Sáng đầu tuần, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến có mặt sớm tại văn phòng. Trong chiếc sơ mi trắng, quần âu, anh toát lên vẻ chỉn chu, khác với hình dung của nhiều người về một tay kỹ sư bụi bặm hay gã nhạc sĩ gàn dở. Anh kể đợt này sinh hoạt điều độ, không còn thức khuya, sáng dậy sớm. Những lúc đầu óc căng thẳng vì vật lộn với mớ bản vẽ kiến trúc, công trình, anh ra ngồi uống trà, lôi giấy bút ra sáng tác thơ, viết nhạc.
9h30, anh nhận điện thoại của mẹ, ân cần trả lời các câu hỏi của bà. Cúp máy, anh đùa: "45 tuổi, tôi thấy cuộc đời mình chẳng đâu vào đâu, vẫn để mẹ ngày nào cũng phải gọi điện hỏi thăm. Vì thế, tôi muốn quy hoạch lại cuộc đời, để cha mẹ, anh em, bạn bè yên tâm", Nguyễn Vĩnh Tiến nói.
Nguyễn Vĩnh Tiến thích nói chuyện dông dài, dây cà ra dây muống, thỉnh thoảng, người khác hỏi một đằng, anh trả lời một nẻo. Đôi lúc, hứng chí lên, nhạc sĩ lôi đàn ra đệm. Thỉnh thoảng, anh lại xin ra ngoài vì lên cơn thèm thuốc. 45 tuổi, anh vẫn đang tập "khống chế bản thân" - một phần trong kế hoạch "quy hoạch" cuộc đời.
Nhạc sĩ hào hứng kể dự án "quy hoạch" lớn đầu tiên của anh là thực hiện liveshow tổng kết chặng đường âm nhạc, sau đó ra mắt tập thơ, tập truyện ngắn và tuyển tập những nghiên cứu về ngành kiến trúc. Nói chuyện kiểu bông đùa, ngẫu hứng thế nhưng khi cầm đàn, anh như biến thành con người khác - trầm ngâm và suy tư. Nhạc sĩ say mê hát Cắt tiền duyên - ca khúc được lấy làm chủ đề cho liveshow sắp tới. Nguyễn Vĩnh Tiến như lạc vào thế giới khác, đôi mắt nhắm nghiền, lông mày liên tục nhíu mạnh, cau lại: "Cắt tiền duyên/ đau đớn bờ đê/ trận lũ tràn về/ hồn xanh xao cỏ/ khói hương khóc thầm".
Hồi thiếu niên, anh từng mơ gặp gỡ, yêu đương một cô gái trẻ, xinh đẹp trong nhiều ngày liền. Giấc mơ kết thúc, nhạc sĩ bị ốm nặng, khiến mẹ anh lo lắng, phải đưa con trai đi cắt tiền duyên (làm lễ để dứt mối duyên với người tình từ kiếp trước theo quan niệm dân gian). Đến nay, Nguyễn Vĩnh Tiến vẫn ám ảnh về giấc mộng liêu trai đó. Anh nói: "Tôi lấy hai đời vợ nhưng chẳng ai hài lòng với mình, biết đâu là do tiền duyên". Nhạc sĩ thừa nhận hôn nhân với người vợ thứ hai "không đâu vào đâu" nhưng không tiết lộ thêm, chỉ nói anh giờ hết yêu người, chuyển sang yêu cây cỏ, hoa lá và cả những nguyên tố hóa học như "nàng Nitơ, nàng Heli". Anh đưa "các nàng" vào những sáng tác thơ, nhạc mới của mình.
Nguyễn Vĩnh Tiến tự nhận là người "đa nhân cách", "theo nhiều môn phái". Anh học chuyên toán hồi cấp ba, đam mê vật lý, theo đuổi ngành kiến trúc và mày mò sáng tác thơ từ những năm 1990. Thời sinh viên, anh tham gia bút nhóm Hoa lạ. Anh nói xuất phát điểm của mình là một nhà thơ, chỉ được biết đến với vai trò nhạc sĩ từ năm 2006, khi tham gia chương trình Bài hát Việt với ca khúc Bà tôi. Trước đó, Nguyễn Vĩnh Tiến đã tập tành sáng tác trong thời gian dài, "có hàng trăm ca khúc nhưng chẳng ai biết".
