NSND Đàm Liên. |
- Chị đến với tuồng như thế nào?
- 15 tuổi, tôi bước lên sân khấu tuồng theo sự phân công của tổ chức. Chưa hề biết gì về tuồng, càng tập càng thấy khó nên mấy tháng sau khi vào vai, tôi vẫn còn có ý định xin chuyển sang học múa. Nhưng, một lần hoá trang xong, ngắm mình trong gương, tôi bỗng thấy yêu mình đến lạ. Khoảnh khắc ấy truyền cho tôi sức mạnh vô hình để rồi cứ mỗi lần nhận vai mới, tôi lại hiểu rõ hơn... nghệ thuật tuồng là sự sống của tôi.
- Làm thế nào cùng một lúc chị có thể hóa thân thành nhiều nhân vật có tính cách và số phận khác nhau?
- 15 tuổi vào vai Liễu Nguyệt Tiên, thành công của vai diễn đầu tiên ấy đã gắn chặt số phận tôi với sân khấu tuồng. Trưng Trắc là vai thứ hai và đã đem đến cho tôi chiếc HC vàng đầu tiên trong cuộc đời. Một vinh dự lớn đối với tôi là được diễn tuồng Trưng Trắc cho Hồ Chủ tịch xem. Ngày ấy, tôi đã vô cùng xúc động khi nghe Bác Hồ khen: "Cháu còn nhỏ mà diễn tuồng hay lắm!".
45 năm... trải qua gần 50 vai diễn với hàng chục ngàn lần ra sân khấu, đến giờ tôi vẫn nhớ như in những chi tiết quyết định tính cách và số phận của từng nhân vật mà mình đã tìm tòi, thử nghiệm để có thể tạc vào lòng khán giả. Tuồng là một bộ môn nghệ thuật khó, đòi hỏi diễn viên phải nghiêm túc học hỏi, nghiên cứu, nắm vững trình thức. Để khán giả đồng cảm với vai diễn của mình, trước hết chính bản thân mình phải sống (và chết) cùng nhân vật. Vậy thì ngoài việc hiểu kịch bản, luyện giọng tốt, ra bộ đẹp... còn phải dành thời gian để nghiên cứu bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh xã hội và những mối quan hệ có liên quan đến nhân vật mình thể hiện. Tôi nghiệm thấy muốn vai diễn có hồn, nghệ sĩ phải biết kết hợp sự biểu đạt của cử chỉ, điệu bộ với sự biểu cảm của đôi mắt, giọng nói, tiếng cười... Vâng, khi bước lên sân khấu, tôi không còn là Đàm Liên.
- Chị tâm đắc vai diễn nào nhất?
- Trích đoạn Ông già cõng vợ đi xem hội tôi đã biểu diễn không dưới 2.000 lần ở rất nhiều nơi trong nước cũng như nước ngoài, nhưng dường như chưa hề lặp lại chính mình. Đỉnh cao ấy có được là nhờ tôi diễn đạt tiếng cười ở nhiều cung bậc, trình thức khác nhau. Sắp tới, tôi sẽ tổ chức một đêm diễn kỷ niệm đời nghệ sĩ của mình và chắc chắn trong đêm ấy không thể thiếu trích đoạn này.
- Nghệ sĩ tuồng gạo cội Nguyễn Sáu Lai đã đúc kết 36 kiểu cười cho nam diễn viên trên sân khấu. Còn chị... hy vọng sẽ còn những bất ngờ thú vị sau 15 kiểu cười (dành cho nữ) đã công bố?
- Bậc anh hùng hay kẻ điên dại thì cũng là con người bằng da, bằng thịt... ai cũng mang trong mình dục cảm, xúc cảm và những mối mâu thuẫn giằng xé, tự kỷ... Tôi hiểu rất rõ tâm lý, tình cảm và những lối ứng xử trong các tình huống khác nhau của người phụ nữ. Tôi muốn diễn đạt điều ấy bằng tiếng cười, bởi vì nghe tiếng cười có thể phân biệt được người ấy là ai? Tốt hay xấu? Buồn hay vui? Say hay tỉnh? Hạnh phúc hay đau khổ? Thoả mãn hay thất vọng? Với tôi, tiếng cười có thể lý giải và hoá giải được rất nhiều điều... thế cho nên khi không thể nào khóc thì... cười.
(Theo Lao Động)