Linh Thoại
Trang bìa Rừng Nauy. |
- Theo ông, những yếu tố nào tạo nên tính hấp dẫn cho cuốn tiểu thuyết "Rừng Nauy"?
- Rừng Nauy tuy không phải là kiệt tác đứng đầu trong những gì mà Murakami viết, nhưng nó lôi cuốn đông đảo bất kỳ nơi nào mà nó xuất hiện. Có nhiều lý do nhưng có thể do đây là một tác phẩm viết về giới trẻ đặc biệt chân thật và vì vậy hết sức gợi cảm. Thanh niên nói chung và đặc biệt là sinh viên mê tác phẩm vì họ thấy nó nói lên những điều sâu thẳm trong tâm tư họ.
Một lý do khác đáng kể là Rừng Nauy rất dễ đọc, không giống với những tiểu thuyết sau này của ông. Rừng Nauy là hiện thực pha chút lãng mạn, trong khi các tiểu thuyết về sau mang dấu ấn hậu hiện đại và đầy yếu tố siêu thực.
Tính dục cũng là một yếu tố làm cho người không quan tâm gì đến văn chương cũng tìm đến Rừng Nauy.
Dịch giả Nhật Chiêu. |
- Hầu hết các nhân vật trong "Rừng Nauy" bị bủa vây bởi sự cô độc, đó có phải là hình ảnh chung cho các nhân vật của Murakami?
- Nỗi buồn thường có ở nhân vật của Murakami là vì họ bao giờ cũng theo đuổi một lối sống độc lập và do đó luôn rơi vào cô đơn. Chính Murakami cho rằng trong xã hội có tính ý thức cộng đồng chặt chẽ như Nhật Bản, một tinh thần độc lập là rất khó sống.
Nhân vật của Murakami có tính hiện đại vì niềm khao khát được là chính mình, sống như một bản nguyên chứ không phải là một sự sao chép bầy đoàn. Họ là những nhân vật đi tìm chính mình và do đó thường rơi vào bi kịch bởi vấp phải những quán tính trơ lì của bầy đoàn.
Trong tiểu thuyết mà Murakami yêu thích nhất - tác phẩm Người tình Sputnik, vệ tinh nhân tạo Sputnik của Liên Xô phóng vào quỹ đạo trái đất năm 1957 trở thành một ẩn dụ trong tiêu đề của Murakami: con người cô đơn xoay quanh một quỹ đạo vô hình, có thể đó cũng là hình ảnh tượng trưng chung cho những nhân vật của Murakami.
- Vậy còn khía cạnh sống - chết trong tác phẩm, như Kizuki và Naoko phải chọn cái chết để tìm lối thoát thì sao?
Haruki Murakami sinh năm 1949 tại Kyoto. Thành công lớn của tiểu thuyết Rừng Nauy (1987) đã khiến ông trở thành một thần tượng văn hóa đại chúng và là nhà văn quan trọng nhất, được đọc nhiều nhất của Nhật Bản sau Kenzaburo Oe. Sách của ông đã được dịch ra 16 thứ tiếng. |
- Trong tác phẩm có nhiều cái chết nhưng nó không tạo nên một không khí bi thương chán nản mà nó dường như làm nổi bật khát vọng yêu đương và sống còn, tựa như phải có nhiều bóng tối thì mới thắp sáng được hoa đăng.
- Ông nghĩ sao về ý kiến Murakami là một tác giả xa rời nền văn học truyền thống Nhật Bản?
- Rõ ràng là Murakami không đi theo con đường của các bậc tiền bối lừng danh. Ông không theo đuổi cái đẹp bi cảm như Kawabata, cái đẹp quý phái như Tanizaki hay cái đẹp bạo liệt như Mishima mà ông tạo dựng một cái đẹp mới: cái đẹp của đời sống thường ngày và tự nhiên.
Tuy là nói vậy nhưng người đọc vẫn cảm thấy nhiều trang viết của Murakami cũng phảng phất một nỗi buồn bi cảm mà người ta vẫn thường bắt gặp trong truyện Genji của thế kỷ 11 hay trong tác phẩm của Kawabata. Murakami không thích ngôn ngữ quá mơ hồ của các nhà văn tiền bối. Ông thiên về một ngôn ngữ sống động, tự nhiên và khá là sáng sủa.
Linh Thoại thực hiện
(Nguồn: Tuổi Trẻ)
Bài liên quan:
"Rừng Nauy"- sex thuần tuý hay nghệ thuật đích thực?
Sex trong "Rừng Nauy" không chỉ có vậy