Trần Văn Khê
Chuyện số 9
Dạy con bằng trái tim tỉnh táo
Quan niệm của tôi trong việc dạy con là chỉ đưa ra những nguyên tắc và con dựa trên những nguyên tắc đó để làm khác tôi, sáng tạo hơn. Điều này áp dụng từ việc tôi dạy con nấu ăn, làm thơ đến đờn. Và điều quan trọng nhứt tôi mong là con luôn yêu thích những công việc con đã chọn làm.
Tiếc vì không thể thai giáo cho con
Tôi nghĩ rằng thai giáo có ý nghĩa rất quan trọng đến sự phát triển của đứa trẻ sau này. Tôi may mắn được thai giáo rất chu đáo và rất tiếc khi không có điều kiện thai giáo cho các con của tôi vì tôi phải xa Việt Nam quá lâu.
Má tôi vốn có tư tưởng độc lập, là con của điền chủ nhưng tham gia cách mạng rất nhiệt tình. Má không biết gì về thai giáo nhưng cậu Năm của tôi bảo làm gì để thai giáo má cũng làm theo.
Từ tháng thứ hai mang thai tôi, để má tôi không có những cảm xúc không tốt như sợ, giận, buồn, lo, cậu Năm cất cho má tôi một cái chái ngay cạnh nhà cậu. Cái chái ấy rất yên tĩnh, thức ăn uống đầy đủ, không bị nực, không bị lạnh. Mỗi buổi chiều, cậu Năm lấy ống sáo, thổi cho bào thai nghe những bài êm ái, dịu dàng.
Cậu Năm ưa đá gà, chuồng gà để khắp nơi, nhưng vì không muốn để má tôi thấy cựa gà, cảnh đá gà sát phạt, nên cậu dẹp hết chuồng gà và không cho đá gà trong sân nhà nữa. Cậu cũng không cho má tôi đi coi hát bội vì sợ má thấy diễn viên mặt mày vằn vện. Cậu chỉ cho má coi những sách vở có những hình ảnh đẹp đẽ, lời hay ý đẹp như sách Nhị thập tứ hiếu, Luận ngữ, Cổ học tinh hoa...
Xung quanh chái, cậu trồng rất nhiều bông. Khi má tôi đi chơi ngoài vườn thì gặp bông vạn thọ, bông móng tay. Những loại bông ấy được trồng với ý chúc tôi sống lâu, ngón tay đẹp như bông móng tay để đờn được. Về chuyện ăn uống, má chỉ ăn những món quen thuộc do nhà nấu, không ăn những món mà có thể nhìn thấy máu me. Chuyện gì buồn trong nhà cậu cũng không cho má biết. Mợ Năm của tôi làm hộ sanh nên nếu má tôi chuyển bụng, sẽ có người lo ngay, không cần phải chuyển má đi đâu.
Tất cả những điều đó để tạo cho má tôi tâm trạng thoải mái, nhẹ nhàng, luôn mộng rằng con mình sau này sẽ làm âm nhạc và giúp ích cho âm nhạc nước nhà. Đó cũng là ước nguyện của ông nội và cậu tôi.
Khi tôi mới lọt lòng, cậu Năm tôi thổi sáo mừng tôi. Sau khi sanh, hai má con vẫn ở trong chái đó, giường má đặt cạnh giường con. Tôi giáp 1 tuổi thì ông nội đến xin đem tôi về nhà. Ông nói với cậu Năm: "Năm à, tụi con còn nhỏ, còn hưởng nó nhiều lắm. Còn bác già rồi, không còn sống bao nhiêu năm nữa, con cho bác hưởng nó một ít". Cậu Năm đồng ý và chở má con tôi về nhà ông nội. 5 năm sau, ông nội tôi mất.
