Lên sóng truyền hình Việt từ tháng 11/2014, bộ phim Cô dâu 8 tuổi (nhan đề gốc Balika Vadhu - Kachchi Umar Ke Pakke Rishte) tạo hiệu ứng từ khán giả thuộc nhiều thế hệ. Trong khi các bà, dì, mẹ và giới nội trợ đợi theo dõi phim mỗi tối, không ít người xem chỉ trích bộ phim có độ dài kỷ lục này.
Cô dâu 8 tuổi dự kiến kéo dài 2.000 tập và đã chiếu đến tập 1.927 ở Ấn Độ. Phim được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật và lấy bối cảnh ở vùng nông thôn bang Rajasthan, miền Tây Bắc Ấn Độ. Cốt truyện kể về bé gái Anandi thông minh và xinh xắn nhưng sớm trở thành nạn nhân của tục tảo hôn - lấy chồng từ năm tám tuổi. Trong quá trình trưởng thành, cô dâu bé nhỏ phải đối mặt với những lễ nghi áp đặt trong gia đình đa thế hệ đầy sóng gió. Càng về sau, cốt truyện càng mở rộng biên giới sang nhiều mảng đề tài khác khác như nạn giết người vì danh dự ở quốc gia này.
Đề tài gai góc là một trong những điểm khiến phim trở thành hiện tượng với khán giả Ấn Độ cũng như các quốc gia và vùng lãnh thổ phim phát sóng. Những tình huống éo le và chịu đựng của nhân vật chính trong gia đình đa thế hệ khiến người xem hồi hộp theo dõi.
Đặt trên bối cảnh Rajasthan - bang có diện tích lớn nhất Ấn Độ, chuyện phim đã trực diện mô tả vấn nạn tảo hôn bản xứ. Ngoài cốt truyện điển hình, tác phẩm giới thiệu với người xem láng giềng lối sống đặc trưng của người Ấn bằng trang phục, âm nhạc và dàn sao bản địa diễn xuất ổn định. Sau khi ra mắt trên truyền hình Ấn Độ năm 2008, phim giành giải “Chương trình truyền hình chứa thông điệp xã hội hay nhất” tại lễ trao giải Telly Awards lần thứ tám.
Sau bảy năm trình chiếu, gần như gia đình nào ở Ấn Độ cũng biết tới cái tên Anandi. Hiện tượng này cũng xảy ra tương tự ở Việt Nam. Chị Mai Hương, 26 tuổi ở Kim Liên, Hà Nội, cho biết: “Cả gia đình tôi xem bộ phim này. Thậm chí sau khi xem lần phát buổi tối, bà và mẹ tôi còn xem lại vào buổi trưa”. Võ Thị Linh, khán giả ở TP HCM, cho biết: “Mẹ tôi không bỏ một tập nào phim này, khi mọi người đến mua hàng ở cửa hàng gia đình tôi, mẹ tôi cũng giới thiệu để xem phim này. Cả khu phố nhà tôi cũng theo dõi”.
Không chỉ gây sốt với công chúng, Cô dâu 8 tuổi trở thành hiện tượng trên mạng xã hội. Cụm từ “Ôi thần linh ơi” trở thành câu cửa miệng của nhiều người, dù xem hay không xem phim, xuất hiện nhiều trên các dòng trạng thái hay bàn luận về vấn đề nào đó.
Mặc dù nhận được sự quan tâm và yêu thích từ các bà nội trợ, Cô dâu 8 tuổi cũng bị không ít người xem chê bai gay gắt.
Hàng loạt người xem kêu ca về độ dài của phim. Chị Phùng Hoa, một khán giả ở quận Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ: "Ôi thần linh ơi, phim dài gần 2.000 tập mà diễn viên tập nào cũng lắc lư đầu liên miên".
Ngoài ra, nhịp phim chậm chạp và nội dung khai thác tiểu tiết của Cô dâu 8 tuổi cũng khiến người xem trẻ tuổi ngao ngán. Phim chậm từ cái nhìn, ánh mắt cho tới hành động và thoại của từng nhân vật. “Ví dụ trong một khung hình có năm người đang đứng với nhau, lúc nhân vật A đang nói thì máy quay sẽ quay biểu cảm của cả năm người có mặt, mỗi người một phút. Xong đến lượt B nói, máy quay cũng quay biểu cảm cả năm người còn lại, mỗi người một phút. Túm lại, một cuộc nói chuyện là hết nửa tập phim rồi”, một khán giả chia sẻ.
Một người xem khác bày tỏ: "Bức xúc không chịu được, làm ăn cơm mất ngon, cứ giờ cơm là mẹ lại mở cái kênh chiếu phim này. Kinh hoàng nhất là tập phim có một nhân vật phụ chết. Từ đầu đến cuối quay mỗi cảnh cô vợ khóc, rồi lại lia sang mặt chồng nằm trong quan tài, rồi lại quay sang cảnh vợ sướt mướt 'anh ơi đừng đi', xong lại quay sang mặt chồng trong quan tài, rồi lại quay vợ 'em nhớ anh'... quay qua quay lại thế là hết một tập".
Nhà biên kịch Đoàn Minh Anh nhận định về tác phẩm gây sốt: “Tôi nể phục các nhà sản xuất và biên kịch của loạt phim này. Không phải biên kịch nào cũng kiểm soát được số lượng nhân vật và các chi tiết như trong phim có gần 2.000 tập. Bộ phim làm dài được và tỏ ra hợp lý, được khán giả chấp nhận bởi câu chuyện được dựng tốt, chặt chẽ".
Cốt truyện phim có vẻ đơn giản nhưng không hề đơn giản khi khai thác các thế hệ trong một gia đình lớn điển hình ở đất nước Ấn Độ và cả mối quan hệ giữa gia đình với xã hội. "Phim dài bởi ngay từ đầu các nhà sản xuất đã tính toán cách làm phim này. Họ tính đến đối tượng khán giả thuộc thị phần riêng mà họ am hiểu nhất. Các diễn viên trong phim cũng diễn có cảm xúc, không bị khiên cưỡng hay khô cứng”, Đoàn Minh Anh nói.
Được phát sóng lần đầu tại Ấn Độ vào ngày 21/7/2008 trên kênh Colors TV, đến nay, Cô dâu 8 tuổi đã chiếu được 1.927 tập. Nhờ Cô dâu 8 tuổi, Colors TV trở thành kênh truyền hình được xem nhiều nhất trên hệ thống cáp ở Ấn Độ. Phim từng bị Quốc hội Ấn Độ cấm phát sóng trên toàn quốc nhưng được chiếu trở lại do công chúng phản ứng mạnh mẽ. Nhân vật chính - cô dâu 8 tuổi Anandi - được thể hiện bởi ba nữ diễn viên: Avika Gor (lúc nhỏ), Toral Rasputra (trưởng thành) và Pratyusha Banerjee (trung niên). Nữ diễn viên Avika Gor (sinh năm 1997) tham gia phim vào năm 2008 khi mới 11 tuổi và đến nay, cô bé đã 18 tuổi. Avika Gor từng sang Việt Nam vào ngày 21/12/2014 để gặp gỡ báo chí và giao lưu với người hâm mộ Việt. Mẹ nhà biên kịch của Cô dâu 8 tuổi - Purnendu Shekhar - cũng từng kết hôn khi chỉ mới 15 tuổi. Ông cho biết, đến nay, nạn tảo hôn vẫn tồn tại ở nhiều vùng quê Ấn Độ và đây là động lực để ông viết kịch bản phim. |
Vũ Văn Việt