Theo Style, Donna Karan vừa rời ghế giám đốc thiết kế của thương hiệu mình sáng lập sau 31 năm "tại vị". Nhà tạo mẫu cho biết bà muốn có thời gian tập trung cho công ty mới chuyên về chăm sóc sức khỏe và đồ thủ công.
Trước sự ra đi bất ngờ của Donna Karan, nhiều nguồn tin đồn đoán chuyện dứt áo là do "cơm không lành, canh chẳng ngọt" với tập đoàn LVMH - người đã mua lại thương hiệu Donna Karan năm 2001. Trước đây, nhà tạo mẫu từng chia sẻ cách ông chủ đối xử với bà rất hờ hững và lạnh lùng.
Tuy nhiên, người sáng lập DKNY khẳng định đây là quyết định hoàn toàn từ phía bà. Hai bên đã bàn bạc kỹ lưỡng. Đại diện của LVMH cũng giải thích hai phía hoàn toàn không có mâu thuẫn. Từ trước tới nay, Donna Karan vẫn luôn là một trong những nhà tư vấn thân thiết cho tập đoàn.
LVMH chưa dự định tìm người "kế vị" ngay lập tức. Bộ sưu tập của thương hiệu Donna Karan vì thế sẽ gián đoạn tạm thời. Trong khi, các sản phẩm gắn nhãn DKNY sẽ do hai nhà thiết kế mới là Dao-Yi Chow và Maxwell Osborne của thương hiệu Public School phụ trách.
Donna Karan bắt đầu bén duyên với thời trang từ sau khi làm trợ lý thiết kế cho Anne Klein. Năm 1984, bà ra mắt thương hiệu riêng. Donna Karan khi ấy nổi danh với bộ sưu tập "Seven Easy Pieces" gồm những món đồ làm từ vải jersey - một chất liệu gồm len, sợi cotton và sợi tổng hợp, thích hợp cho mùa hè vì sự thoáng mát, giữ phom tốt. Các thiết kế của bà lúc đó được đánh giá cao về tính ứng dụng, có thể mặc nhiều lớp tùy ý và tôn vẻ nữ tính cho phái đẹp. Đây được xem là cuộc cách mạng cho trang phục phái nữ tại Mỹ bởi trước đó, hình ảnh của chị em nước này gắn với các loại đồ suit độn vai cứng nhắc và nam tính.
Đến 1988, Donna Karan tiếp tục giới thiệu thương hiệu DKNY với sản phẩm giá rẻ hơn. Các thiết kế mang nhãn hiệu này từng trị vì các góc phố Mỹ suốt hơn một thập kỷ. Năm 1990, Donna Karan tiếp tục gây tiếng vang khi mời được Demi Mooore và Bruce Willis chụp hình cho chiến dịch quảng bá.
Sự thành công của nhà thiết kế 66 tuổi từng khiến bà được đặt ngang hàng với Calvin Klein và Ralph Lauren. Tên tuổi của ba nhà tạo mẫu này được nhắc đến như "tam đế" quyền lực của ngành thời trang Mỹ một thời.
Thành Trương