Tôi được 3 tuổi thì má có thai em Trạch, cậu Năm lại thai giáo cho em Trạch y như đã làm cho tôi. Tôi nghĩ rằng cũng vì vậy mà sau này Trạch cũng như tôi, rất mê, rất thương âm nhạc Việt Nam. Khi tôi lớn, nghe cậu Năm kể lại chuyện thai giáo, tôi rất ngạc nhiên và biết ơn sự chu đáo hết lòng của cậu. Tôi chỉ tiếc vì hoàn cảnh không thể thai giáo cho các con của tôi như tôi muốn.
Tôi chỉ có thể thai giáo với con trai đầu lòng Trần Quang Hải. Lúc đó, tôi thích nhạc Lưu Hữu Phước nên tôi và mẹ cháu chỉ hát những bài ca trong vở kịch Tục lụy nên lớn lên, lúc đầu, Hải thích nhạc mới hơn là nhạc cổ.
Cách ông nội dạy tôi cũng góp phần sớm nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc dân tộc trong tôi. Khi tôi hơn 2 tuổi, hễ nghe tiếng đờn tì bà của ông nội là tôi đạp chân phóng lên. Có người không tin thằng bé hơn 2 tuổi mà biết nhảy theo đờn, nói với ông nội rằng tại người ẵm đã giở tôi lên. Ông nội bảo cứ ẵm tôi thử, rồi ông nội đờn khi nhanh, khi chậm, tôi cứ theo đó mà nhảy theo nhịp đờn.
Ông nội hễ thấy đứa nhỏ có khiếu gì thì muốn nó phát triển cái khiếu đó hơn thường. Vì vậy, ông nội đờn cho tôi nhảy hoài, đờn khi chậm khi mau.
Những món đồ chơi ngày nhỏ của tôi cũng gắn với âm nhạc. Khi tôi lên 4 tuổi, ông nội làm đồ chơi cho tôi có hình dáng y như cái máy hát dĩa quay. Ông nội kiếm một cái bánh xe, cắt giấy bồi thành hình tròn để làm dĩa hát, ở giữa đục cái lỗ, lấy dây kẽm làm cây kim, để lên mặt dĩa. Tôi lấy tay quay dĩa cho kim nhảy và tôi nhái theo đoạn đầu của dĩa hát thời ấy: "Gánh hát cải lương của thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho hát cho hãng Pathé Phono nghe chơi, tuồng Kim Vân Kiều, Bảy Thông đóng vai Kim Trọng, cô Năm Thoàn vai Thúy Kiều", rồi tôi ca lên. Khách nào đến chơi, ông nội cũng cho coi tôi "biểu diễn" tiết mục thú vị này.
Những người trong gia đình thường dạy tôi "ăn nói văn chương". Năm tôi 4 tuổi, ông nội dạy, khi ai hỏi tôi: "Nữa lớn em làm gì?", thì tôi trả lời: "Em học để nữa lớn em sẽ giúp nhơn quần xã hội". Nghe tôi trả lời, ai cũng vò đầu tôi, khen tôi. Tôi nói mà không biết câu đó có ý nghĩa gì, chỉ biết rằng câu ấy hay. Ít nhất, những điều đó đã nằm trong tiềm thức của tôi và tôi đã thực hiện bằng cả cuộc đời của mình.
Từ nhỏ tôi đã thích tụng kinh. Má tôi không thích vì sợ tôi sau này sẽ đi tu. Có lần tôi cãi lời má tôi tụng kinh thì bị má la, má lấy tay xỉ vào đầu tôi. Tôi thuật lại chuyện với ông nội thì ông nội bảo: "Thôi, má không thích con làm việc đó thì con đừng làm nữa. Nhưng lần sau má xỉ đầu con thì con nói: Má ơi, má đừng xỉ đầu con, nữa lớn con u mê hết trí rồi đừng than, đừng khóc, đừng buồn, ăn năn đã muộn".
