- Nhiều nghệ sĩ thi truyền hình thực tế với mong muốn tăng độ hot. Mục đích của anh, một nhà thiết kế khi tham gia 'Ngôi sao thiết kế VN' khác gì so với họ?
- Có lẽ cuộc thi này không mang đến nhiều tiếng cười hay sức hút bằng các chương trình truyền hình thực tế giải trí khác, chúng tôi cũng xác định mình đến đây không phải để tìm kiếm sự nổi tiếng. Vì vậy, tâm lý của chúng tôi rất thoải mái, xem đây là sân chơi cho mình thỏa sức sáng tạo và học hỏi đồng nghiệp.
Thêm nữa, cơ hội quảng bá sản phẩm mà chương trình đưa ra cũng rất hấp dẫn. Nếu nhà đầu tư thích bộ sưu tập của chúng tôi, họ sẽ mua lại và đem vào sản xuất đại trà. Tôi cho đó là cách góp phần để thời trang Việt Nam phát triển, cả về chất và lượng.
- Sao anh không tham gia Project Runway, một cuộc thi cũng được đánh giá cao về tính chuyên nghiệp?
- Vì tôi từng tham gia một cuộc thi thiết kế dành cho những gương mặt trẻ và giành được những thành công nhất định. Project Runway tất nhiên cũng rất hoành tráng và chuyên nghiệp, nhưng format của nó hợp với những gương mặt mới đang tìm kiếm cơ hội trong nghề hơn.
- Khó khăn lớn nhất của anh khi tham gia sân chơi này?
- Chắc là vấn đề tài chính (cười). Showroom của tôi vừa khai trương cách đây không lâu, còn rất nhiều việc để làm nhưng đã phải "đóng băng" khoảng ba tháng. Thời gian dành cho cuộc thi quá dày đặc, mỗi tuần chúng tôi sẽ phải thiết kế một bộ sưu tập với ba mẫu trang phục nên chắc chắn không thể ra mắt sản phẩm mới.
- Phong cách anh mang đến cuộc thi này là gì?
- Tôi cũng đang rất "đau đầu" cho số mở màn với chủ đề "Tôi là ai". Tôi thích cái gì thật táo bạo, nhưng chương trình này lại thiên về thời trang ứng dụng. Tuy nhiên, dù là phong cách gì thì thông điệp mà tôi muốn gửi gắm là sự tối giản nhưng tinh tế từ kỹ thuật may đến chất liệu vải. Nhìn vào các bộ trang phục tôi thiết kế, bạn có thể thấy được sự tôn trọng tuyệt đối dành cho khách hàng.
- Bộ sưu tập lưỡng tính của anh mới đây nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng, trong đó không ít ý kiến chỉ trích vì cho rằng nó trái thuần phong mỹ tục. Anh giải thích sao?
- Bộ sưu tập này là đơn đặt hàng của chương trình Thời trang và đam mê, cũng trùng với ý đồ làm một cái gì đó thật khác biệt mà tôi ấp ủ và lâu nay. Tôi nghĩ thời trang, ở một góc độ nào đó là không ngừng sáng tạo và vượt qua những khuôn khổ bó hẹp của quan niệm "ăn chắc mặc bền". Tạm gác lại những vấn đề nhạy cảm, hãy chỉ xem đây là một bộ sưu tập dành cho cả hai giới, nam hay nữ đều mặc được, miễn là anh thích nó và không ngại thể hiện điều đó. Trước khi làm bộ sưu tập này, tôi biết sẽ có nhiều ý kiến bảo rằng: "Hà Nhật Tiến quái đản quá, kỳ dị quá" hay "Hà Nhật Tiến chỉ giỏi chiêu trò"... nhưng tôi nghĩ, những người thật sự yêu thời trang sẽ hiểu đam mê của mình.
Đến giờ bộ sưu tập này vẫn bị "ném đá", nhưng tôi chấp nhận để thăm dò thị trường, rút kinh nghiệm để làm bộ sau nhẹ nhàng hơn.
- Không chỉ bộ sưu tập mà chính anh cũng thường bị "dị nghị" về gu thời trang khi tham gia sự kiện. Cảm giác anh thế nào khi bị ‘soi’?
