Ơn giời cậu đây rồi là chương trình hài tình huống thuộc bản quyền của Australia. Việt Nam là quốc gia châu Á thứ ba mua bản quyền dàn dựng. Các nhân vật chính làm nên chương trình gồm 4 trưởng phòng, bốn khách mời (là người nổi tiếng) và giám khảo.
Ơn giời cậu đây rồi được phát vào khung giờ vàng vào dịp cuối tuần. Chương trình hội tụ những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành, Chí Tài, Công Lý, Xuân Bắc... Sau 5 tuần phát sóng, Ơn giời tạo nên cơn sốt với lượng người xem tăng qua từng tập phát sóng.
Đặc điểm nổi bật của chương trình là yếu tố bất ngờ, bởi các tiết mục hoàn toàn không có kịch bản. Trưởng phòng chỉ đưa ra bối cảnh, sau đó nội dung tiểu phẩm sẽ đi theo hướng mà người chơi xử lý. Các tình huống ngẫu nhiên phát sinh chính là phép thử về văn hóa ứng xử, sự thông minh dí dỏm của người tham gia. Một trong những người chơi chinh phục được khán giả là MC Hoàng Phi, trong tiểu phẩm với Việt Hương ở tập 4. Không những dí dỏm, khéo léo gỡ từng tình huống mà Việt Hương đặt ra, chàng MC khiến người xem tâm phục khẩu phục vì hành động bịt mắt, tai một cậu bé tham gia diễn, trước khi anh xả một tràng lời lẽ mà trẻ không nên nghe với Việt Hương (xem video).
Tiết mục của Hoàng Phi được Hoài Linh đánh giá cao, không chỉ bởi gây hài mà còn mang được thông điệp tới khán giả, là thái độ ứng xử của người lớn trước trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, từ đầu chương trình đến nay, những phần thể hiện như của Hoàng Phi rất hiếm hoi. Hầu hết những tiết mục còn lại dừng ở mức giải trí đơn thuần. Thậm chí trong số đó có những màn gây cười bị nhận xét là phản cảm.
Điều này thể hiện trước tiên ở những hình ảnh, ngôn từ thái quá. Ví như trong tập hai, Phi Thanh Vân xuất hiện với nhiều lời nói mơn trớn, hành động nhạy cảm như ôm ngực, áp sát các đồng nghiệp nam, lăn lê bò trườn với váy ngắn khoét ngực...
Ngoài ra, ở tiểu phẩm của Việt Hương - Anh Đức trong tập 1, một số ý kiến nhận xét ngôn từ của nghệ sĩ "tục chứ không hài".
Bị nhiều khán giả lên tiếng nhất là các tình huống bạo lực trong tập 5. Khán giả Trần Mai Phương nhận xét về tiết mục của Thanh Thủy, Đại Nghĩa và Ngọc Tưởng: "Tiết mục giống như một mớ lộn xộn. Ngọc Tưởng cũng kiềm chế tốt đấy chứ, cứ bị Thanh Thủy với Đại Nghĩa đánh đấm, đè lên, lột trang phục, túm tóc... mình xem thôi cũng không chịu nổi. Hy vọng những tình tiết bạo lực tiết chế đi chút, lố quá thì không những không gây cười mà xem cũng thấy phản cảm" (xem video).
Một độc giả cũng bày tỏ: "Tôi thất vọng, đặc biệt là trưởng phòng Việt Hương và Thanh Thủy. Tại sao họ lại sử dụng bạo lực trong tình huống mình đưa ra? Hết ý tưởng hài hước rồi sao...?". Độc giả này cho rằng, các nhà tổ chức lười biếng đầu tư cho tiết mục.
Một người khác viết: "Hy vọng các trưởng phòng có nhiều kịch bản hấp dẫn và sâu sắc hơn, mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả hơn. Tập 5 vừa rồi thấy khán giả chê tơi bời cũng hơi buồn. Bạo lực và thô thiển".
Những hạn chế của Ơn giời cậu đây rồi có thể được lý giải là bởi format chương trình. Người chơi không biết mình phải làm gì, mọi thứ đều bất ngờ và bỡ ngỡ. Như một độc giả nhận xét: "Muốn có những phản ứng nhanh lẹ, kịp thời, sâu sắc và dí dỏm không phải dễ. Người tham gia chương trình phải có nền tảng tốt về văn hóa ứng xử và những kiến thức khá rộng về văn hóa, xã hội. Đặc biệt phải thông minh, sắc sảo và có khiếu hài hước".
Trước những bàn tán về chương trình, danh hài Việt Hương chia sẻ: "Ơn giời cậu đây rồi đã được chỉnh sửa, cắt bỏ, gọt giũa kỹ càng trước khi phát sóng. Mục tiêu của chương trình là giải trí. Chúng tôi làm dâu trăm họ, không thể làm vừa lòng tất cả khán giả".
Về những cảnh đánh đấm, Việt Hương nhấn mạnh, hiệu ứng sân khấu khiến khán giả cảm thấy nặng nề.
Danh hài chia sẻ thêm rằng, người chơi là yếu tố quan trọng trong mỗi tiểu phẩm. Sự nhanh nhẹn, thông minh của khách mời quyết định đến thành bại của mỗi tiết mục. Điều cả trưởng phòng và khách mời học hỏi được sau mỗi tiểu phẩm là họ có kinh nghiệm hơn về cách ứng biến trong cuộc sống.
Hải Lan