Tôi thấy câu đó hay quá nên thuộc lòng, mong có dịp nói với má. Tôi đợi mấy tháng sau mà chưa thấy má xỉ đầu nên một hôm tôi cố chọc cho má mắng chơi bằng cách... tụng kinh lớn. Nghe tiếng tụng, má nói liền: "Ủa, sao con tụng kinh vậy?". Tôi nói: "Dạ, con tưởng má đi vắng". Má giận, lấy tay xỉ đầu tôi, nói: "Con khó dạy nghe, cứ làm má buồn hoài". Tôi nói liền: "Má ơi, má đừng xỉ đầu con, nữa lớn con u mê hết trí rồi đừng than, đừng khóc, đừng buồn, ăn năn đã muộn". Má ngạc nhiên lắm: "Ai dạy con câu đó vậy?". Tôi nói: "Dạ ông nội dạy!". Má ẵm tôi lên, nói: "Từ nay, má không xỉ trên đầu con nữa, con cũng đừng làm má buồn nữa nghe".
Con có quyền lựa chọn
Những năm tháng đằng đẵng xa quê hương, nỗi nhớ quê hương, gia đình trong tôi khắc khoải không nguôi. Năm 1949, khi tôi sang Pháp, Thủy Ngọc còn chưa ra đời. Xa gia đình, tôi nhớ ba con da diết, nhớ hình ảnh Hải múa khi tôi đờn piano, rồi tôi ẵm con để trên đùi, chùi mồ hôi cho con, lấy phấn thoa lên cái trán đang nổi sẩy của Hải, vuốt vuốt lưng Hải.
Tôi nhớ Minh rất sợ con voi hay được người ta dẫn đi khi bán dầu cù là, tôi ẵm Minh lên cho nó rờ con voi, vỗ nhẹ lưng voi. Sau đó, hễ gặp voi là Minh gọi ngọng nghịu: "Ba ơi, voi xù là, voi xù là". Sau đó, mọi người cùng kêu Minh là "Minh xù là". Còn Thủy Tiên hễ khóc mà thấy tôi là cười ngay, trưa nào tôi cũng ngủ với Thủy Tiên, thỉnh thoảng con gái nhỏ lại quay qua rờ mặt ba. Ngày tôi sang Pháp, Thủy Tiên khóc suốt, mẹ mấy đứa con tôi phải lấy cái áo chưa giặt của tôi để gần Thủy Tiên thì cháu ngủ, không khóc nữa. Xa quê hương, tôi cố gắng hết sức lo lắng cho con về mặt vật chất, tinh thần trong khả năng có thể.
Tôi rất mang ơn mẹ của mấy đứa con tôi vì đã sanh cho tôi 4 đứa con và có con đã nối nghiệp âm nhạc của tôi.
Hoàn cảnh của tôi có vài điểm khá đặc biệt. Tôi xa quê hương khi con đầu mới 5 tuổi, không có nhiều thời gian gần gũi các con như nhiều cha mẹ khác. Tôi không hối hận vì điều đó vì đó chính là một lựa chọn của bản thân. Cũng vì xa cách con nhiều nên mỗi phút giây tôi được bên con đều là những phút giây hạnh phúc, quý báu và chỉ muốn bù đắp cho con.
Các con của tôi ban đầu thương mẹ nhiều hơn thương tôi, nhưng khi có điều kiện gần gũi tôi, được nhìn thấy cách tôi sống, làm việc, con rất yêu thương tôi. Nhưng tôi luôn dạy con công lao mang nặng đẻ đau của mẹ phải mang ơn suốt đời.
Có một kỷ niệm nhỏ với con gái Thủy Ngọc làm tôi rất xúc động. Khi Thủy Ngọc sang Pháp ở với ba, con đeo ba rất dữ, thần tượng ba và không thích đi đâu chơi với ai. Vì vậy, mùa hè năm con 20 tuổi, tôi sắp xếp cho con đi cắm trại, nhưng con nói con không quen, không chịu được kỷ luật, chỉ muốn ở một mình. Tôi phải xuống năn nỉ trưởng trại cho con gái tôi có riêng một cái lều và ban đầu đừng bắt nó làm gì hết. Tôi dỗ dành một lúc thì con gái cũng chịu đi trại. Khi đưa con đến trại rồi, tôi ra về. Tôi nhìn vào kiếng xe, thấy con nhìn theo tôi bằng ánh mắt thấy tội nghiệp lắm. Lòng tôi xốn xang lắm, chỉ muốn quay lại đưa con về nhà. Nhưng như vậy là coi như công cố gắng thuyết phục con tham gia trại trở thành vô ích. Tôi liền cho xe chạy thiệt mau. Sau đó, hôm nào tôi đến trại thăm con, con mừng lắm.
