![]() |
Đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ảnh: dienanh |
Người thân, bạn bè, đồng nghiệp... đều mừng cho Đặng Nhật Minh trước thông tin ông trở thành đạo diễn điện ảnh duy nhất được Hội đồng Giải thưởng Quốc gia xét đề nghị Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm tác phẩm điện ảnh: Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng Mười, Hà Nội mùa đông 46, Mùa ổi... Cuối cùng thì những cống hiến của ông cho nền nghệ thuật điện ảnh nước nhà cũng đã được đền bù xứng đáng.
Là con trai trưởng của bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nhưng Đặng Nhật Minh không theo nghề y, trong khi cả gia đình ông hầu như đều theo nghề cha. Con thuyền số phận đã chọn ông, chở ông sang dòng sông điện ảnh. Thông thạo tiếng Nga và tiếng Pháp, vốn ngoại ngữ đã giúp ông tiếp cận nghệ thuật điện ảnh một cách có bài bản. Ông tự rèn luyện cho mình phương pháp làm việc tỉ mỉ, chu đáo và khoa học. Thêm vào đó, khả năng mẫn cảm nghệ thuật của bản thân cùng sự hiếu học, ham hiểu biết đã giúp ông trở thành đạo diễn vững vàng trong nghề nghiệp.
Các nghệ sĩ lớn thường sáng tác nhiều tác phẩm qua nhiều giai đoạn trong cuộc đời, thể hiện phong phú và sinh động quan điểm nghệ thuật của tác giả. Nói theo ngôn ngữ âm nhạc, đó là "những biến tấu trên một chủ đề". Các bộ phim của Đặng Nhật Minh đều xuất phát từ một cảm hứng chủ đạo chung là phản ánh số phận con người.
Ngay từ tác phẩm đầu tay Thị xã trong tầm tay, nhân sự kiện cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, đạo diễn Đặng Nhật Minh đặt vấn đề về sự nguy hiểm của lòng tin mù quáng sẽ có tác hại ra sao. Đến bộ phim tiếp theo Bao giờ cho đến tháng Mười, thông qua nhân vật Duyên, đạo diễn thể hiện thân phận con người trong nỗi đau thầm lặng, một tình yêu cô đơn và sức chịu đựng phi thường của người phụ nữ Việt Nam. Trong Cô gái trên sông, đạo diễn khắc họa số phận con người với niềm tin trong sáng vẫn bền bỉ tồn tại giữa dòng đời đen bạc. Với Thương nhớ đồng quê, nghệ sĩ miêu tả mối tình đẹp đến đau lòng, thơm nồng hương vị đất đai của một miền quê đang xáo trộn. Rồi Hà Nội mùa đông 46, đạo diễn Đặng Nhật Minh lại thể hiện sự vĩ đại bình dị của lãnh tụ trong thời khắc cam go nhất của số phận đất nước và dân tộc. Không chỉ nhìn vào sự huy hoàng của chiến thắng, vinh quang, nhà đạo diễn đã thể hiện quan điểm và phẩm chất của mình qua cách đặt vấn đề, tiếp cận nhiều chiều từ nhân vật. Đến phim Mùa ổi, qua số phận ngôi nhà của một gia đình biến động cùng đất nước, đạo diễn mơ ước và khẳng định niềm tin vào xã hội pháp quyền bảo vệ lẽ phải cho người dân.
Con đường nghệ thuật của Đặng Nhật Minh đầy chông gai, bởi đi theo những thành công của ông có không ít những đố kỵ, tị hiềm. Chẳng quan tâm đến những lời lẽ đầy ác ý và thóa mạ của một vài cá nhân, nghệ thuật điện ảnh với bản chất phức tạp đã giúp Đặng Nhật Minh rèn luyện bản lĩnh kiên định, vững vàng và quyết liệt. Trên tất cả, nhân cách một con người chân chính và tài năng của người nghệ sĩ dũng cảm là câu trả lời cuối cùng của ông trước dư luận và xã hội.
Những ngày này, đạo diễn Đặng Nhật Minh đang bận rộn bắt tay vào công việc chuẩn bị dàn dựng bộ phim về cuộc đời và số phận nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm cùng với cuốn nhật ký bất tử. Trái tim ông thấm lọc và thể hiện khác người ở chỗ không bi lụy, không bi kịch hóa, mà phản ánh trung thực với niềm tin và khát vọng lạc quan. Những số phận "nghiến răng chịu thiệt, bấm chân làm người" ấy là hình ảnh bền bỉ và ngoan cường của con người Việt Nam, như khóm tre đặc quánh với sức sống trường tồn được đạo diễn tài ba gói gọn trong những thước phim, vượt qua biên giới, mang đến cho khán giả quốc tế nhiều cảm nhận về sự giản dị mà bí ẩn của tâm hồn Việt.
(Theo Người Lao Động)