NSND Quang Thọ chuẩn bị thực hiện liveshow kỷ niệm 50 năm ca hát vào tháng 11. Qua nửa thế kỷ, giọng nam trung của ông ngày càng vang, dày, khỏe. Ông tự hào có thể hát liên tục khoảng 12-15 bài trong hai tiếng đồng hồ. Thành quả ấy có được nhờ nhiều năm tập luyện, dạy học với cường độ cao. Theo ông, ca sĩ cần biết điều tiết xử lý âm thanh, điều chỉnh hơi thở, cộng với rèn giũa mỗi ngày để chịu được áp lực của nghề.
Ở tuổi 70, ông vẫn giữ được vẻ ngoài trẻ trung, tinh thần dẻo dai. Những ngày này, ông liên tục chạy show ở khắp các tỉnh, từ Quảng Ninh, Hà Nội đến Hưng Yên. Quang Thọ hát để giữ lửa nghề, thỏa mãn đam mê. Qua mỗi buổi biểu diễn, tình yêu âm nhạc trong ông được thăng hoa nhờ những tràng vỗ tay của khán giả. Nhiều người trầm trồ khi biết lịch làm việc dày đặc của nghệ sĩ. Tuy nhiên, ông cười trừ bảo "chẳng là gì". Thời trẻ, ông trải qua nhiều vất vả, gian nan hơn thế.
NSND Quang Thọ sinh năm 1948 trong một gia đình có đông anh em ở Hạ Long, Quảng Ninh. Năm ông lên bốn tuổi, cả gia đình chuyển đến sống tại thành phố Cẩm Phả. Vừa học hết lớp 8 (hệ 10 năm), gia đình khuyên ông nghỉ học để đi làm, đỡ đần bố mẹ nuôi các em. Là anh trai cả trong nhà, ông tạm gác việc học, xin việc tại phòng Cơ điện của Mỏ than Cọc Sáu. Ông phải khai tăng hai tuổi để đủ điều kiện làm công nhân.
Những năm tháng làm việc tại mỏ than Quảng Ninh là khoảng thời gian tài năng ca hát của ông được chắp cánh. Ông trở thành hạt giống của phong trào văn nghệ vùng mỏ. Tiếng hát của ông cất cao trong những căn hầm tối, giữa màn đêm, dưới làn mưa bom bão đạn. Nhiều hôm, ở dưới lò, khán giả của ông chỉ vẻn vẹn hai, ba người công nhân. Những ngày bom Mỹ đánh phá miền Bắc, công nhân không được thắp điện, băng chuyền ngừng hoạt động, thợ mỏ vẫn phải dùng cuốc, xẻng khai thác, đảm bảo tiến độ. Trong đêm tối, ông thức trắng, say sưa hát, làm vơi đi những nhọc nhằn của họ.
Vùng mỏ thời chiến nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong tâm trí ông, kỷ niệm những tháng ngày ấy thô mộc nhưng óng ả, tựa những quặng than của mảnh đất này. "Dù đi đâu, về đâu, tôi luôn nhớ về Cẩm Phả. Đó là nơi tôi khôn lớn, trưởng thành với đầy ắp kỷ niệm", NSND Quang Thọ nói. Trải nghiệm chân thật giúp ông thể hiện thành công nhiều ca khúc về đề tài người thợ mỏ, trong đó nổi bật là tác phẩm Tôi là người thợ lò. Ông kể năm 1964, khi ông đang biểu diễn, hai chiếc máy bay của địch bị bắn hạ, dạt vào đảo Bái Tử Long. Đúng dịp này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam có chuyến thực tế về Quảng Ninh. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác ca khúc Những ngôi sao ca đêm - bản tình ca thơ mộng về đất mỏ. Đến nay, đây vẫn là một trong những ca khúc yêu thích của NSND Quang Thọ.
Nắng, gió, bụi than đất mỏ tôi luyện giọng ca, con người Quang Thọ. Từ hầm lò, tiếng hát ông bay đến chiến trường. Đầu năm 1971, khi đang là công nhân bậc bốn, ông bỏ nghề, rời Quảng Ninh, theo bước chân của những đoàn quân "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Ông khoác ba lô trên vai, gia nhập đoàn văn nghệ xung kích vùng mỏ. Vác đàn guitar trên vai, ông đi dọc chiến trường, biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ đóng quân ở miền Nam, Lào và Campuchia. Mưa bom, bão đạn càng rèn giũa thêm tinh thần, ý chí của giọng ca đất mỏ.
