Một cảnh trong phim Những giấc mơ dài. |
- Kịch bản của chị thường dựa trên nền một truyện ngắn, "Những giấc mơ dài" có nằm trong số đó?
- Tôi viết kịch bản này không dựa trên truyện ngắn và đã hoàn thành 9 tập trong vòng hai tháng. Tôi viết vì áp lực của đạo diễn Đỗ Đức Thành. Nếu không có sự giục giã của Thành, có lẽ tôi không viết nổi.
- Lời thoại trên phim truyền hình Việt Nam bao giờ cũng bị kêu là dài, sáo rỗng, chị nghĩ thế nào về định kiến đó?
- Tất nhiên, và nếu khán giả chú ý sẽ thấy ở Những giấc mơ dài, tôi chăm chút lời thoại của các nhân vật rất kỹ. Tôi muốn khán giả khi xem phim của tôi phải “dán mắt” vào màn ảnh để xem một cách hứng thú chứ không phải nghe phim để hiểu được nội dung.
- Chị đánh giá thế nào về "Những giấc mơ dài"?
- Nổi bật là tiết tấu nhanh, nếu bình thường, 9 tập của tôi có thể kéo dài đến 11 tập. Sau đó là quay kỹ, nếu để ý, người xem sẽ thấy hình ảnh trong phim rất đẹp. Các diễn viên thì đều không mới nhưng ở phim này, họ biết cách làm mới mình, ngay cả những người khó tính với phim Việt Nam cũng thích diễn xuất ấy. Và cuối cùng, tôi đã đẩy nhân vật của mình đến tận cùng, xấu xa tận cùng, thất vọng tận cùng và trả giá cũng đến tận cùng. Cũng có người sau khi xem phim nói với tôi: "Cô quá đáng, ngoài đời làm gì có nhân vật nào xấu như Nga". Tôi trả lời: "Có lẽ chị nhạt quá chứ cuộc sống thì muôn màu lắm".
- Ở bộ phim này, chị hài lòng nhất ở điểm nào?
- Đây là phim thứ hai tôi thực sự hài lòng sau Của để dành. Bởi tôi nhìn thấy ở đây sự yêu nghề, sự cố gắng của đạo diễn Đỗ Đức Thành cũng như đoàn làm phim. Mỹ Linh hát nhiều lần để có được một bản thu vừa ý, Huy Tuấn làm nhạc cũng rất vất vả. Và đặc biệt là Đỗ Đức Thành, cách làm phim của đạo diễn này khác hẳn những người khác. Thành thích cuộc sống mơ mơ, thực thực và kỹ xảo đã giúp Thành rất nhiều để tạo ra hiệu ứng riêng cho phim. Có thể một số khán giả không chấp nhận điều này nhưng tìm tòi và thử nghiệm là điều rất cần thiết.
(Theo Người Lao Động)