![]() |
Nhà văn Phan Triều Hải. |
- Việc ra mắt tập truyện "Những con đường không đến Seattle" có ý nghĩa thế nào với anh?
- Tập sách mang lại ý nghĩa tinh thần rất lớn với tôi. Thật ra, phần lớn truyện ngắn trong Những con đường không đến Seattle mấy năm qua đã xuất hiện rải rác trên báo và trong những tuyển tập, còn vài truyện khác tôi viết trong khoảng hai, ba năm.
- Gần 6 năm (tập sách cuối cùng của Phan Triều Hải xuất hiện năm 1999) để đổi lấy một tập sách mỏng manh, anh có sợ làm thất vọng những độc giả một thời đã đọc anh và nay có tâm lý kỳ vọng vào một điều gì đó "đột biến" hơn?
- 6 năm là một khoảng thời gian đáng kể trong cuộc đời một con người và càng đặc biệt đối với một người viết. Thời gian vừa qua đã có lúc tôi tưởng như mình không thể nào sáng tác được vì một thứ áp lực hàng ngày nào đó chẳng thể gọi tên. Nhưng viết đối với tôi là một nhu cầu rất cá nhân, một thứ công việc phải làm.
Quỹ đạo quen thuộc của tôi là công việc và gia đình, tôi không thể đi xa quỹ đạo ấy. Dù nó nhỏ nhặt hay đơn điệu thì đó vẫn là cuộc sống hàng ngày mà ai trong chúng ta cũng phải đối mặt. Tôi tin những gì tôi viết ra vẫn còn có người đồng cảm.
- Vậy so với những "Phía sau nỗi buồn", "Những linh hồn lạc"..., tập truyện "Những con đường không đến Seattle" có những chuyển biến gì?
- Trước đây tôi còn rất trẻ, tôi viết rất dễ dàng và chỉ cần đặt bút xuống là mọi thứ cứ tuôn ra rất tự nhiên. Tôi lý giải cuộc sống theo cách nhìn của một người vừa đặt chân vào ngưỡng cửa cuộc đời.
Nhưng với thời gian ít nhiều ai cũng sẽ khác đi, mình cũng thế, một con người khác, và đương nhiên điều mình viết ra cũng sẽ rất khác. Già hơn nữa chẳng hạn.
- Nhắc đến Phan Triều Hải, nhiều người nghĩ đến một thế hệ người viết trẻ đầu thập niên 1990. Thế nhưng, gần như một tình trạng chung, trong khoảng thời gian dài họ không viết hoặc không có những tác phẩm đáng kể. Anh nghĩ sao?
- Người đọc có thể lãng quên nếu không thấy tác phẩm của họ xuất hiện. Hợp lý thôi! Nhưng tôi tin một người từng viết thì sẽ không bao giờ ngừng viết. Đâu đó họ cũng vẫn đang viết đấy. Họ ít xuất hiện hay không muốn xuất hiện bởi vì nhớ hay quên là chuyện của người khác, không phải của người viết. Ví dụ như chuyện rã đám một cuộc tình chẳng hạn, làm sao buộc người ta nhớ nhung mình mãi được.
- Điều gì đến sau "Những con đường không đến Seattle" - liệu có là một khoảng lặng dài hơi nữa?
- Thì cũng phải tiếp tục viết thôi. Thật khó khăn để thắng được sự lười viết lúc nào cũng cặp kè bên mình mỗi ngày.
(Theo Evăn)