Anh Vân -
- Điều gì khiến ông từ công việc của một nhà nghiên cứu, giảng viên văn học chuyển sang tự sáng tác?
- Đầu năm 2006, tình cờ nhà văn Mai Sơn gợi ý tôi viết truyện cho một tạp chí điện tử. Tôi viết truyện Mây, được nhiều độc giả ủng hộ nên thấy hứng thú và tiếp tục viết. Tôi cũng thấy bản chất của mình hướng về tính nghệ sĩ hơn là học thuật đấy chứ! (cười).
Trước đây, do bận rộn việc giảng dạy, xây dựng giáo trình cho sinh viên ĐH KHXH&NV các môn văn học Nhật, Trung Cận Đông, Phương Đông..., tôi phải dành hết tâm trí cho những việc này. Bây giờ nhiều giáo trình đã xây dựng xong, có chút thời gian rảnh rỗi, tôi được đi nhiều nơi hơn là ngồi nhà đọc sách. Vì thế, cảm hứng sáng tác đến một cách tự nhiên.
Nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu. Ảnh: N.C. . |
- Ông nghĩ sao khi bên cạnh những ý kiến khen ngợi, cũng không ít người cho rằng lối viết của ông trong "Người ăn gió & Quả chuông bay đi" thật khó đọc, khó hiểu?
- Khi truyện chưa in thành sách mà đăng rải rác trên mạng, trên báo chí hoặc trích tuyển vào các tuyển tập, tôi đã biết có nhiều khen chê trái ngược nhau. Có bạn đọc mau chóng tiếp nhận. Có người, kể cả bạn bè và sinh viên thẳng thắn bày tỏ là khó đọc, khó cảm nhận những gì tôi viết.
Những gì tôi thể hiện ở tập truyện này hoàn toàn không có gì là "một bước đột phá chưa từng có", vì trước tôi, nhiều nhà văn ở nhiều nền văn học khác nhau trên thế giới đã viết với thủ pháp tương tự. Điều tôi tin ở chính mình là: tôi viết bằng cảm xúc thật sự.
Truyện nào tôi viết cũng mang yếu tố huyền ảo. Và trong mạch ngầm của mỗi truyện tích hợp nhiều văn bản khác nhau từ cổ đến kim. Đó là một thể nghiệm của chính tôi trên chính những lý thuyết văn chương chung mà văn đàn thế giới đã thừa nhận. Tôi tin ở độc giả, nhưng tôi cũng muốn bày tỏ rằng, nếu người đọc quá vội vã sẽ khó nhận biết cái gì đang diễn ra sau những hàng chữ.
- Ông có thể nói thêm về phong cách truyện ngắn mà ông thể hiện trong "Người ăn gió & Quả chuông bay đi"?
- Ở VN, trong một thời gian khá dài, quan niệm thường thấy của phần đông người viết lẫn độc giả về truyện ngắn là: thể loại văn tự sự, khá đơn giản, một loại văn xuôi kể chuyện. Nhiều tác giả vô tình khu biệt truyện ngắn với thơ, kịch, triết học, ngụ ngôn, cổ tích, huyền thoại.
Thế nhưng, theo tôi, không nên tiếp tục giữ sự khu biệt đó. Hay ít ra từ cách nghĩ của riêng tôi, tôi tự cảm thấy mình không muốn đi theo lối mòn đó, hoặc tuân thủ sự khu biệt đó. Vì thế, truyện ngắn của tôi tự do mở rộng biên độ về thể loại, về không gian, thời gian và hiện thực.
Nghệ thuật giống như thức ăn uống. Có rất nhiều hình thức thể hiện (cũng như có nhiều cách chế biến món ăn với cùng những nguyên liệu). Chúng ta không nên chỉ đọc (hay là chỉ ăn uống) theo một vài thức cố định. Nếu có thể, tại sao không làm cho những thức mà ta hưởng phong phú lên, bởi vì đời sống là không nhiên bất tận, không nên tự làm mình "nghèo nàn" đi.
Trong vấn đề thưởng thức nghệ thuật, tại sao người viết không thể đòi hỏi người đọc cũng phải giàu tưởng tượng? Những gì chúng ta nhìn - nghe - sờ được, đó chỉ mới là một tầng của hiện thực.
Mà đời sống vốn có nhiều tầng hiện thực khác đấy chứ. Có như thế thì nhà văn Khái Hưng mới nói rằng: "Tưởng tượng cũng là sự thực!". Cho dù là những điều tưởng tượng không bao giờ xảy ra trong đời sống xã hội, thì chúng cũng đã xảy ra trong những giấc mơ. Mà giấc mơ cũng thuộc về đời sống con người thì không lý gì lại cho những giấc mơ, hay tưởng tượng là viển vông chẳng dính dáng gì đến chúng ta.
