- Trở về từ Hoa hậu Thế giới 2014, chị thấy hài lòng bản thân nhất ở điều gì?
- Nhìn lại chặng đường từ đầu đến khi lọt vào top 25, tôi hãnh diện nhất có lẽ ở phần thi thể thao. Các bài thi khá nặng nên phần lớn thí sinh châu Á đều cảm thấy lo lắng. Cũng may, tôi từng là vận động viên nên giữ được sự bình tĩnh, thoải mái.
Nhìn chung mỗi phần thi khó một kiểu, nhưng với thể thao, thí sinh không thể "chữa cháy" như các màn khác. Ví dụ phần siêu mẫu, nếu tích cực tập luyện, các người đẹp ít kinh nghiệm vẫn có thể có được những kỹ năng đặc biệt khi trình diễn. Các "lò" luyện thi hoa hậu tại Philippines làm rất tốt điều này. Ở phần tài năng, nếu định hướng nội dung tốt, dù có thể không dẫn đầu, thí sinh vẫn có cơ hội được đánh giá cao. Với phần Người đẹp nhân ái, nếu có một "quân sư" tốt, người đẹp sẽ dễ dàng chiếm cảm tình của ban giám khảo nhờ việc dựng được video hay. Nhưng với thể thao, để có thể lực như bài thi yêu cầu, thí sinh phải tự rèn luyện ngay trong cuộc sống hàng ngày một thời gian dài trước đó chứ không phải đến gần ngày thi mới bắt đầu luyện tập.
- Chị "chữa cháy" ra sao với khả năng tiếng Anh được cho là không tốt tại phần thi "Người đẹp nhân ái"?
- Thời gian trình bày video rất ngắn nên ngoại ngữ không phải vấn đề với tôi, mà là do tâm lý. Nếu không tính Ấn Độ và Australia, trình độ tiếng Anh của các người đẹp châu Á, bao gồm cả tôi khá giống nhau. Hàng ngày, tôi vẫn giao tiếp bình thường với các thí sinh khác, không gặp chút khó khăn nào. Tuy vậy, tôi thừa nhận mình chỉ thể hiện được 60% khả năng ngôn ngữ vốn có. Những lúc đòi hỏi sự tập trung cao độ và phản xạ nhanh nhạy, như vòng phỏng vấn trực tiếp với giám khảo, tôi không phát huy hết bản thân.
Trong một chuyến thăm Đại học Oxford, một số người đẹp được ban tổ chức chọn trò chuyện với sinh viên về chủ đề sắc đẹp, từ thiện và lòng nhân ái. Có sinh viên hỏi rằng: "Các bạn nói trở thành Miss World sẽ thay đổi thế giới, thế cứ đẹp là làm được điều đó à?". Rất nhiều cô gái đã bị "ngã ngựa" trước câu hỏi này hoặc sa đà đứng thành một phe chống lại các bạn sinh viên thay vì kéo họ về chung một phía với mình để kết thúc tranh luận. Dù không được chọn, nếu trau dồi ngoại ngữ tốt hơn, có lẽ tôi đã tự đứng dậy để trả lời câu đó.
- Việc lựa chọn vấn đề hiến máu nhân đạo chưa sâu sát với chủ đề cuộc thi là nguyên nhân khiến chị không vào top 5, chị nghĩ thế nào?
- Lúc đầu, tôi cũng nghĩ rằng mình đã đem đến video hiệu quả nhất. Nhưng sau đó, được ban tổ chức giải thích, tôi mới biết rằng dự án nhân ái được trình bày trong cuộc thi không nhất thiết phải có kết quả ngay trong thời điểm nói mà có thể là đang thực hiện hoặc mới vạch ra. Phần thi Người đẹp nhân ái lần này hướng đến trẻ em. Vì vậy, những thí sinh đưa ra các dự án hướng đến giáo dục và trẻ em sẽ được đánh giá cao hơn. Nếu biết trước, tôi đã chọn cho mình một dự án phù hợp hơn với tiêu chí của ban tổ chức đề ra năm nay. Bản thân tôi rất tiếc vì điều này.