Năm 1961, khi con thứ nhứt của tôi là Trần Quang Hải qua Pháp, con nói muốn học violon. Lúc đầu, Hải thích nhạc phương Tây hơn nhạc dân tộc. Tôn trọng mong muốn của con, tôi ghi danh cho Hải học violon tại Viện Quốc tế âm nhạc Paris. Tôi cũng không bắt buộc Hải học đờn dân tộc hay ngồi nghe tôi đờn.
Học violon được hơn 1 năm, Hải bày tỏ mong muốn được đờn violon cho ông Y. Menuhin - nhạc sư violon lừng danh thế giới nghe để được ông phê bình tiếng đờn của mình. Ông Y. Menuhin vốn là bạn thân của tôi, tôi nói với ông: "Con trai tôi muốn đờn cho bạn nghe, để được nghe bạn nhận xét xem ở tuổi này mà đờn như vậy thì có thể tiến xa không. Con tôi mộng trở thành một giáo sư dạy đờn violon và đi biểu diễn khắp thế giới".
Ông Y. Menuhin đồng ý và sau khi nghe Hải biểu diễn bằng cây đờn của mình, ông đưa cho Hải cây đờn thiệt tốt của ông và bảo Hải biểu diễn tiếp. Sau đó, ông nói: "Con là con của một người bạn nên thầy nói thiệt. Ở tuổi này mà đờn như vậy thì con có cố gắng học hết sức cũng chỉ có thể dạy đờn violon cho mấy trường nhỏ chớ không thể đờn biểu diễn độc tấu. Thầy lấy làm lạ là con có một người cha nổi danh thế giới về nhạc truyền thống, cha con lại biết biểu diễn nhiều loại đờn, sao con không học nhạc truyền thống Việt Nam ở cha mà đi học đờn violon làm gì?".
Hải về nhà buồn một tuần, không đụng đến đờn violon. Sau đó, Hải chạy đến ôm đầu gối tôi và nói: "Con xin ba dạy con đờn tranh!".
Tôi sẵn sàng dạy đờn cho con liền. Hải học rất mau, rất sáng tạo nhưng không thích học thuộc lòng bài bản cổ. Dạy đờn cho con, tôi khuyến khích sự sáng tạo, dạy một câu rao, khi nào đi khi nào dừng, nhưng con hãy có những sáng tạo riêng.
Người xưa có câu "Cha làm thầy, con bán sách" hay "Cha làm thợ rèn, con không có dao ăn trầu", tôi may mắn khi có con nối nghiệp âm nhạc. Con tôi còn hăng hái đi tìm cái mới, hoàn thành những điều tôi chưa làm được. Tôi rất vui vì tôi có quan điểm "Con hơn cha là nhà có phước". Nhưng điều quan trọng nhất là con biết thương, biết yêu âm nhạc dân tộc.
Tôi luôn dạy cho các con tiết kiệm, không phung phí từng đồng tiền cha mẹ cho. Tôi biết khi Hải sang Pháp học tú tài, thế nào con cũng gặp nhiều khó khăn. Để con không bị thất vọng, tôi cho con học tiếng Pháp, sau đó qua Anh học tiếng Anh. Tôi cho con tiền vé máy bay, tiền ăn ở, tiền đi xe buýt đi học. Hải rất khôn, tiền tôi cho đi xe buýt Hải dùng mua một chiếc xe đạp cũ, khi hết đi xe đạp này thì Hải bán đi và có một khoản tiền. Tôi rất vui vì con tôi biết tiết kiệm.
