Thị Hến được dàn dựng theo tích Nghêu, Sò, Ốc, Hến nổi tiếng của dân gian. Vở kịch bắt đầu bằng một vụ trộm. Ốc là một tên trộm ngờ nghệch, gã cõng theo lão thầy bói mù Nghêu đi ăn trộm. Cả hai tới nhà lão Trùm Sò giàu nứt đố đổ vách nhưng ti tiện, giả nhân giả nghĩa mà bóc lột người dân đói khổ. Chiến lợi phẩm thu được, Ốc và Nghêu mang tới bán cho nhà Thị Hến - một góa phụ đẹp nghiêng ngả, một mình tần tảo buôn bán, giao du rộng khắp cả một vùng. Không may, Xã Trưởng bắt quả tang, hắn giải Thị Hến lên quan trên xét xử.
NSND Lê Khanh trong vai trò đạo diễn đã dựng Thị Hến trung thành với kịch bản Nghêu, Sò, Ốc, Hến, nhưng tập trung làm nổi bật nhân vật Hến. Ở nơi công đường xét xử, trái ngược với vẻ ngoài mong manh, liễu yếu, Thị Hến tỏ ra là người phụ nữ thông minh, sắc sảo và đầy khôn ngoan. Thị thừa hiểu công đường chỉ là nơi "xét xử không cần lý, hơn thua tại đồng tiền, đứa nào chống lại thì tống vào nhà lao cho mọt xác rũ xương". Thị cũng biết rõ bản chất từ quan huyện đến thầy đề, lính lệ đều rặt một lũ hám gái, tham tiền... Với tài trí và nhan sắc của mình, thị bày mưu để cả lũ cùng chui vào rọ, phơi bày bộ mặt thật của lũ quan tham, ham gái. Kết quả Trùm Sò mất tiền, Xã Trưởng bị đòn, bản thân thị được tha bổng. Thầy đề, thầy lý vì mê mẩn Thị Hến mà chạm mặt nhau và bị các bà vợ đánh ghen.
Bên cạnh chân dung Hến, Lê Khanh còn dựng nên những nhân vật toát lên nét tính cách điển hình của những con người dân quê một thuở với đầy đủ tham sân si cùng những thói hư, tật xấu. Cùng với tiếng cười sảng khoái, câu chuyện đã gửi đi nhiều thông điệp sâu sắc, những giá trị phê phán từ xưa vẫn còn nguyên ý nghĩa trong xã hội ngày nay.
Thị Hến cũng chứng tỏ tài năng của Lê Khanh trong lĩnh vực đạo diễn. Nếu như vở diễn đầu tay Nhà Ô Sin được Lê Khanh đưa vào nhiều chất liệu nghệ thuật đương đại như nhảy hip hop, rap... thì Thị Hến lại sử dụng nhiều thủ pháp ước lệ, tượng trưng của sân khấu chèo truyền thống. Lê Khanh đã thể hiện kiến thức và khả năng dựng vở phong phú, đa dạng chỉ với hai vở diễn. Trong khi Nhà Ô Sin - một kịch bản khó nhằn của Nguyễn Huy Thiệp - được lên vở đậm chất tâm lý xã hội đương đại, thì Thị Hến - với tích tuồng nổi tiếng - lại đầy màu sắc dân gian, hài hước nhưng cũng châm biếm sâu cay.
Hài kịch Thị Hến được các nghệ sĩ Đoàn kịch I, Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng, với sự tham gia của NSƯT Đức Khuê, Trần Hoàng, Anh Quân, Mai Huê, Thanh Tú... Họa sĩ Hoàng Hà Tùng góp phần mang tới thành công cho vở kịch với những cảnh sắc trang trí đậm chất làng quê.
Hiền Đỗ