Tiểu thuyết của Linh Lê ra mắt độc giả đầu tháng 1, viết về cuộc đời những cô gái giỏi cầm, kỳ, thi, họa, sống trong thân phận của những kỹ nữ cấp cao. Họ khát khao yêu, sống đúng nghĩa, nhưng bị cuốn vào vòng xoáy của đồng tiền và danh lợi.
Với văn phong "gọn", "sắc lẹm", cũng vừa "trữ tình, ngọt ngào" (như lời bình của nhạc sĩ Quốc Bảo), Đào tạo ra một không gian đậm tính nghệ thuật, giàu tính giải trí.
- Ý tưởng cho cuốn sách nảy sinh thế nào?
- Đào được nảy sinh từ những chất liệu của hiện thực. Trong vài lần tình cờ, tôi có duyên gặp những "Lâm, Cát, My, Na" và nghe họ hát trong một bối cảnh gần sát với bối cảnh của sách. Họ hát nhiều thể loại, trừ ca trù. Tôi thì quá mê ca trù.
Trong quá trình viết, tôi tìm hiểu và tiếp xúc với vài phụ nữ được gọi là đồng đẳng viên (người tuyên truyền góp phần giảm lây nhiễm HIV). Cái duyên này đưa tôi đến với những khám phá nhiều xót xa và cũng không kém phần thú vị đối với "gái ngành". Những khám phá được nhắc đến trong cuốn sách. Những cánh hoa Đào đầu tiên được thành hình như thế.
Tôi thường nhận được câu hỏi tại sao lại viết về người đẹp, đại gia, sex, LGBT, ngoại tình...? Khán giả có quyền sốc, có quyền nghĩ tôi muốn gây sốc. Sự liên tưởng này là cần thiết khi tiếp nhận tác giả và tác phẩm, dù là theo chiều hướng nào.
- Vì sao tác phẩm được đặt tên là "Đào"?
- Cuốn sách ban đầu được đặt tên khác. Tuy nhiên, vì vài yếu tố chủ quan lẫn khách quan, tôi phải thay đổi. Càng về sau, tôi càng nhận ra Đào thực sự là cái tên dành cho cuốn sách. Tác phẩm có ả đào, ca kỹ, gái ngành... và tên Đào có sức gợi.
- Điều khó khăn nhất trong quá trình viết tác phẩm này là gì?
- Năm 2016, khi sắp viết xong Đào sau gần hai năm trăn trở, tôi làm mất máy tính tại sân bay Frankfurt (Đức) trong chuyến du lịch một mình để tìm cái kết cho Đào. Bản thảo chưa kịp được lưu vào bất cứ nơi nào khác. Tôi mất thêm một thời gian để đấu tranh với việc có nên bắt đầu lại hay không. Cuối cùng, Đào trở về, thậm chí tôi cho rằng sự trở về này có nhiều phần rực rỡ hơn bản thảo mất trước đó. Vì thời gian viết lại cũng là thời gian cuộc sống của tôi tiếp nhận thêm nhiều dữ kiện thú vị và phong phú hơn bao giờ hết, từ đời sống thực đến văn chương.
- Các nhân vật chính như Cát, My, Na... đều hướng tới cái đẹp. Điều gì khiến chị xây dựng họ như vâỵ?
- Cát, My, Na... vốn dĩ là cái đẹp, và họ cũng tạo ra cái đẹp với những khán giả của họ. Nhưng, tôi không chắc, liệu bản thân họ có nhận ra mình đẹp hay nhận ra điều gì đẹp để tôn sùng hay không?
- Chị muốn thể hiện điều gì khi lựa chọn kết thúc bi kịch cho nhân vật?
- Nhiều người nghĩ cái chết là bi kịch, tôi cho rằng nó xuất phát từ tâm lý sợ chết nói chung. Cái chết về thể xác chưa bao giờ bi kịch hơn cái chết bên trong một con người.
Nhân vật của tôi chưa bao giờ được sống cho chính mình, không biết cuộc sống của mình nghĩa là gì, mình là ai, mình có ý nghĩa gì cho đến khi họ buộc phải lựa chọn. Sự lựa chọn đó như một cái kết không thể khác với bản thân họ nhưng lại là bi kịch với nhiều người đọc.
- Nhạc sĩ Quốc Bảo từng viết đại ý: Linh Lê viết văn bằng chính nỗi bất an của mình. Chị nghĩ sao?
- Nói chính xác, tôi dùng sự bất an để viết nên các tác phẩm. Nếu an toàn và thỏa mãn, tôi không biết sẽ làm được gì? Tôi luôn bất an và tôi viết. Điều đó làm cho tác phẩm của tôi trở nên khao khát tình yêu và cuộc sống hơn bao giờ hết, dù nó được thể hiện dưới hình thức nào.
- Vì sao chị thực hiện teaser cảm hứng ca trù để quảng bá cuốn sách?
- Tôi quá mê chất điện ảnh có trong sách. Khi viết, tôi luôn hình dung cụ thể từng bối cảnh, để có thể miêu tả lại chính xác nhất diễn biến của sự vật xung quanh cũng như tâm lý nhân vật. Nhiều người cũng có nhận xét này sau khi đọc xong các tác phẩm khác của tôi là Mùa mưa ở Singapore hay Người tình Sài Gòn. Với Đào, tất cả bối cảnh được hình dung trở nên lặng, tĩnh, nhuốm màu u hoài của nỗi buồn, văng vẳng giai điệu não nề của những làn điệu ca trù... Tất cả khiến tôi thèm cảm giác được nhìn thấy những hình ảnh đó như một đoạn phim lướt qua trước mắt.
Thêm một lý do nhỏ khác là tôi cũng muốn làm một thứ gì đó mới mẻ với văn chương của mình, nhiều khi cũng chỉ như một cuộc dạo chơi để gọi gió cho tâm hồn.
- Chị kỳ vọng gì ở tiểu thuyết đánh dấu sự trở lại sau 5 năm?
- Với tác phẩm, tôi chỉ luôn cố gắng và tìm cách để làm tốt nhất. Còn lại là sự đón nhận của khán giả. Sự đón nhận này không ảnh hưởng lắm đến tư duy, thẩm mĩ và tình yêu văn chương của tôi. Vì vậy, tôi không kỳ vọng nhiều.
- Kế hoạch của chị với văn chương thế nào?
- Tất nhiên, tôi sẽ vẫn viết. Khi kết thúc Đào, tôi vẫn còn cảm giác thòm thèm, luyến tiếc. Hiện tại, có một số nhân vật trong Đào vẫn ám ảnh tôi. Tôi đang nghĩ đến việc sẽ tiếp tục khám phá sâu hơn những nhân vật ấy như một sự nối tiếp của Đào, biết đâu?
- Theo chị, điều quan trọng với một người viết là gì?
- Với tôi, nó là cơ duyên. Tôi viết Đào lần đầu, rồi sau rất nhiều nấn ná xao lãng, sách quay lại với tôi như một cơ duyên. Nếu không có duyên với tác phẩm, mọi thứ sẽ trở nên khiên cưỡng.
Cát Na