Huỳnh Nhật Hoa (vai Quách Tĩnh) và Ông Mỹ Linh (vai Hoàng Dung) trong phim Anh hùng xạ điêu (năm 1983). |
- Nhiều người nói các nhân vật chính trong mỗi cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp của ông "đều mang hình bóng của Kim Dung", rõ nét nhất là Quách Tĩnh trong "Anh hùng xạ điêu". Ông nghĩ sao về nhận xét này?
- Kỳ thực đã là tác giả thì ai cũng vậy thôi, đều có những lúc soi xét chính mình, đều để lại dấu vết trong từng đứa con tinh thần của mình. Quách Tĩnh là sự thể hiện nhân cách lý tưởng trong tâm khảm của tôi. Nhân vật "mang hình bóng Kim Dung" vì phần nào phản ánh tính cách của tôi: phản ứng chậm chạp, song có nghị lực, không lùi bước trước khó khăn, thích gian khổ tập luyện, không cầu mong thành đạt.
- Người ta cho rằng, trong "Anh hùng xạ điêu", "Ỷ thiên đồ long ký", "Lộc đỉnh ký"..., ông đã đời sống hoá tiểu thuyết kiếm hiệp, làm cho nó gần gũi với hiện thực và cuộc sống con người?
- Không hẳn thế. Những tình tiết võ công trong tiểu thuyết kiếm hiệp của tôi khá là thần kỳ mà thực tế cuộc sống làm gì có vậy. Thế nhưng, cuộc đời, tình cảm và mối quan hệ của các nhân vật trong tiểu thuyết thì nhất định phải gần gũi với đời thường, để độc giả có cảm nhận đó là những tình tiết chân thực, đáng tin. Và chỉ có vậy, tiểu thuyết kiếm hiệp mới tồn tại được.
- Công việc biên kịch đã ảnh hưởng thế nào đến sáng tác tiểu thuyết của ông?
- Thực tế là tôi đã vận dụng khá nhiều thủ pháp điện ảnh trong tiểu thuyết. Cụ thể, trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu, sự hồi tưởng của Mai Siêu Phong chính là mô típ thường dùng của điện ảnh. Chẳng thế mà có nhà bình luận đã nhận định: "Câu chuyện về Hồ Nhất Đao và Miêu Nhân Phong trong Tuyết sơn phi hồ của Kim Dung chịu ảnh hưởng của điện ảnh Nhật Bản".
- Ông nhìn nhận thế nào về văn hoá truyền thống Trung Quốc?
- Tôi cho rằng văn hoá truyền thống Trung Hoa có nhiều mặt rất hay. Như lịch sử chẳng hạn, luôn chú trọng thực tế, ghi chép thực tế. Bút pháp chép sử thời Xuân Thu (770-476 trước Công nguyên) tuyệt vời chính ở chỗ ghi chép lịch sử luôn đúng với thực tế. Ví như, Thôi Trữ nước Tề giết Trang Công, quan chép sử ghi "Thôi Trữ giết vua của mình", quan chép sử lập tức bị Thôi Trữ giết. Em trai của vị quan này lên thay vẫn viết như vậy, lại bị giết. Đến người em thứ ba lên thay vẫn viết "thần Thôi Trữ giết vua Trang Công". Tuy nhiên, văn hóa Trung Quốc cũng có những mặt chưa hay. Trong các giai đoạn thời Đông Hán (năm 25-220), Tống Triều (năm 960-1279) và Minh mạt (cuối thời nhà Minh, nửa đầu những năm 40 của thế kỷ 16) đều xảy ra các phong trào học sinh. Nếu xét về mặt chính trị thì đây là sự bất ổn. Còn xét về văn hoá thì chính là những vết đen. Quan điểm của tôi là phát huy tính hiện đại trong văn hoá truyền thống Trung Quốc và "quân tử hòa nhi bất đồng" (vua tôi hoà thuận nhưng không được đồng nhất), nhấn mạnh duy trì độc lập tư duy và độc lập tìm hiểu.
- Thế còn văn học mới Trung Quốc, ông thích tác giả nào nhất?
- Trong các tác giả và tác phẩm thuộc dòng văn học mới, tôi thích Thẩm Tòng Văn. Tiểu thuyết của Thẩm Tòng Văn ngôn từ hay mà ý cũng rất hay. Rồi các tác phẩm của Lỗ Tấn, Mao Thuẫn, tôi đều từng đọc.
(Theo Thể Thao & Văn Hoá)