Sau hai năm hoạt động văn nghệ tích cực, ông được cử đi đào tạo tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành nghệ sĩ đơn ca của Nhà hát Ca múa Nhạc Việt Nam. Với kinh nghiệm thực tiễn và năng khiếu thanh nhạc, năm 1987, ông trở thành giảng viên khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội, đồng thời đảm nhiệm chức trưởng khoa từ năm 2000 đến năm 2008.
Không chỉ ghi dấu với nền tân nhạc hiện đại trong nước, ông còn khẳng định tài năng trên nhiều sân khấu nước ngoài, đoạt một số giải thưởng quốc tế ở Đức, Mông Cổ - những nước có nền opera phát triển. Ở tuổi 53, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cao quý. Tên tuổi của ông gắn bó với hàng loạt tác phẩm kinh điển như Sông Lô (Văn Cao), Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương), Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (Chu Minh), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Tôi là người thợ lò (Hoàng Vân), Sơn nữ ca (Trần Hoàn), Biệt ly (Dzoãn Mẫn), Tình ca (Hoàng Việt), Lá đỏ (Hoàng Hiệp)...
Hơn cả những danh hiệu, điều NSND Quang Thọ tâm đắc trong cuộc đời làm nghệ thuật là sự nghiệp "trồng người". Giảng dạy hàng trăm học sinh, ông quan niệm mỗi giọng hát là một màu sắc. Với vai trò nâng đỡ, định hướng, ông luôn khuyến khích mỗi người phát triển cá tính. Học trò của ông vì thế có người thâm trầm như Đăng Dương, "quái" như Tùng Dương, dịu dàng như Khánh Linh.
Từ khi còn là sinh viên khoa đàn bầu, Đăng Dương đã ngưỡng mộ NSND Quang Thọ. Anh thường lén đứng ngoài cửa lớp để nghe ông dạy hát. Trong những năm đầu học thanh nhạc, nghệ sĩ trực tiếp dìu dắt Đăng Dương, giúp anh có nền tảng cơ bản tốt. Trong liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát cuối năm ngoái, khi nhớ lại những bài học đầu tiên với thầy, Đăng Dương xúc động khóc trên vai NSND. Trong ký ức của Tùng Dương, thầy Quang Thọ là người khắt khe, nghiêm khắc nhưng giàu tình cảm. Còn Khánh Linh nhớ khi mới bước vào Nhạc viện, các thầy cô đều quá bận, không ai nhận cô làm học trò. Trong lúc ca sĩ bơ vơ, lạc lõng, thầy Quang Thọ đã nhận trách nhiệm đào tạo cô. Khi nhiều người chê giọng Khánh Linh mỏng, thầy kiên nhẫn chọn những tác phẩm phù hợp, giúp cô luyện thanh để tiến bộ. Lan Anh, Tân Nhàn tuy không trực tiếp học NSND Quang Thọ nhưng chịu nhiều ảnh hưởng từ ông. Qua những buổi biểu diễn chung, họ học được từ ông tinh thần làm việc nghiêm túc, chỉn chu, hết mình vì nghệ thuật.
Ở tuổi 70, NSND Quang Thọ hạnh phúc vì hai cậu con trai theo nghiệp của bố. Quang Tú, Quang Tùng đều tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, trong đó, Quang Tú mới hoàn thành bậc học thạc sĩ hồi năm ngoái. Anh còn được biết đến với vai trò thành viên nhóm Dòng Thời Gian. NSND tự hào vì ở tuổi anh, ông mới mon men học thanh nhạc được vài năm chứ chưa nói đến có bằng thạc sĩ. Ông không đặt nặng việc các con hay học sinh phải nổi tiếng bởi điều đó còn phụ thuộc vào yếu tố may mắn. "Điều quan trọng là nghệ sĩ phải có kiến thức, tinh thần học hỏi và tình yêu ca hát, như vậy, bạn mới có thể sống với nghề và tỏa sáng", NSND bày tỏ.
Hà Thu