Quách Thu Phương - một trong ba chị em gái. |
Tú (người chị cả) một lần sang sông, trao hết niềm tin và không may "đắm đò" từ khi còn rất trẻ. Dấn bước vào cuộc hôn nhân thứ hai để mưu cầu hạnh phúc mới cho chính mình và cho con gái. Nhưng chưa kịp ngã ngũ, chị đã rơi ngay vào tình cảnh chua xót. Cái hố ngăn cách giữa mẹ và con gái ngày càng xa, chị là hình ảnh của người phụ nữ với những chịu đựng câm nín đến nhu nhược. Trong một ngôi nhà nhỏ, ba chị em là ba thế giới riêng đầy phức tạp.
Nhiên, người phụ nữ thứ hai, lại loay hoay kiếm tìm một thứ hạnh phúc cao xa ngoài tầm tay với. Người ta thường không biết trân trọng nâng niu những gì mình đang có và dễ lao theo những ảo ảnh tình yêu bên ngoài. Giật mình nhìn lại, chính chị không hiểu nổi bản thân, càng không hiểu mình được gì, mất gì? Nhân vật Nhiên hiện lên qua lối diễn xuất rất tự nhiên của Quách Thu Phương khiến người đọc dễ hình dung và ái ngại cho sự nhẹ dạ và nông nổi của người đàn bà. Những người như Nhiên có khát vọng hướng tới cái hoàn mỹ, không chấp nhận thực tại đơn giản với người chồng khô khan nên cứ chạy theo một ảo ảnh không có thực.
Và bi kịch của cô em gái thứ ba, người luôn đinh ninh cầm chắc mọi thứ trong tay với quan niệm hiện đại: không ràng buộc, chẳng hoàn toàn thuộc về ai. Một tình yêu cấp tốc 15 ngày với một Việt Kiều tên Nguyên và trao cho hắn tất cả những gì cô có. Chỉ đến khi biết được sự thật của tên bịp bợm đã có vợ con bên Mỹ, Quỳnh mới chao đảo hoang mang với tình yêu và tự do. Cô thấy thèm một tình yêu bình dị, đơn sơ mà mình từng cho là xưa cũ. Bi kịch của cô là sự sụp đổ ảo tưởng xây lâu đài trên cát. NSƯT Lan Hương với gương mặt trẻ mãi cùng thời gian đã thực sự thổi hồn vào vai diễn. Cô em út cá tính và táo bạo, sống hết mình nhưng cũng phải nếm trải sự tận cùng của khổ đau. Nghệ sĩ đã sống thực sự với nhân vật làm chủ hoàn toàn sân khấu.
Ngôi nhà có 3 thế hệ cùng chung sống. Người cha chỉ có tình yêu dành cho các con, thấm thía nỗi đau khi chứng kiến hạnh phúc dần rời bỏ chúng. Những cô con gái mải mê đi tìm hạnh phúc theo định nghĩa riêng của mỗi người. Còn những đứa trẻ, ở đỉnh điểm của bi kịch là sự ra đi của cô con gái người chị cả. Bức thư để lại đẫm nước mắt, và còn là sự cảnh báo cho tương lai của những đứa trẻ con Nhiên, con Quỳnh. Cô con gái mới lớn không tìm được sự cảm thông của thế giới người lớn đầy phức tạp nên tìm đến một sự phản ứng gay gắt, bỏ nhà ra đi.
Vở kịch chuyên chở những tầng lớp ý nghĩa sâu sắc. Điều chinh phục khán giả là những triết lý của tác phẩm không căng cứng, mượn nhân vật là cái loa phát ngôn mà nó đến với người đọc một cách nhuần thấm. Mỗi người nhận ra một chút của mình trong mỗi sai lầm mà ba chị em gái mắc phải. Sự cả tin của Tú, sự viển vông của Nhiên hay sự bạo liệt đến dại dột của Quỳnh suy cho cùng là những phần khác nhau trong tâm hồn người đàn bà. Tác giả Thu Phương đã khái quát nó thành những nhân vật rất sống và đời.
Những người đàn ông trong vở diễn là các gương mặt và tâm trạng hoàn toàn khác nhau. Người lãng mạn mải mê, người nội tâm thấm thía, kẻ phản trắc bịp bợm, họ hiện lên đa chiều trong mối quan hệ với ba chị em gái và tạo nên một bức tranh hiện thực nhức nhối. Nghệ sĩ An Ninh trong vai người chồng cờ bạc, có bản chất lưu manh đã lột tả sáng tạo những tính cách nhân vật qua các hành động kịch hài hước, Anh ta thao thao nói về sự báo hiếu với cha mẹ trong tư thế đập ruồi, rồi vừa lớn tiếng đe dọa cô em vợ vừa trong tư thế núp váy vợ. Người ta bắt gặp một Anh Tú đầy kinh nghiệm khi vào vai Vinh, chồng Nhiên. Một người chồng yêu vợ nhưng không hiểu được vợ mình cần gì thiếu gì, người chồng mà theo lời Nhiên chỉ coi gia đình là một chỗ để tối về đặt lưng. Đó cũng là một hiện trạng đau lòng của những người đàn ông trong xã hội hiện đại, tự đánh mất hạnh phúc vì sự mưu sinh.
Thu Hà