Cuộc sống một mình nơi đất khách quê người là môi trường để tôi rèn luyện khả năng tự chăm sóc bản thân, từ đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, giữ gìn các vật dụng để dùng được lâu... Đó cũng là những điều tôi dạy con. Khi dạy Thủy Ngọc nấu ăn, tôi dạy con cách luộc bún sao cho ngon. Đầu tiên là cho bún vào nồi, để lửa lớn, khi nước sôi, nắp xoong kêu bập bập, tắt lửa liền, 3 phút sau, đổ bún ra, xả nước lạnh ngay thì bún sẽ săn lại. Nếu chưa ăn liền thì cho thêm chút dầu để bún không dính. Luộc bún là vậy. Hay tôi dạy con, khi kho thịt phải nhớ hớt bọt để nước thịt trong, không hôi mùi heo, mùi bò; ăn cái gì cũng phải cân bằng âm dương, mặn quá cho thêm chút đường, ngọt quá cho chút muối. Đó chỉ là những quy tắc, con có thể sáng tạo, tự tìm ra những bí quyết của riêng mình. Tôi hay nấu cho các con ăn. Thủy Ngọc nấu ăn cũng rất ngon.
Ngay cả đi chợ, tôi cũng dạy con đi thế nào cho hiệu quả. Bước vào chợ, phải nhìn bên này, nhìn bên kia, chỗ nào ít người thì mình đi trước, phải biết bên nào bán thịt, bên nào bán cá, bán rau.
Và quan trọng là phải biết loại thịt nào phù hợp với món ăn mình muốn nấu. Tất nhiên, nếu có tiền thì mua những loại thịt cá cao cấp, nhưng khi ít tiền thì vẫn có thể ăn ngon nếu biết lựa thịt cá loại rẻ và khéo léo chế biến. Vì tôi vốn nghèo nên tôi quan niệm chuyện ăn uống là phải rẻ và ngon.
Khi Thủy Ngọc học tiếng Pháp, tôi động viên con và chỉ cho con cách học những từ, những câu quan trọng. Nhờ đó mà con kiên trì học và thi đâu đậu đó.
Dạy con bằng thơ
Tôi tâm niệm phải dạy con bằng chính cách sống của mình chứ không chỉ bằng những lý thuyết suông, thương yêu con và cũng hết sức tôn trọng con, không đàn áp con. Những khi con có lỗi, không bao giờ tôi bảo con ngồi lại để nghe tôi la mắng mà tôi thường viết thơ để dạy con. Có bài dài đến 8, 9 trang. Má tôi ngày trước cũng không bao giờ đánh tôi mà chỉ giảng giải, cắt nghĩa một khi tôi có lỗi.
Hải nghiên cứu rất giỏi, khi Hải nắm được kỹ thuật hát đồng song thanh (kỹ thuật phát xuất từ Mông Cổ và Tuva, một người có thể hát hai giọng cùng lúc, một giọng trầm từ cổ họng kéo dài trên một cao độ suốt một hơi trong khi giọng thứ nhì được tạo bởi sự lựa chọn các bồi âm phía trên để tạo thành một giai điệu). Tôi luôn khuyên con khiêm tốn nên trong thơ gởi cho con, tôi cũng nhắc việc đó:
Ất Sửu đầu năm tuyết khắp nơi
Chúc xuân ba gởi nhắn đôi lời
Khiêm nhường nhắc trẻ từ bao thuở
Bền chí khuyên con đến suốt đời
Biểu diễn thành công bao chỗ đón
Trình bày kết quả lắm nơi mời
Con nhờ thiên phú tài âm nhạc
Thêm đức tài con sẽ rạng ngời.
(Viết đầu năm Ất Sửu 1985, trên máy bay từ Paris đi thành phố Nice, Pháp.)
Qua thơ, tôi tự nói với mình về mong mỏi con nối nghiệp cha và tinh thần lao động của mình:
Mai sau, ai giữ nghề âm nhạc?
