Phan Đăng Di: "Đây là một sự kiện quan trọng với một nhà làm phim độc lập như tôi". Ảnh nhân vật cung cấp |
- Đây là lần đầu tiên một nhà làm phim độc lập Việt Nam được chọn tham dự L’atelier, anh nghĩ thế nào về sự may mắn của mình?
- Tôi rất vui vì có thêm một cơ hội quan trọng nữa đã đến với Bi, đừng sợ. Nếu như giải thưởng năm ngoái tại Pusan thể hiện sự chú ý của những nhà điện ảnh chuyên nghiệp trong khu vực châu Á đối với Bi, đừng sợ thì lời mời tới Cannes lần này cho thấy dự án được chú ý ở một phạm vi rộng hơn. Như bạn biết đấy, mỗi năm L’atelier chỉ chọn 15 dự án từ khắp nơi trên thế giới để giới thiệu thôi. Vì thế có tên trong danh sách này đúng là sự kiện quan trọng đối với một người làm phim độc lập như tôi. Về “may rủi” của chuyện này còn phải chờ xem hợp đồng tài trợ, liên kết sản xuất nào sẽ được ký. Nhưng có thể nói sau một thời gian dài bền bỉ chuẩn bị, đến lúc này mọi chuyện đang xuôi chèo mát mái… Tuy chưa bấm máy nhưng Bi, đừng sợ đã nhận được nhiều sự quan tâm, nhờ đó tôi được tiếp thêm rất nhiều động lực.
- Anh chờ đợi những gì ở việc mang “Bi đừng sợ” tham dự L’Atelier?
Phan Đăng Di sinh năm 1976, năm 2000 tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh. Phan Đăng Di được biết đến khi phim Sen của anh trình chiếu tại LHP ngắn danh giá nhất thế giới Clermont Ferrand 2006. Sau đó là Khi tôi 20, phim nhựa trong khuôn khổ dự án "10 tháng 10 phim ngắn" với một workshop do đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng trực tiếp giảng dạy. Tháng 10/2007, Phan Đăng Di được mời tham dự LHP Pusan với dự án Bi, đừng sợ và đã vượt qua 200 dự án từ khắp nơi trên thế giới để giành được giải thưởng trị giá 10.000 USD của Hội đồng điện ảnh TP Pusan, Hàn Quốc dành cho các nhà phim trẻ. |
- Tại Cannes 2008, tôi sẽ tiếp tục gặp gỡ các nhà đầu tư và phát hành, trình dự án khả thi để tìm kinh phí hoàn thành Bi, đừng sợ. Bộ phim này có tổng dự toán khoảng 500 nghìn USD. Thực tế là sau khi dự án giành giải thưởng tại Pusan, chúng tôi có nhận được một số đề nghị hợp tác từ những hãng phim độc lập như Fortissimo, Arizona và chúng tôi đã có lịch làm việc với những đối tác này tại Cannes. Ngoài ra, hiện tại những công việc như thành lập đoàn phim, casting và chọn bối cảnh, lên tổng dự toán, lịch quay đã gần hoàn tất... Hãng phim Chánh Phương và Công ty BHD và sẽ tham gia vào dự án này. Cùng với đó, hai nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm và Nguyễn Bảo Mai của hai công ty trên sẽ giúp tôi đàm phán với các nhà đầu tư tại Cannes. Đây là những nhà sản xuất nhiều kinh nghiệm, chắc chắn họ biết rõ phải làm thế nào thuyết phục các nhà đầu tư bỏ vốn vào phim và tìm được kênh phát hành thích hợp khi phim hoàn thành.
- “Bi, đừng sợ” có những ý tưởng lạ lùng về quan hệ giữa các nhân vật với những khối nước đá. Do đâu mà anh nảy ra những ý tưởng này?
- Nhiều khi tôi bắt đầu viết một kịch bản chỉ đơn giản vì bị cuốn hút bởi một hình ảnh nào đó, một hình ảnh gây ấn tượng và khiến mình có cảm giác. Như trong Bi, đừng sợ khởi nguồn là những viên đá trong suốt, đẹp đẽ và tê buốt sẽ có một hành trình khám phá những câu chuyện riêng, những bí mật riêng, nỗi đau riêng của từng nhân vật gắn liền với hình ảnh này… Ví như với ông nội Bi, nước đá là chất để làm tê đi vùng đau trên cơ thể, với cô của Bi là thứ để kiềm chế lòng dục gây nên bởi mối tình vụng trộm. Với bố Bi nước đá giản dị là để giải khát nhưng với Bi, đó là cả một thế giới đầy bí mật, nơi nó nghĩ là nó có thể ướp tươi tất cả mọi thứ trên đời, từ những chiếc lá nó tìm được đến cả cơ thể của ông nội nó sau khi chết…
Tôi không nghĩ ý tưởng của phim có gì quá lạ lùng, tất cả những điều tôi kể đều bắt nguồn từ thực tế… có thể cảm nhận được bằng giác quan cộng thêm chút ít trí tưởng tượng và một chút kinh nghiệm cá nhân. Những người đã đọc kịch bản này thì đều thích nó vì sự chân thành và sự phong phú về hình ảnh, và đó là điều khiến tôi rất vui.
