Anh Thái Ngọc Bình - một trong ba nghệ nhân thành lập Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt - cho biết, sau một tháng mở cửa (từ ngày 11/4), dự án lỗ nặng.
Nhà trưng bày đặt ở Nhà hát Hòa Bình, do ba tác giả điêu khắc Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Thị Diện, Thái Ngọc Bình sáng lập với hơn 100 tác phẩm. Dự án có kinh phí 35 tỷ đồng, do họ tự bỏ tiền.
Để vận hành Nhà trưng bày, tháng qua nhóm tác giả chi khoảng 300 triệu đồng, gồm tiền thuê mặt bằng, điện lạnh, sửa chữa và bảo trì tượng. Nhóm thợ còn thường xuyên trang điểm, làm tóc... cho tượng. Khi có gia đình nghệ sĩ phản ánh tác phẩm nào chưa làm đúng nguyên mẫu, họ phải mất thêm chi phí chỉnh sửa.
* NSND Hồng Vân tâm sự bên tượng sáp của mình
Thời gian qua, Nhà trưng bày đón tiếp khoảng 100 khán giả mỗi ngày. Tuy nhiên, với mức giá vé 100 nghìn đồng cho một người lớn, hoạt động bán vé chưa đủ bù đắp chi phí dự án. Theo anh Bình, nhiều lúc nhà tổ chức phải giảm giá, khuyến mãi cho các khán giả yêu nghệ thuật. Do đó, tháng qua, tiền bán vé - nguồn thu duy nhất của dự án - chỉ được khoảng 150 triệu đồng.
Nhóm nghệ nhân tâm sự họ không nghĩ đến việc huy động nguồn tài trợ vì muốn tự lực thực hiện theo kiểu: tiền nhiều thì làm nhiều và nhanh, kinh phí ít thì làm chậm, từ tốn hơn. Biết tình hình khó khăn hiện nay của nhà trưng bày, nhiều nghệ sĩ động viên nhóm tác giả cố gắng duy trì dự án văn hóa.
* Nghệ sĩ Mạc Can trêu đùa bên tượng sáp của ông
Sau một tháng mở cửa, những người thực hiện nhận ra nhiều thiếu sót ở dự án.
Nhóm bị phản hồi về việc làm tượng sáp chưa giống nguyên mẫu, như tượng nghệ sĩ Thúy Nga, NSND Hồng Vân, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... Theo anh Bình, sau khi nghe góp ý, tất cả tượng nghệ sĩ đã được chỉnh sửa và cho trưng bày trở lại. Hiện chỉ có tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn tạm cất đi vì các nghệ nhân chưa gặp được người thân cố nhạc sĩ để bàn bạc kỹ lưỡng.
"Khán giả đánh giá một số tượng chưa giống nguyên mẫu có thể do họ xem qua hình ảnh chứ không đến ngắm trực tiếp. Khán giả đến, thấy tượng khác với người thật chỗ nào cứ góp ý, chúng tôi sẽ sửa", nghệ nhân khẳng định.
Không gian nơi đây còn được lên kế hoạch dành cho các buổi giao lưu văn hóa, gặp gỡ nghệ sĩ, tọa đàm về sân khấu - điện ảnh, trình diễn nhạc cụ dân tộc, hát bội... Nhưng đến nay, ý tưởng chưa triển khai được vì thiếu kinh phí. Dự kiến, đầu tháng sáu, các chuyên đề được đưa vào hoạt động nhằm thu hút khách tham quan. Từ nay đến cuối năm, địa điểm này bổ sung khoảng 15 tượng nghệ sĩ mới.
Các nghệ nhân chia sẻ thời gian tới, họ vẫn phải tiếp tục bù lỗ để dự án hoàn thành như mong đợi. "Chúng tôi hy vọng, một lúc nào đó, khán giả xem nhà trưng bày là nơi để chiêm ngưỡng chân dung nghệ sĩ họ yêu thích và trải nghiệm một không gian giao lưu nghệ thuật", anh Bình tâm sự.
Khán giả Trần Định, nhà ở quận Phú Nhuận, cho biết anh đã đến Nhà trưng bày tham quan hai lần vì tò mò. Anh Định ấn tượng với không gian được tạo cảnh làng quê có nhiều mô hình mái tranh, cây xoài, chôm chôm. "Tuy nhiên, nhiều khu vực bài trí tượng chưa hợp lý về vai vế, độ tuổi nhân vật. Như tượng ca sĩ Nguyên Vũ đặt đối diện nghệ sĩ Bạch Long, diễn viên Trấn Thành cùng khu với nghệ sĩ Hồng Vân, Hữu Châu...", khán giả nhận xét.
Nghệ sĩ - đạo diễn Quốc Thảo cho rằng giá vé 100 nghìn đồng là chấp nhận được với khán giả thông thường, nhưng cao so với người thu nhập thấp. Từng tham quan bảo tàng tượng sáp các danh nhân, nghệ sĩ ở Pháp, Mỹ (Chicago, New York)..., anh cho biết vé mỗi nơi tùy vào không gian trưng bày, chất lượng tượng. Các tác phẩm được triển lãm theo chủ đề như lịch sử, điện ảnh, âm nhạc, chứ không ôm đồm nhiều lĩnh vực.
"Trên thế giới, việc chọn nhân vật để tạc tượng rất khắt khe. Nhân vật cần có cống hiến gì trong lĩnh vực của họ, đem lại gì cho nghệ thuật nước nhà, chứ không phải đơn giản là thích ai thì tạc chân dung đó", Quốc Thảo chia sẻ.
* Tượng danh hài Phú Quý, Bảo Chung trong tạo cảnh làng quê Nam bộ
Tam Kỳ