NSƯT Hoàng Cúc. |
- Vì sao đã lâu khán giả không còn thấy chị xuất hiện trên sân khấu kịch?
- Thực ra có nhiều vai tôi thích, thấy thích hợp nhưng tôi vẫn nhường cho người khác. Vì bây giờ, trong vai trò người quản lý (Phó giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội), lại là thành viên Hội đồng nghệ thuật, tôi không thể cứ giành vai cho mình được. Ở Nhà hát kịch Hà Nội, anh em đùa vui gọi tôi là "chuyên gia các bà mẹ", vì tôi hay vào vai mẹ, có bà mẹ 70 tuổi, có bà 50. Nhưng bây giờ, các vai bà mẹ ấy cũng nhường lại cho những người khác.
- Năm 2004, khi Nhà hát kịch Hà Nội dựng lại vở "Tôi và chúng ta", công chúng tuởng sẽ gặp lại Hoàng Cúc ngày xưa, nhưng thay vào đó là một êkíp hoàn toàn mới. Một người quản lý như chị phải chấp nhận điều đó như nhế nào?
- Không thể nói là chấp nhận, mà thực ra, tôi vui. Vì ở hàng ghế của khán giả, tôi như nhìn lại được thời đã qua của chính mình. Khi đóng Tôi và chúng ta, tôi còn rất trẻ, mới 26-27 tuổi. Lúc dựng lại vở, tôi đã gần 50, cũng già rồi còn gì. Nếu có hóa trang cũng không thể trẻ ra đến 20 tuổi được đâu. Mà chuyển tiếp thế hệ cũng là điều tất yếu thôi. Vinh dự mà Tôi và chúng ta đã mang đến cho tôi giờ cũng đủ rồi.
- Còn về những danh hiệu dành cho nghệ sĩ, mà thời gian gần đây có nhiều nghệ sĩ tự ái vì phải viết đơn, kê khai thành tích, chị thấy sao?
- Tôi nghĩ không nên tự ái. Các cụ ngày xưa đã có câu: Con không khóc mẹ không cho bú. Lần này, tôi và một số nghệ sĩ khác của Nhà hát kịch như NSƯT Quốc Toàn, NSƯT Hoàng Dũng... cũng làm thủ tục xét danh hiệu NSND. Ngay bản thân tôi, làm nghệ thuật là cả một quá trình phấn đấu bền bỉ, chứ không phải là những huy chương. Nếu quan niệm đây chỉ là một thủ tục hành chính thì mọi việc sẽ đơn giản hơn. Nhưng nghệ sĩ lại hay nhạy cảm quá mức trước mọi vấn đề. Tôi nghĩ, thực sự danh hiệu không phải là tất cả, mà quan trọng là để lại ấn tượng trong lòng công chúng.
- Với chị, sự nhạy cảm của nghệ sĩ ở mức độ nào?
- Tất nhiên, tôi vẫn rất nhạy cảm với đời sống, từ những điều nhỏ nhất. Chẳng hạn, những người biểu diễn vẫn quan niệm ông tổ nghề là một người ăn xin, và không bao giờ cho tiền những người ăn xin. Nhưng vượt qua cái ngưỡng của sự kiêng kỵ ấy, hễ gặp những người ăn xin ở ngoài đường, tôi vẫn không thể cầm lòng được...
- Có một thực tế là nhiều diễn viên đã chọn cho mình con đường khá an toàn là học làm đạo diễn. Chị thì sao?
- Trước kia, chính tôi đã động viên nghệ sĩ Hoàng Dũng, Thanh Du của Nhà hát đi học đạo diễn. Tôi bảo họ rằng, có nhiều con đường để cống hiến cho nghệ thuật, mà đàn ông lại cần có sự nghiệp. Có người bảo tố chất tôi cũng phù hợp với nghề đạo diễn. Nhưng công việc, rồi gia đình đã chiếm hết thời gian của tôi, mà với phụ nữ, thế là đủ.
- Có vẻ như Hoàng Cúc giờ đây rất khác so với sự mạnh mẽ, thậm chí dữ dội trước kia. Bản thân chị thấy mình thế nào?
- Tôi từng nói rất nhiều, muốn làm điều gì đó để thay đổi tất cả, rồi sau đó mọi thứ vẫn thế... Bây giờ tôi thực sự mạnh mẽ hơn xưa đấy chứ!
- Từng đảm nhiệm nhiều vai chính trong hàng loạt phim nhựa, theo chị, những vai diễn điện ảnh sẽ ảnh hưởng ra sao tới diễn xuất trên sân khấu kịch?
- Điều đó hoàn toàn do ý thức nghề nghiệp của từng nghệ sĩ mà thôi. Tôi cũng từng nói với nhiều diễn viên rằng, các em khi lên sân khấu bị buông, trong khi sân khấu có đặc thù riêng, không giống như truyền hình hay điện ảnh. Nếu không hiểu được đặc trưng đó thì không thể diễn xuất tốt được. Bây giờ, các diễn viên trẻ có hình thể đẹp, một vài gương mặt đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả, nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó, chứ chưa ai gây shock cho người xem. Trong khi tôi thấy nhiều em bây giờ sống hời hợt, nhàn nhạt thế nào ấy. Họ chỉ cần danh tiếng, phải nổi tiếng bằng mọi giá, trong khi lại không suy nghĩ một cách nghiêm túc rằng, nghệ thuật và công chúng luôn đòi hỏi ở họ rất cao.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)