Nhạc sĩ Đỗ Quang. |
Đỗ Quang tên thật là Đỗ Quang Trùng Dương, sinh ngày 15/12/1971, ngụ tại Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM. Anh sống cùng một người em và một người bạn, nhưng đêm qua, chỉ một mình anh ở nhà. Hàng xóm kể lại, đêm qua, anh đã nhậu say mèm cho tới khuya mới về. Trên đường về, gặp ai anh cũng chào hỏi, thậm chí còn vái lạy mẹ nuôi của mình. Giờ giấc sinh hoạt khá thất thường nên anh cũng ít giao tiếp với hàng xóm, và mọi người không biết mấy về anh.
Đỗ Quang là một nhạc sĩ nhanh chóng bắt kịp với dòng nhạc thị trường. Chính anh đã tạo nên một boyband theo đúng nghĩa nhất từ trước tới nay: 1088. Với sự dìu dắt của anh, ban nhạc đã tạo nên một làn sóng hâm mộ, nhiều fan buồn bã khi ban nhạc tan rã. Nhờ cái bóng của 1088, các thành viên của nhóm khi hát solo đã đạt được thành công tương đối về mặt thị trường như Ưng Hoàng Phúc, Nhật Tinh Anh.
Đỗ Quang coi việc anh song hành trên con đường danh tiếng cùng 1088 là cuộc hành trình phiêu lưu. Chặng đường ấy, theo lời kể của anh, gặp rất nhiều gian khó. Khi 1088 toả sáng cũng là lúc anh gục ngã trên giường bệnh. Và đến khi ban nhạc tan rã với nhiều scandal về tài chính, anh đã nỗ lực vượt qua. Nhờ có gia đình và bạn bè, anh tiếp tục chọn Triệu Hoàng cho cuộc phiêu lưu mới. Rõ ràng, Đỗ Quang không dễ bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cái chết của anh ít nhiều liên quan đến vụ kiện của học trò Tuyết Sơn. Theo bản tường trình của gia đình cậu ca sĩ thì Đỗ Quang đã nhận từ gia đình Tuyết Sơn 25.000 USD để lo cho Sơn học nhạc trong 4 tháng. Sau đó, ông bầu yêu cầu đưa thêm 5.000 USD để thực hiện tiếp một VCD gồm 5 bài hát riêng cho Tuyết Sơn. Nhưng nhận tiền xong, anh không thực hiện như đã hứa. Ngoài việc tố cáo bị quỵt tiền, gia đình Tuyết Sơn còn bức xúc về việc người nhà của mình bị Đỗ Quang bắt ép khoả thân trước mặt khi biểu diễn. Đỗ Quang càng chịu thêm sức ép khi cô vợ ở Mỹ tuyên bố chia tay với anh.
Trước những lời buộc tội gay gắt từ gia đình học trò, Đỗ Quang cho biết anh sẵn sàng trả lại tiền cho Tuyết Sơn sau khi đã khấu trừ các khoản lo cho Sơn sau hơn một năm dạy hát. Trước đây, đã có lần anh giãi bày nỗi buồn về công việc bầu show. Anh nói: "Các bạn trẻ khi gia nhập thì ai cũng hứa hết mình vì âm nhạc, hết mình về sự tồn tại của nhóm. Nhưng khi đã tạo được tên tuổi rồi thì mạnh người nào người ấy ra đi, lúc đó phần thiệt thòi sẽ thuộc về người đã bỏ công đào tạo. Việt Nam cũng chưa có một luật nào ràng buộc giữa người quản lý và học trò".
Trên trang web của Đỗ Quang, anh viết với cậu học trò Tuyết Sơn: "Đã nhiều tháng nay thày trò chúng ta không gặp nhau. Trong tâm trí mình, thày vẫn xem con là một học trò giỏi và ngoan. Đã rất nhiều bài báo đăng những lời xúc phạm đến danh dự của thày nhưng hôm nay và mãi mãi thày vẫn không tin rằng đó là những lời nói của con. Dẫu sao chúng ta cũng đã làm việc với nhau 12 tháng, ít nhiều thày cũng hiểu được tình cảm của con đối với thày như thế nào.
Việc thày dạy cho con chỉ có 2 bài hát trong vòng 12 tháng qua cũng chỉ là yêu cầu của gia đình con, mẹ Tuyết Anh mà thôi. Mẹ muốn con thành công trong liveshow của Trí Hải để ba của con và những nhà tài trợ chấp nhận cho con đi theo con đường nghệ thuật. Thày rất hãnh diện khi con đã hát 2 bài hát Mưa Sài Gòn và 12 con mắt thực sự thành công và vượt quá sức tưởng tượng của thày.
Người ta thích quan tâm đến những điều cá nhân và nhất là những tình cảm bệnh hoạn. Điều này đã làm cho con mất đi bản chất của một con người và biến những người làm văn hóa như thày và con trở thành những trò chơi để họ có thể buôn bán và sỉ nhục.
Cũng như thày nếu như thày không cố gắng bẻ thẳng đầu và lưng của con thì làm sao con có thể đứng thẳng trên sân khấu như ngày hôm nay. Và khi kiểm tra cột hơi của con thì thày chỉ còn cách nhấn tay vào bụng mới biết được con có giữ gìn cột hơi tốt hay không trong khi xử lý một bài hát".
V.H.