Nhà văn Trần Kim Trắc. |
- Trong nhiều truyện ngắn của ông, tình yêu luyến ái giữa nam và nữ luôn là chủ đề chính. Ông lại thường được mời nói chuyện tình yêu tại các câu lạc bộ hôn nhân - gia đình. Phải chăng ông quan niệm một trong những chức năng của văn chương là để giáo dục giới tính?
- Đối với những bạn trẻ mới vào đời, cuộc sống xã hội là một cái mạng nhện, trong đó có chuyện quan hệ nam nữ. Tôi quan niệm văn chương, một mặt nào đó phải giúp họ gỡ rối tơ lòng, hướng họ đến lối sống và tình yêu lành mạnh. Báo chí gần đây kêu ầm lên về chuyện tệ nạn xã hội, trẻ vị thành niên phá thai ngày càng tăng, sao nhà văn có thể đứng ngoài cuộc. Có những vấn đề mà xã hội lên tiếng không được hay không tiện thì văn chương lại có thể chạm đến, vì văn học theo tôi là sự giáo dục gián tiếp.
- Ông nghĩ gì khi nhiều bạn đọc cho rằng trong những trang viết của nhà văn trẻ hiện nay sự thể hiện tình yêu vẫn chưa "chín", chưa đạt và còn nhiều yếu tố "giả"?
- Miêu tả một nụ hôn, cái ôm hay câu trao đổi giữa hai kẻ yêu nhau trong văn chương không phải dễ. Dù bản chất tình yêu muôn đời vẫn vậy nhưng mỗi thời mỗi khác, mỗi đối tượng lại khác. Tôi nghĩ "yêu đi rồi hãy viết" chứ chưa yêu thật sự bao giờ mà viết thì không tránh khỏi gượng gạo.
- Mấy chục năm nay, truyện của ông luôn đi theo một vài mô típ quen thuộc, với văn phong Nam Bộ. Ông có sợ sự lặp lại như thế làm độc giả chán?
- Văn chương là muôn giọng điệu, tôi chọn cho mình dòng văn học bình dân và về thân phận, tình yêu của những người bình dân. Thế giới quan của người dân Nam Bộ là hiền hòa, dễ thương, trọng nghĩa khinh tài... Đời sống của người đồng bằng cũng hết sức phong phú, lắm tình lắm cảnh, tôi không dám nhận mình đã viết đúng viết đủ chứ đừng nói chi là khai thác hết kho tư liệu sống ấy.
Nếu sợ người khác chán mà không dám đi hết, đi đúng sở trường của mình thì anh nhà văn ấy thiếu bản lĩnh, cũng giống như để mình tự dính chân vào mạng nhện do mình giăng ra rồi thấy bế tắc và không viết được.
- Ông tìm nguồn đề tài và cảm hứng sáng tác như thế nào?
- Thời trẻ, khi còn sức khỏe tôi đi nhiều, có điều kiện tiếp xúc nhiều, đề tài để viết không hạn chế, nhưng nhiều khi vì vô tình mình vẫn không viết ra hết những gì thật sự trải nghiệm. Bây giờ già rồi, quanh quẩn chỉ mấy mét vuông trong nhà và cái tiệm bán mật ong, sữa ong chúa, lại thấy đề tài để viết nằm ngay trước thềm nhà chứ đâu xa xôi. Có những buổi tối tôi bắt đèn ngồi ngoài thềm trò chuyện với mấy cô gái làm nghề bán phấn buôn hương, có cô bị công an đuổi còn chạy vào nhà tôi trốn, rồi mấy đứa ăn cắp vặt, một vụ đụng xe, một đám cãi nhau..., những cái tưởng như vụn vặt nhưng nếu biết nắm bắt, nhà văn có ngay chuyện để kể. Tôi viết "Một khúc cầm chơi", câu chuyện về những cô "Kiều" thời nay cũng từ những việc mắt thấy tai nghe như thế.
- Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, ông nghiệm ra nghề viết văn rốt cuộc quý giá nhất ở điều gì?
- Tôi chỉ nghĩ đơn giản, văn học có hai mục đích, viết làm cho người ta vui và viết làm cho người ta cảm động. Bản lĩnh của nhà văn là bằng cách chấp bút của mình giúp người ta thấy được văn học rất thiết thực với cuộc sống, giúp con người hiểu và yêu nhau hơn.
- Để trụ lại với nghề văn, theo ông người viết trẻ hiện nay cần phải làm gì?
- Có đi thì mới nhớ, có sống rồi mới cảm. Nhà văn sống bằng sự quan sát, bằng ký ức và viết bằng cái đầu. Nghề viết cũng không cần nhiều mánh khoé kỹ thuật, cảm xúc thật mới quan trọng. Đã viết văn thì không nên nô lệ vào bất cứ hệ ý thức hay tư tưởng nào, và thậm chí đừng nô lệ ngay chính bản thân mình.
Nhà văn Trần Kim Trắc sinh năm 1929 tại Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo, Tiền Giang. Những tác phẩm chính: Truyện ngắn Cái lu (giải thưởng Văn học 1945-1954 của Hội Nhà văn Việt Nam), Truyện Tiểu đoàn 307 (1982), Ông Thiềm Thừ (tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1995), Hoàng đế ướt long bào (1996), Chuyện nàng Mimô (1997), Trăng đẹp mình trăng (1998), Truyện ngắn Trần Kim Trắc (2000), Áo dài ảo (2001), Kẻ ma làm (2002), Văn hóa đám giỗ (tạp văn 2002)...
A.V. thực hiện