- Đừng nói đến người ngoài, mẹ tôi cũng không đồng ý con trai mình cắt tóc và mặc đồ "quái gở" như thế. Tôi thấy mình cũng đã... tiết chế lắm rồi (cười), vì mình đang ở một nước Á Đông. Tùy hoàn cảnh mình xuất hiện mà cần ăn mặc cho phù hợp. Tôi không "làm quá" hay chơi nổi, vì tôi không là người nổi tiếng. Cái khách hàng nhìn vào là chất lượng đồ của mình chứ đâu phải là ngoại hình nhà thiết kế.
Xem thêm các thiết kế lưỡng tính của Hà Nhật Tiến |
- Nghề thiết kế có vẻ đang là nghề "hái ra tiền" với nhiều người trẻ. Với anh thì sao?
- Thật ra làm nhà thiết kế rất khó giàu như thiên hạ nghĩ, nhất là với những nhà thiết kế trẻ như tôi. Lúc trước, tôi từng mơ ước mình sẽ bán được rất nhiều đồ như thầy của tôi, anh Công Trí. Nhưng thực tế hoàn toàn khiến tôi "vỡ mộng". Trước khi bán được một bộ váy 200 USD, bạn đã phải bỏ hàng chục nghìn USD để đầu tư hàng trăm thứ cho người ta biết mình là ai. Nếu không có vốn mạnh chắc chắn không thể làm thương hiệu nổi.
Tôi thì không có sẵn nhiều tiền nên đành đi từng bước một. Tham gia cuộc thi này cũng là cách để mọi người đánh giá tay nghề của mình khách quan hơn. Các người mẫu, diễn viên cũng là một kênh quảng bá tốt. Tôi thường cho họ mượn đồ để đi sự kiện, coi như là hỗ trợ chéo cho nhau.
- Chưa phải là một cái tên quá nổi tiếng, anh định giá thế nào cho sản phẩm của mình?
- Đồ của tôi có giá rất mềm, có thể nói là rẻ nhất so với mặt bằng giá đồ thiết kế ở Việt Nam. Nhiều bạn bè "xúi" tôi nâng giá để trông tạo "đẳng cấp", nhưng thời buổi kinh tế khó khăn, nhà thiết kế trẻ lại quá nhiều, đó là chưa kể phải cạnh tranh với thời trang hàng hiệu giá bình dân. Thôi thì phải biết tính toán, gói ghém để khách hàng đến với mình đông vui hơn. Nhìn khách hàng thích thú khi mua được những chiếc áo sơ mi vừa vặn mà giá chỉ năm, bảy trăm nghìn, tôi cũng mãn nguyện vì chia sẻ được phần nào với họ.
- Anh đánh giá thế nào về cơ hội phát triển của những nhà thiết kế trẻ như mình?
- Làng thời trang Việt Nam bây giờ mới chỉ có anh Công Trí và anh Đỗ Mạnh Cường là người mà ai cũng biết. Ngoài kinh nghiệm và tài năng, họ còn có điều kiện để đặt những loại vải tốt và hiếm có, thậm chí như anh Công Trí là tự sản xuất và in vải riêng cho sản phẩm của mình. Khi thị trường ngày càng cạnh tranh, những người trẻ như tôi, khó tạo nên đột phá chung quy bởi thứ "đầu tiên" - "tiền đâu".
Chúng tôi vẫn mong những sân chơi lớn như Đẹp, F Show, Elle Show... mở cửa hơn cho những người trẻ. Nếu để ý kỹ, tham gia các show thời trang chất lượng này cũng chỉ quanh đi quẩn lại ngần ấy gương mặt, mà chi phí lại quá cao. Giải pháp của tôi là những chương trình thời trang định kỳ, kinh phí khoảng 10-15 triệu cho một show diễn. Tuy nhiên, dẫu cũng có tác dụng về mặt doanh thu nhưng cái gọi là hiệu ứng thì chưa thỏa mãn được. Nếu khán giả và người trong nghề công nhận, tôi cũng sẵn sàng làm những bộ sưu tập ấn tượng như thời trang lưỡng tính... dù biết diễn xong chỉ để cất đó.
Vân An thực hiện