Sách có 80 bài, được chia làm tám phần, giúp người đọc liên tưởng từng giai đoạn trong "giấc mơ bay" của tác giả: khởi động trên Đường nắng, lấn bấn bởi Ngược sáng, vút cao Cất cánh để phiêu diêu Cháy giữa không trung, trải lòng với những Khúc ru, Khúc vọng, bâng khuâng Gọi giữa thinh không và cuối cùng là Nhặt - nhặt lấy những chiêm nghiệm cuộc đời qua từng câu thơ ngắn.
Trần Quang Đạo có lối thơ tự do, không ràng buộc vần điệu, đồng thời giàu hình ảnh, suy tưởng. Tác giả sinh năm 1957, vào "một ngày tháng Giêng/năm Gà lép trứng" như anh tự trào. Tuổi thơ anh cũng như của bao người "trong gió nắng quê nhà ngằn ngặt miền Trung", từng phải "bú cơn sữa đói dong riềng" nên thấu hiểu và thương quê nghèo, thương cha mẹ từng "đứt hơi chạy bữa" trong những "tháng ba dài như cơn gió lạnh châm".
Trần Quang Đạo "bay trong mơ" nhưng khát vọng của thi sĩ không nhẹ nhàng, không chỉ có màu hồng. Để "độc hành mình ngược sáng/gặp minh triết trong tâm", thi sĩ cần chấp nhận hiện thực, đơn giản đấy nhưng không thể nào khác: "Đâu có một dòng sông khác/cá lớn không nuốt cá bé/đâu có một bầu trời khác/không có vòm".
Bay, nhưng đôi cánh anh trĩu nặng bởi hành trang mang theo, là nỗi thấu hiểu "đất nước tôi chưa bao giờ vơi nỗi đau/từ thuở hồng hoang nhược tiểu/cất cánh gặp bầu trời thấp/bị bóng đè". Bay, giấc mơ từ làng quê nghèo khó, của "biển ăn đong", của những "dòng sông già đi","cá chết hết vì kích điện", day dứt với những vấn đề xã hội nhức nhối: "trẻ con bây giờ học theo người lớn/đã làm nhiều điều ác"... Bay, nỗi đau của người mang sứ mệnh nhà thơ khi phải "gọt cánh" để "bay theo đàn", để băn khoăn và tự hỏi: "sao tôi bay mà chẳng theo đàn/dù đội hình vẫn thẳng"?
Trong những giấc mơ, anh bay về lại cánh đồng quê hương, nơi có nhiều chân trời, "thấy có nhiều thằng Đạo cười trong sóng gợn" với vé tàu lá mít "chở mơ ước tuổi thơ" đầy bâng khuâng và cả xốn xang.
Trong phần Khúc vọng, nhà thơ thể hiện hình ảnh của những loài có cánh, từ những chú thiên nga bên hồ, đến những con chim sẻ bên nhà, những chú chim tu hú, con cà cưỡng được bình yên bay lên bằng chính đôi cánh của mình. Nhưng, cũng có những con cò tội nghiệp bị bẫy bởi những con cò mồi được dán keo, bởi sự độc ác của con người trên chính cánh đồng quê hương.
Nhà thơ còn "cháy" khi viết về tình yêu, tình vợ chồng: "Rồi em gọi-Đạo ơi- bất ngờ/Anh run rẩy như chàng trai mới lớn/Cuộc đời trôi nhanh theo năm tháng/Em làm anh đúp lại tuổi đôi mươi..." (trích Gọi tên).
Thơ Trần Quang Đạo thể hiện sự lạc quan. Ít ai biết tác giả của Bay trong mơ đang chống chọi với một căn bệnh hiểm nghèo. Bởi được viết, với anh đã là niềm hạnh phúc lớn lao, là động lực để chiến thắng bệnh tật.
Sách kết thúc với phần Nhặt gồm những bài ngắn, chỉ hai, ba câu, như những ngụ ngôn tác giả, một người vào tuổi "lục thập nhi nhĩ thuận" chiêm nghiệm, chắt lọc từ đời mình: "Vùng vẫy trong nước thì chìm/Nằm im lại nổi", hay: "Nghe được đôi chim ríu rít/Thế mà nghe lòng người nhiều khi cần phiên dịch"...
Trần Quang Đạo là nguyên tổng biên tập báo Nhi Đồng và có trên 15 năm phục vụ trong quân đội. Tập thơ Bay trong mơ do chính anh trình bày, vẽ bìa và minh họa. Ngoài ra, sách có chín bức tranh anh vẽ bằng chất liệu acrylic để minh họa các tác phẩm. Các tác phẩm từng xuất bản của anh gồm: Mối tình chưa hôn lễ, (tiểu thuyết, 1990), Luân khúc (thơ, 1991), Đêm ảo ảnh (tiểu thuyết, 1993), Những đứa con của trời (truyện vừa, 1997), Vòng tay cỏ (thơ, 1998), Ngọn cỏ thời yêu nhau (thơ, 2001), Khúc biến tấu xương rồng (thơ, 2004), Những giấc mơ cắt dán (thơ, 2009).
Tác giả đã đoạt các giải thưởng: giải C cuộc thi thơ 1983-1984, giải Khuyến khích thi thơ năm 1993-1994 và Tặng thưởng thơ hay năm 1995 đều của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, giải nhì cuộc thi truyện Nhà xuất bản Kim Đồng năm 1997.
Hồng Vân