Phan Đăng Di và các diễn viên sẽ tham gia trong phim "Bi, đừng sợ". Ảnh nhân vật cung cấp. |
- Tại sao không chỉ trong “Bi, đừng sợ”, mà trong "Chơi vơi" - kịch bản do anh viết và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sẽ dựng thành phim trong mùa hè này và một số phim ngắn của anh, luôn thấp thoáng một bí mật rất khó nắm bắt nào đó?
- Cái đó thì cũng hiển nhiên, tôi nghĩ đời sống con người là một hiện thực khó nắm bắt và không thể giải thích một cách đơn giản được. Với tôi, phim có thể không cần là một câu chuyện có đầu, có cuối, có ý nghĩa và có bài học về đời sống con người. Phim có thể chỉ là một cảm xúc, một ấn tượng, một cảm giác rất cá nhân nào đó của người làm phim về cuộc sống, một cuộc sống đầy những bí mật thú vị mà mọi nỗ lực cắt nghĩa đều khiến nó bớt hấp dẫn đi mà thôi.
- Có thể chính vì những “bí mật” đó mà kịch bản của anh, điển hình là trường hợp “Chơi vơi” phải chờ đợi nhiều thời gian, qua nhiều lần thẩm định mới được thực hiện. Anh cảm thấy thế nào khi gặp trở ngại?
- Có lẽ quan niệm của tôi về phim cũng có độ vênh nhất định với những người muốn phim là những bài học cụ thể, rõ ràng… Tuy nhiên như bạn biết, cuối cùng thì Chơi vơi cũng được duyệt và nhận được tiền tài trợ của Nhà nước. Đó là một sự ủng hộ rất cụ thể và quan trọng. Trong nghề làm phim, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ đâu cũng vậy, việc kiếm được ngân sách là hết sức khó khăn. Dù có phải chờ đợi 6-7 năm duyệt lên duyệt xuống mà cuối cùng có kết quả thì vẫn là điều may mắn. Nghề làm phim là một nghề phải chịu đựng nhiều áp lực, nếu dễ tuyệt vọng và ngã lòng thì sẽ khó mà đi đến đích được.
- Dù gặp một số khó khăn ban đầu, nhưng hiện tại những dự án của anh lại rất có duyên với các quỹ tài trợ và các LHP Quốc tế. “Chơi vơi” đã nhận được tiền đầu tư từ Pháp và Hà Lan, “Bi, đừng sợ” nhận được giải thưởng từ Pusan và được mời đến Cannes. Anh có bí quyết gì chia sẻ với các nhà làm phim trẻ như mình?
- Tôi không có bí quyết gì cả. Cái quan trọng là mình phải có những ý tưởng đủ sức hấp dẫn. Từ ý tưởng đó mình phải làm hồ sơ cẩn thận, tuân thủ đúng yêu cầu về kỹ thuật của những tổ chức tài trợ và những LHP mà mình muốn gửi đến rồi chờ đợi… Cái chính là ngay từ đầu mình phải có tinh thần tự tin và lạc quan và phải mơ mộng một chút.
Thực sự thì không có cái cửa nào quá cao, không có cửa nào quá thấp và phía trước chắc chắn là bầu trời.
L’Atelier là một giải thưởng do Quỹ điện ảnh (Cinefondation) của LHP Cannes tổ chức, nhằm mục đích hỗ trợ các nhà sản xuất điện ảnh quốc tế. Năm nay, 15 bộ phim của 14 quốc gia được quỹ này giúp đỡ tài chính trong quá trình sản xuất sẽ tranh giải tại Cannes, trong đó có phim của Phan Đăng Di. Các đạo diễn cũng sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ các chuyên gia điện ảnh, từ ngày 16/5 đến 23/5. Một ban giám khảo 5 thành viên, gồm các nhà sản xuất và diễn viên, sẽ chấm và trao giải cho ba kịch bản hay nhất. Danh sách 15 bộ phim tham gia L’Atelier 2008: 1. Cure For Serpents - đạo diễn Ben Hackworth (Australia). |
Ngọc Trâm thực hiện