim cũng khiến người xem thích thú.
Phim Găng tay đỏ khởi chiếu vào ngày 2/9.
>>Xem thêm:
Phim 'Tấm Cám' gây tranh cãi về chất lượng
Phim hài Châu Tinh Trì bị 'nhặt sạn'
Mai Nhật