Tôi viết với quan niệm như thế.
- Ông là "fan" của những nhà văn nào trên thế giới?
- Tôi thích đọc và nghiên cứu "Tứ K": Kafka, Kundera, Kawabata và Cao Hành Kiện.
Văn Kafka mang yếu tố dự cảm rất phi thường. Những gì ông cảm thấy, nghĩ đến, hoặc tưởng tượng ra trên trang viết, thì sau đó, trong đời thực dường như diễn ra đúng y hệt như vậy. Với Kafka, "cuộc đời đi sau văn chương". Cũng tương tự trường hợp dự cảm khoa học của Jules Verne, dự cảm xã hội của Kafka khiến cho tôi kinh ngạc. Buồn là, hiện nay, hình như nghệ thuật, văn chương chỉ còn lẹt đẹt đi sau cuộc sống. Hiếm khi đọc được cái gì khiến cho chúng ta phải bàng hoàng.
Kundera là một trường hợp thú vị khác, nếu ta trao cho tiểu thuyết một phương hướng mới, để nó tự mở rộng bản thân mình, thì chính tiểu thuyết sẽ sáng tạo ra một hiện thực mới. Với ông, nếu như người viết biết vận dụng những trò chơi của tưởng tượng, của giấc mơ, của triết lý thì tiểu thuyết sẽ giữ vai trò tư tưởng tiên phong của dân tộc.
Bút pháp của Kawabata thì hết sức cô đọng. Đó là một thủ pháp "bỏ trống" khiến cho các tác phẩm của ông đều thâm trầm và độc đáo. Ông dung hợp được khoảng trống trong nghệ thuật của phương Đông (thi ca, hội họa) với những thủ pháp hiện đại của phương Tây.
Còn Cao Hành Kiện, đặc biệt với kiệt tác Linh Sơn và những vở kịch, đã tạo nên một giọng điệu "thì thầm đầy dư vang", đầy tính ẩn dụ về vẻ đẹp của thế giới xung quanh.
- Tứ K này quá nổi tiếng, vậy ông chịu ảnh hưởng từ họ như thế nào?
- Khi tôi viết, tôi chẳng theo một khuôn mẫu nào. Với tôi, nghệ thuật hay văn chương không có khuôn mẫu. "Khuôn" đó chính là cái chết của nghệ thuật.
Nhưng nói như thế, không có nghĩa là một tác phẩm văn chương phải hoàn toàn độc lập. Ngược lại, văn chương xét về khía cạnh nghệ thuật còn là một tác phẩm liên văn bản. Bạn nhìn đời sống đi, cũng vậy đấy, một nhân cách thật ra cũng là liên nhân cách, không tồn tại riêng biệt. Do đó, tôi viết như trước hết tôi là. Còn nếu có ảnh hưởng nào đó là điều hoàn toàn không tránh khỏi. Đó là chuyện tất nhiên trong sáng tác văn chương.
- Sự nghiệp sáng tác của ông sẽ thế nào sau "Người ăn gió và Quả chuông bay đi"?
- Tập truyện này là một cuộc phiêu lưu thú vị và tôi mong mình sẽ tiếp tục tham gia.
- Theo ông, thế nào là một đời sống văn học được gọi là sôi động và phát triển?
- Đó là một đời sống văn học mà ai thích viết gì thì viết. Và bản thân mỗi người viết đến với văn học trong tâm thế như đang tham gia một trò chơi, vô tư, hồn nhiên, không có những toan tính vượt ngoài vòng trò chơi.
Và khi "chơi" thì nên nhớ hết mình, với ý chí sáng tạo nội tại mạnh mẽ để không bị tác động bởi áp lực bên ngoài.
9h sáng thứ bảy, ngày 7/4, tại Hội trường Hội nhà văn TP HCM diễn ra buổi tọa đàm bàn tròn về hai cuốn sách vừa phát hành của Phan Nhật Chiêu: Người ăn gió & Quả chuông bay đi (NXB Văn Học - Công ty Văn hóa Đông A), và 3.000 thế giới thơm (tập hợp những tiểu luận, tùy bút... về thơ ca Nhật Bản, NXB Văn Nghệ và Công ty Việt Thường - Cảo Thơm). Bàn tròn do Hội nhà văn TP HCM thực hiện. Sắp tới, cuốn Đi dưới mưa hồng (NXB Văn Nghệ và Công ty Tin Văn) của Nhật Chiêu cũng sẽ ra mắt bạn đọc. Quyển sách là tập hợp những bài trả lời của ông trên chuyên mục cùng tên của báo Mực Tím, đó là những trang thư của Nhật Chiêu viết gửi bạn đọc, sinh viên... trao đổi về những vấn đề văn học, thi ca. |
Anh Vân thực hiện