Anh gọi Bà tôi là mối duyên kỳ lạ, đưa anh đến với khán giả. Khi ca khúc ra đời năm 2004, nhạc sĩ Quốc Bảo từng đề nghị phối khí cho ca khúc, để Lê Hiếu thể hiện. Thế nhưng khi xem báo giá, Nguyễn Vĩnh Tiến choáng váng vì con số 20.000 USD (tương đương gần bốn trăm triệu lúc bấy giờ). Anh nghĩ bụng: "Từng này tiền thà mình tự làm còn hơn". Anh từ chối nhạc sĩ, tự phổ nhạc ca khúc theo phong cách dân gian đương đại.
Khi bài hát thành hình, nhạc sĩ muốn nhờ Tùng Dương trình bày nhưng anh vướng lịch biểu diễn ở nước ngoài. Sáng tác sau đó được giao cho Ngọc Khuê, dù nhạc sĩ vẫn đau đáu giọng nam hát có thể phù hợp hơn. Năm 2005, Bà tôi nhận giải "Bài hát của tháng" trong chương trình Bài hát Việt. Sau này, Nguyễn Vĩnh Tiến và Quốc Bảo ôn lại chuyện xưa, hỏi nhau ngọn ngành. Thì ra, Quốc Bảo viết thừa một số không ở đơn giá, từ 2.000 USD thành 20.000 USD, con số ấy làm thay đổi số phận một bài hát và sự nghiệp tác giả.
Ngọc Khuê hát 'Bà tôi'. Video: Youtube. |
Sáu tháng sau Bà tôi, Nguyễn Vĩnh Tiến "thừa thắng xông lên", tiếp tục nhận giải với Giọt sương bay lên, cũng do Ngọc Khuê trình bày. Anh tiếp tục cho ra mắt Ông tôi (2006), Mẹ tôi và những thị xã vắng (2011). Nhạc sĩ từ đó được gắn với dòng nhạc dân gian đương đại. Sinh sống ở Hà Nội nhiều năm, từng học tập ở nước ngoài, Nguyễn Vĩnh Tiến vẫn tự hào về quê hương Phú Thọ, thường tự gọi mình là "trai trung du". Nhắc đến quê hương, anh trầm tĩnh hơn. Nhạc sĩ mơ màng hồi tưởng về những điệu dân ca, xoan ghẹo của đất Phú Thọ, những cánh đồng, triền đê đi vào thơ và nhạc của anh. "Mùa thóc lép lợp trên mái nhà", "mùa hoa cà tự nhiên tím tái" (Bà tôi) hay "Sông Thao, đò dọc đò ngang những câu chuyện mắc lưới/ Nặng trĩu làng tôi nghiêng một bờ, bờ đê" (Ông tôi) hiện lên sinh động.
Năm 2016, thời điểm sang Pháp làm luận án nghiên cứu sinh, anh nhớ quê, nhớ người thân đến nỗi sinh ra trầm cảm. "Ở Pháp, tôi chỉ làm bạn với sách vở, ít giao du bạn bè. Hội đồng hương ở nước ngoài cũng là những người nhiều nỗi niềm, tiếp xúc với họ, mình còn buồn thêm. Suốt chín, mười tháng, tôi ăn chay, không động vào một miếng thịt nào. Trầm cảm đô thị là một căn bệnh của xã hội hiện đại, nhiều người thậm chí không thể thoát ra. Năm 2017, con gái Dọc Mùng chào đời. Từ cái cây khô đang chờ chết, tôi thấy mình tràn sức sống, có ý thức hơn với mọi thứ xung quanh", Nguyễn Vĩnh Tiến nhớ lại.
Nhiều bài hát mới của anh như Hoa dành dành, Hoa mộc, Giấc mơ chiều, Tiếng dế vườn khuya... ra đời trong giai đoạn này. Nguyễn Vĩnh Tiến nói anh từng "công bố" tác phẩm mới trên Facebook. Nhưng "nhà" của anh trên mạng xã hội chẳng mấy ai quan tâm, đăng cái gì được 100 lượt like (thích) là cảm động lắm rồi. Vì thế, các bài hát vẫn gần như mới nguyên.
Nguyễn Vĩnh Tiến coi 45 tuổi là một mốc đáng nhớ trong cuộc đời. Anh gọi đó là giai đoạn lỡ cỡ, không già cũng chẳng trẻ. Anh dự định tận hiến cho âm nhạc, thi ca rồi khi đủ tiền sẽ làm dự án kiến trúc "nhà hoa". "Kiến trúc đã nuôi tôi nhiều năm, để tôi sống tự do với thơ, nhạc. Tôi muốn sau này có một công trình để đời, nhưng trước hết phải quy hoạch từng phần trong cuộc đời mình đã", nhạc sĩ trầm ngâm.
Hà Thu