NSƯT Phạm Bằng qua đời tối 31/10 vì ung thư gan, hưởng thọ 85 tuổi. Đám tang của ông dự kiến diễn ra từ 12h30 ngày 4/11 tại nhà tang lễ số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Giữa dòng người qua lại trên con phố Hàng Giầy, thi thoảng có vài đôi chân đang hối hả bỗng khựng lại vài giây trước những dòng cáo phó Phạm Bằng dán đầu ngõ nhỏ - nơi họ từng được trao những bát bánh trôi nóng hổi từ tay người nghệ sĩ mình yêu mến.
Ngồi trên căn gác của ngôi nhà cổ với nhiều cây xanh và khoảng sân đủ rộng để đón nắng, anh Tùng - con trai út của Phạm Bằng - vừa nhìn xuống ngõ vừa kể: "Quán chè, bánh trôi nóng do mẹ tôi làm nên. Sau khi bà mất, trong hơn 10 năm, bố tôi vẫn giữ cho quán hoạt động như một thói quen không thể bỏ. Suốt những năm tháng sống không có vợ, thi thoảng trong những bữa cơm, bố tôi lại nhắc về mẹ. Ông thường kể lại cho chúng tôi nghe chuyện ngày xưa bố mẹ vượt qua khó khăn thế nào khi mới lấy nhau, nuôi dạy các con ra sao".
Thời còn trẻ, công việc diễn viên không đem lại cho Phạm Bằng đủ thu nhập để nuôi gia đình. Do đó, vợ ông phải tìm cách chạy vạy lo toan cho chồng và bốn đứa con. Có chồng làm nghệ sĩ, nổi tiếng với vẻ ngoài phong lưu, lại hay phải đi diễn xa nhưng người phụ nữ ấy sẵn sàng chấp nhận tất cả. Thậm chí, trong bốn lần sinh con, bà ba lần "vượt cạn" không có Phạm Bằng ở bên mà vẫn không than trách một lời.
"Mẹ là người hiểu thấu đáo nhất bố tôi muốn ăn gì, thích làm điều gì. Cũng chỉ có bà là người có thể lo chu toàn cho gia đình, để ông yên tâm đi làm việc xa", chị Tần - con gái cả của Phạm Bằng - tâm sự.
Sự ra đi của vợ tạo nên khoảng trống lớn trong đời sống của Phạm Bằng. Theo lời con trai út, cố nghệ sĩ đã phải mất hai năm để cân bằng cú sốc. Sau đó, ông chọn cách tự làm bản thân bận rộn với công việc để tìm kiếm nguồn vui. Suốt gần 15 năm "gà trống nuôi con", các con của Phạm Bằng cũng chỉ thấy ông nếu không dành thời gian cho gia đình, thú vui đọc sách, chăm vườn thì cũng chỉ bầu bạn với một nhóm thân quen. Nam diễn viên chưa bao giờ đả động đến việc đi bước nữa.
Với chị Tần, yêu thương vợ con là vậy nhưng Phạm Bằng cũng là người cha hết mực nghiêm khắc. Ký ức của chị về ông là những bài học đắt giá về "công, dung, ngôn, hạnh" đến cách ăn ở, ứng xử khi về làm dâu nhà người. Sự uốn nắn, rèn giũa của bố từ những điều nhỏ nhặt ấy được cô con gái ví như cơn mưa phùn, được ông tưới tắm mỗi ngày cho bốn đứa con thơ để trưởng thành như ngày hôm nay.
Còn với anh Tùng, những gì đáng nhớ nhất về bố là chuỗi ngày tuổi thơ rong ruổi cùng bố đi làm, đi chơi. Mỗi miền đất hai bố con anh đặt chân tới đều in dấu những kỷ niệm khó quên. "Nhiều gia đình có con trai là dồn hết tình cảm vào đó nhưng bố tôi không phải người như vậy. Bố chẳng bao giờ để các chị cảm thấy tủi thân hay bị thiệt thòi. Đến miếng bánh, tôi được một, ông cũng cố gắng dành cho con gái của ông mỗi người một phần", con trai út của Phạm Bằng tâm sự.
Vợ anh - chị Mai - chia sẻ bố chồng là người ít nói nhưng dí dỏm. Trước khi về làm dâu nhà Phạm Bằng, chị cũng là một người hâm mộ ông. Trong mắt con dâu, Phạm Bằng không hay thể hiện tình cảm trực tiếp với con cháu nhưng thường lặng lẽ quan sát, nếu thấy ai cần giúp đỡ đều xắn tay vào giúp.
Trong ngày cưới con trai hồi đầu tháng 10, dù bị bệnh đau, một tay Phạm Bằng chỉ đạo, kiểm tra từng tí một để xem gia đình đã làm đúng các thủ tục rước dâu hay chưa. Con dâu cố nghệ sĩ ấn tượng với sự cẩn thận và tỉ mỉ của bố chồng.
Gia đình đã chuẩn bị tinh thần về bệnh tình của Phạm Bằng. Tuy vậy, chuyện ông ra đi quá đột ngột vẫn gây ra cú sốc lớn cho người thân.
Vợ của con trai út Phạm Bằng là một trong hai người được ở bên ông vào những giây phút cuối đời. Chị Mai cho biết cố nghệ sĩ không kịp để lại lời nào cho con cháu. Ông chỉ nắm chặt tay người thân rồi ra đi.
Chị Mai kể: "Chiều 27/10 là bữa ăn cuối cùng bố ngồi cùng với gia đình tôi. Hồi bị bệnh, ông cũng ít khi dùng bữa với cả nhà. Ngày hôm đó, bố tôi còn nói chuyện rất bình thường. Đôi lúc, ông hóm hỉnh vài câu, càng khiến mọi người nghĩ rằng bệnh tình đang thuyên giảm".
Lấy chồng và sống ở bên Đức, khi nghe tin bố bị bệnh, chị Tần - con gái cả - quyết định về sống với bố một tháng. Thấy ông có những chuyển biến tốt, chị yên tâm quay lại Đức thì được báo tin ông mất. "Tôi đã hy vọng với nhiều dấu hiệu tích cực, Tết năm tới mình sẽ về ở với bố. Không ngờ hôm vừa rồi mấy người cháu gọi điện báo ông đã đi rồi", chị Tần chia sẻ.
Dù bị bệnh nặng, Phạm Bằng ít khi kêu ca đau đớn. Thậm chí, dù sức khỏe suy giảm, ông vẫn cố gắng đi lại, hoạt động bình thường. Đến cuối đời, ông vẫn tự làm mọi thứ, đặc biệt là vệ sinh cá nhân, không muốn nhờ vả gì đến con cháu.
"Đôi lúc thèm trứng, người nhà lại nấu không hợp khẩu vị, bố tôi tự xuống bếp rán để ăn. Nhiều khi con cháu thấy xót quá, bảo ông cứ nghỉ một chỗ để người nhà làm cho thì bố không chịu. Bố còn bảo: 'Còn vận động được tí nào thì cứ làm, nằm mãi một chỗ mệt lắm'", chị Tần nói.
>> Xem thêm: