- Lần đầu tiên mang loại hình kịch thể nghiệm vào diễn cho khán giả TP HCM, cảm xúc của chị như thế nào?
- Tôi rất vui vì có cơ hội làm điều này. Điều khiến tôi lo lắng nhất là chuyện kinh phí để mang êkíp gần 30 người từ nghệ sĩ đến nhân viên kỹ thuật vào TP HCM dàn dựng sân khấu. Nhưng may mắn, đến nay, với sự hỗ trợ của những người quen biết, nỗi lo lắng này được giải tỏa.
Hiện tại, phòng vé Nhà hát Bến Thành, TP HCM báo là đã có 700 vé trong tổng số hơn 1000 vé cho hai suất vở Hồn Trương Ba Da hàng thịt vào tối 5-6/1. Tôi và tất cả diễn viên đang hồi hộp mong chờ đêm khai diễn để xem sự đón nhận của khán giả với không khí kịch thể nghiệm ra sao. Mọi người ai cũng bảo nhau phải cố gắng để diễn thật tốt, làm sao cho khán giả thấy được sự trân trọng của mình dành cho họ.
- Hồn Trương Ba, da Hàng thịt, Tâm linh Việt và Nguyễn Du với Kiều đều diễn rất nhiều suất ở sân khấu kịch phía Bắc, chị nghĩ điều hấp dẫn nhất mà ba vở diễn này mang đến cho khán giả phía Nam là gì?
- Về kỹ thuật sân khấu, có lẽ các tác phẩm này đều không quá khác biệt so với sân khấu phía Nam. Tuy vậy, điều chúng tôi tự tin là mang đến những điều sâu sắc về nội dung.
Đây là những vở diễn có sự kết hợp nhuần nhuyễn phong cách nghệ thuật hiện đại với nghệ thuật sân khấu truyền thống, thông qua loại hình nghệ thuật kịch hình thể. Chúng tôi cũng vận dụng hợp lý chất liệu dân gian để đưa lên sân khấu như: hát chèo, hát văn, ca Huế, tuồng cổ...
Ngoài ra, vở Hồn Trương Ba, da Hàng thịt của tác giả Lưu Quang Vũ là vở diễn giành được 4 huy chương bạc khi tham dự "Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ" . Vở diễn là câu chuyện mang tính triết lý về cuộc sống con người, mang lại tiếng cười sâu sắc.
- Êkíp diễn viên toàn là nghệ sĩ phía Bắc, vì sao chị mời Hoài Linh - một danh hài phía Nam tham gia?
- Nghệ sĩ Hoài Linh sẽ tham gia trong vở Tâm Linh Việt. Vở này nói về đạo thờ mẫu. Cả tôi và Hoài Linh đều rất thích yếu tố tâm linh trong vở diễn nên anh ấy nhiệt tình nhận lời khi tôi ngỏ ý mời. Anh sẽ thể hiện cảnh lên đồng giá Đức thánh Trần.
- Kế hoạch sắp tới của chị là gì?
- Cả 3 tác phẩm sân khấu mang vào Nam lần này đều được thẩm định qua khán giả, giới chuyên môn phía Bắc và được xem là các tác phẩm ổn nhất trong loại hình sân khấu thể nghiệm. Đây là thành quả từ những nỗ lực mà đoàn kịch cố gắng để mang đến cho khán giả. Từ những gì đã làm được, năm sau, chúng tôi rất muốn xin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đổi tên đoàn mình thành đoàn kịch đương đại chứ không còn là đoàn kịch thể nghiệm nữa.
Nếu 3 vở này được sự phản hồi tốt từ khán giả, năm sau, chúng tôi mong có cơ hội tiếp tục mang thêm hai vở diễn nữa vào Nam là: Hàn Mặc Tử và Biến vĩ của tình yêu. Hàn Mặc Tử có một kịch bản khá hấp dẫn, đậm chất thơ. Còn vở sau nói về giới trẻ. Mỗi vở có thời lượng gần hai giờ đồng hồ, kề lại những câu chuyện nhiều cảm xúc đã lấy nước mắt của khán giả Hà Nội.
- Vừa đóng phim, vừa quản lý, làm đạo diễn sân khấu, chị vượt qua những áp lực của công việc như thế nào?
- Mệt mỏi, áp lực hay thất vọng chỉ là những cảm xúc thoáng qua rất nhanh vì tôi có niềm tin vào công việc của mình. Như Hoài Linh thường khuyên tôi là: "Chị cứ yên tâm, ơn trên sẽ giúp chị làm tốt mọi việc".
Lịch diễn của đoàn kịch thể nghiệm, Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội, tại Nhà hát Bến Thành, TP HCM: -Từ ngày 5 đến 8/1: vở Hồn Trương Ba, da Hàng thịt. -Từ ngày 9 đến 11/1: vở Tâm Linh Việt. - Từ ngày 12 đến 13/1: vở Nguyễn Du với Kiều. |
Thất Sơn thực hiện