Ca khúc Gửi em ở cuối sông Hồng, (thơ Dương Soái, nhạc Thuận Yến) đã đi vào lòng bao thế hệ với những song ca như Thu Hiền – Trung Đức hay Anh Thơ – Việt Hoàn. Ở chương trình Giai điệu Tự hào số tháng 8, phát sóng tối 29/8, ca khúc này được thể hiện qua giọng hát của NSND Thanh Hoa cùng con trai.
Dù ở tuổi ngoại lục tuần, chất giọng của Thanh Hoa vẫn trong và cao vút. Tôn Thái Sơn cũng đầy tự tin khi cất giọng bên mẹ. Vào vai một anh lính trẻ chia tay gia đình để lên vùng biên cương làm nhiệm vụ, anh thể hiện khá tình cảm những lời hát nói lên nỗi nhớ nhung, lo lắng của người con xa quê.
Gửi em ở cuối sông Hồng vẫn là ca khúc cũ, cách hát cũ nhưng bản phối hoàn toàn mới mẻ nhờ có thêm điểm nhấn là tiếng sáo gỗ. NSND Thanh Hoa kể, kỷ niệm với ca khúc này thì nhiều lắm nhưng bà nhớ nhất là lần hát cho các chiến sĩ ở Trùng Khánh khi còn chiến tranh. Bà biểu diễn trên hai chiếc xe tải quay đầu, cầm đèn pin chiếu vào mặt cho các chiến sĩ nhìn thấy mặt, vừa hát vừa lo có pháo kích. Khi đứng trên sân khấu Giai điệu Tự hào,Thanh Hoa đã rơi nước mắt vì thương các chiến sĩ trẻ trạc tuổi con trai bà bây giờ.
Tác giả bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng – nhà thơ Dương Soái cũng tham dự. Ông đọc bài thơ nguyên gốc và không quên cảm ơn nhạc sĩ Thuận Yến đã sửa chữ "Lào Cai" của ông thành “biên cương” để bài hát có tầm phổ quát rộng hơn.
Phần trình diễn của ca sĩ Thanh Hoa cùng Tôn Thái Sơn nhận về những ý kiến khen, chê trái chiều. Trong khi hội đồng bình luận lẫn người xem trong khán phòng tán thưởng nồng nhiệt, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Minh Thái vẫn phê bình phần dàn dựng của ca khúc. Theo bà, Thanh Hoa không nên hát cùng con trai, đặc biệt hai mẹ con không nên hóa thân thành đôi vợ chồng như thế. "Thanh Hoa chỉ nên hát trên nền diễn xuất của con trai và nữ vũ công trẻ tuổi. Sự chênh lệch tuổi tác khiến người xem cảm thấy bị "kệnh"".
Cũng trong chương trình Giai điệu Tự hào phát sóng tối qua, phần song ca Trường Sơn đông – Trường sơn Tây qua phần thể hiện của Tạ Quang Thắng và Thùy Chi gây tranh luận trái chiều. NSND Thanh Hoa nói hai ca sĩ hát dễ thương thôi chứ chưa thể tải cả nét đẹp tình yêu, lý tưởng sống, quê hương đất nước như thời ca sĩ của thế hệ bà. Đồng quan điểm với Thanh Hoa, đạo diễn Lê Hoàng cũng nhận định: "Mỗi bài hát phải gắn liền với cái thần. Thần của ca khúc này là chất tự hào", nhưng nghe hai ca sĩ trẻ hát, đạo diễn chỉ thấy tình yêu trai gái đối đáp, tỏ tình qua lại mà không thấy được cái hào sảng của ngày xưa. Phần bình luận đáp trả của thiếu ta quân đôi Nguyễn Minh Cường được đại đa số người trẻ hưởng ứng: “Người lính lãng mạn nhất trong tình yêu cũng chính là người dũng cảm nhất khi ra chiến đấu. Tôi thấy chính mình, tình yêu rất lính khi nghe hai bạn trẻ hát ca khúc này”.
Chương trình Giai điệu Tự hào số tháng 8 còn giới thiệu nhiều màn song ca với những ca khúc viết về tình yêu đôi lứa hòa chung với tình cảm lớn lao của đất nước. Sự kết hợp giữa Anh Khoa và Ngọc Khuê đã mang lại không khí sôi nổi, tươi vui mới cho ca khúc Trước ngày hội bắn. Mỹ Lệ cùng với Quang Linh đã thể hiện ca khúc chủ đề của chương trình Tình ta biển bạc đồng xanh. Phần biểu diễn ca khúc Người đi xây hồ Kẻ Gỗ của Anh Thơ và ca sĩ lớn tuổi Kiều Hưng cũng nhận được sự tán thưởng của khách mời bình luận.
Lam Thu