Hiện tại, ai gìn nghiệp hát ca?
Trọn kiếp tơ tằm chưa dứt mối
Chữ nhàn an hưởng vẫn còn xa.
Tôi cũng chia sẻ với con quan niệm sống của mình:
Đường lợi không màng không bén mảng
Cửa quyền chẳng thích chẳng vào ra.
Tôi giải thích cho con hiểu tất cả những việc tôi làm không vì lợi, không vì danh, mà chỉ vì tình thương yêu âm nhạc, văn hóa Việt Nam.
Về làm thơ, tôi chỉ các con niêm luật, cách mở đầu câu chuyện ("khai môn kiến sơn" - mở cửa thấy núi) hay mượn cái này để nói cái khác. Thí dụ nói về tình thương thì mượn trăng gió. Các con cũng yêu thích thơ ca, cha con thường họa thơ với nhau rất thú vị. Thơ của con trật chỗ nào thì tôi sửa ngay.
Những bài thơ xướng họa với con là nơi tôi gởi gắm đến con những lời nhắn nhủ về cách sống ở đời, hãy lạc quan, dũng cảm trước khó khăn, hãy biết sống hết mình vì chữ tình cao đẹp. Tôi tập hợp các bài thơ của con để làm kỷ niệm.
Gia tài cho con là chữ "tâm"
Các con tôi đờn rất giỏi, khi dạy học, các con thường lấy học phí khá cao, còn tôi thì dạy không lấy tiền. Tôi dạy các con rằng, người xưa học thuốc, ra làm thuốc cứu giúp người, không đòi bao nhiêu tiền mà tùy vào bệnh nhân muốn trả bao nhiêu thì trả. Chuyện đờn cũng vậy, trời cho mình ngón đờn thì mình phải chia sớt với những người chưa biết đờn. Nhiều học trò học đờn là để tìm hiểu thêm, để chơi thì đừng lấy học phí cao quá, nếu định dùng tiếng đờn để làm cái nghề sống được thì mình mới có thể lấy tiền nhiều.
Tôi thường bảo con: "Trong đời, ba làm về âm nhạc, không vì để cho có danh, để cho có lợi mà vì tình thương âm nhạc, thương người đi học nhạc. Tiền có thể mua được nhiều điều nhưng có một điều tiền không mua được, đó chính là tình thương. Mà muốn có tình thương thì phải bỏ tình thương ra".
Trong cuộc sống, tình thương là cho chứ không phải nhận. Và khi cho thì tự nhiên sẽ được trả. Hiện nay, tôi thấy một số thanh niên sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến cái lợi của bản thân, đòi hỏi nhiều hơn là cho đi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xã hội này như: cha mẹ không nghiêm khắc với con, chiều chuộng con thái quá, cha mẹ dạy con chưa đúng cách, sự biến chuyển của xã hội khi nhiều người chỉ biết nghĩ ăn sao cho ngon, mặc sao cho đẹp, chơi sao cho vui...
Từ khi còn nhỏ, má và cô tôi đã dạy tôi rằng giá trị vật chất bên ngoài không quan trọng bằng tình cảm bên trong. Tôi cũng đã nhìn thấy má và cô tôi tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội, hy sinh bản thân cho đất nước.
Di sản tôi để lại cho con, trước hết có lẽ là gen thông minh, trí nhớ nhiều, mỗi con có một tài riêng (Trần Quang Hải giỏi đờn, Trần Quang Minh vẽ và đờn nhạc Tây, Thủy Tiên thuật chuyện hay, Thủy Ngọc nấu ăn ngon và tháo vát trong mọi công việc) và truyền lại các con chữ "tâm". Đến nay, tôi thấy các con tôi trong cách xử đời thường để tâm thương yêu, giúp đỡ người khuyết tật và đau khổ.
Còn tiếp...
(Trích Những câu chuyện từ trái tim, Hồi ký Trần Văn Khê, NXB Trẻ và công ty First News, 2010)