Đầu tháng chín, Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu sáu tác phẩm mới của nhà văn Vũ Hùng gồm: Con voi xa đàn, Bầy voi đen, Người quản tượng và con voi chiến sĩ, Những kẻ lưu lạc, Con cu li của tôi, Vườn chim. Loạt sách này còn là điểm nhấn được nhà xuất bản giới thiệu tại Hội chợ sách Quốc tế Việt Nam lần thứ năm (diễn ra tại Công viên Thống Nhất - Hà Nội ngày 10-14/9).
Mỗi cuốn sách không quá dày, kích thước chỉ 12x19 cm, nhưng chứa đựng thế giới kỳ thú về thiên nhiên, muôn loài. Qua ngòi bút của Vũ Hùng, núi rừng Trường Sơn hiện lên hùng vĩ, đầy hào khí và nên thơ. Giữa rừng già, thế giới động vật diễn ra đầy dữ dội, nguy hiểm, nhưng đồng thời, loài vật cũng thể hiện bản tính chan hòa, gắn bó với con người. Những câu chuyện về người và vật được Vũ Hùng viết từ ký ức chân thật của ông sau những năm tháng lăn lộn khắp nơi trong cuộc đời binh nghiệp.
Qua chuyện kể các loài vật trong sách, Vũ Hùng mang những đến bài học bổ ích, sâu sắc về cuộc sống. Đó là: cuộc đời nhiều thăng trầm của "cô voi" làm xiếc tên Bê trong truyện Con voi xa đàn, cô chó Nhật Kratiê bị lưu lạc trong Những kẻ lưu lạc, hay câu chuyện xúc động về tình cảm của một người chiến sĩ dành cho con cu li - người bạn rừng đã theo chân anh đi khắp nẻo trong Con culi của tôi.
Con vạc kiếm ăn vào lúc nào? Bồ nông thường sống ở đâu? Tại sao lại gọi là lũ chim đen? Loài nhỏ nhất trong họ nhà cò là con gì? Rất nhiều kiến thức và những bí ẩn về các loài cò, bồ nông, quắm, vạc… của vườn chim Minh Hải được Vũ Hùng gửi trọn vào trang viết.
"Gần như cả đời văn, nhà văn Vũ Hùng viết về thú vật, từ ông voi bồ tượng cho tới con ong cái kiến mỏng manh. Đọc các trang viết về loài vật của ông lại được ghi nhớ những câu chuyện rất người", nhà văn Trần Quốc Toàn nhận xét.
Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn chia sẻ: "Đọc Vũ Hùng, tôi hiểu thêm một câu nói của nhà văn Pháp J. de La Bruyere (1645- 1696): Có những chỗ làm cho người ta thích nhìn ngắm, có những chỗ làm cho người ta rung cảm, có những chỗ làm cho người ta ham sống. Đó mới là bộ mặt đầy đủ của thiên nhiên".
Trước đó vào tháng 2, sáu tác phẩm đầu tiên trong loạt sách kể chuyện muông thú của Vũ Hùng được Kim Đồng phát hành lần đầu tiên gồm: Sống giữa bầy voi, Mùa săn trên núi, Sao Sao, Chú ngựa đồng cỏ, Mái nhà xưa, Giữ lấy bầu mật. Bộ sách này mau chóng thu hút độc giả vì văn phong hấp dẫn, sống động và giàu cảm xúc.
Nhà văn Vũ Hùng sinh năm 1931 tại làng Láng, Cầu Giấy, Hà Nội. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông là học sinh trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An). Ông nhập ngũ năm 1950 khi đang học năm thứ hai chuyên khoa Toán (tương đương lớp 11 chuyên Toán bây giờ). Sau khi tốt nghiệp khoa Thông tin trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, ông công tác 30 năm trong quân đội, lần lượt nắm giữ các cương vị: đài trưởng vô tuyến điện, kỹ sư trạm trưởng một trạm nguồn điện của Binh chủng Thông tin, phóng viên khoa học kỹ thuật của báo Quân đội nhân dân. Ông từng là biên tập viên Nhà xuất bản ngoại văn Hà Nội và Nhà xuất bản Văn Học.
Từ 1989, Vũ Hùng định cư tại Pháp và về sống tại Việt Nam từ tháng 5/2014.
Vũ Hùng đã viết hơn 40 đầu sách cho thiếu nhi, trong đó nhiều cuốn được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc. Ông đã hai lần được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho tác phẩm Sao Sao (1982) và Sống giữa bầy voi (1988)
Ông cũng là dịch giả của nhiều tập truyện dành cho thiếu niên.
Thất Sơn