- Ngoài khả năng tiếng Anh, trang phục dự thi của chị cũng là đề tài được người hâm mộ trong nước quan tâm. Giám khảo nói gì trước bộ trang phục gây tranh cãi của nhà thiết kế Võ Việt Chung trong vòng thi sơ khảo?
- Họ nói nó là một trang phục lộng lẫy. Ngay cả người quản lý các người đẹp khác cũng thốt lên như vậy. Tôi nghĩ, có thể người nước ngoài có quan niệm về cái đẹp khác với khán giả trong nước nên mới nhận xét như vậy. Hơn nữa, số điểm chấm cho thí sinh trong vòng sơ khảo hoàn toàn được giữ kín.
- Chị cảm nhận được sự tích cực rõ ràng nhất trong lời khen của ban giám khảo khi tham gia hoạt động nào ?
- Tôi nghĩ đó là đêm diễn tài năng cho buổi tiệc từ thiện. Vào hôm tổng duyệt đầu tiên, hai giám khảo cùng người quản lý đã trực tiếp đứng gần để theo dõi màn biểu diễn thử của tôi. Vị giám khảo nữ và cô quản lý đã rơi nước mắt khi xem tôi vẽ tranh cát về mẹ, chỉ người còn lại là không tỏ thái độ gì. Tôi đã nghĩ: "Chắc thầy không thích rồi". Đến buổi tổng duyệt lần hai vào chiều hôm sau, vị giám khảo lạnh lùng ấy bỗng ân cần đến lạ. Không chỉ hướng dẫn tôi nói tiếng Anh tỉ mỉ, thầy còn chắp tay lên ngực, nhìn tôi đầy trìu mến và nói: "Loan, em là một ngôi sao. Hãy làm tốt nhất khả năng của mình trong ngày hôm nay nhé".
Tôi đã rất xúc động bởi trước đó, thầy hiện lên trong mắt tôi là một người rất ít nói. Sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả cũng như tình cảm của ban giám khảo trong đêm tiệc từ thiện cũng khiến tôi vô cùng sung sướng. Có lúc, tôi vui đến mức vẽ chệch choạc, suýt hỏng cả bài. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn thấy lâng lâng vì hạnh phúc (cười).
- Trước những lời khen tiếng chê, chị làm thế nào để bản thân luôn vững vàng theo tiếp hành trình thi cử?
- Điều duy nhất tôi cần làm là cố gắng để đạt kết quả tốt nhất. Còn việc khán giả nhận xét, bản thân tôi sẽ chắt lọc và điều tiết. Cũng như bao người đẹp khác, tôi từng bị dao động trước những lời nhận xét về mình. Những ngày đầu thông tin tôi chuẩn bị đi thi Miss World được công bố, đã có nhiều luồng dư luận phản đối. Dù hơi choáng váng, tôi vẫn tự nhủ rằng mình đang làm đúng luật (cười). Tôi cũng cảm nhận được rằng, đơn vị cử Nguyễn Thị Loan đi thi là vì họ tin vào thực lực của bản thân tôi chứ không phải điều gì khác.
- Bài học lớn nhất chị rút ra khi tham gia cuộc thi nhan sắc quốc tế là gì ?
- Người đẹp Việt muốn đi thi quốc tế phải có kỹ năng tự làm đẹp bản thân thật tốt. Suốt thời gian diễn ra Miss World 2014, các thí sinh đều tự trang điểm và làm tóc. Trong đêm chung kết, tôi và các bạn thí sinh khác cũng được chuyên gia giúp đỡ. Nhưng khi thấy kết quả, tôi rút ra kinh nghiệm không nên bị phụ thuộc quá vào chuyên gia bởi dù sao đó cũng là lần đầu tiên họ làm việc với gương mặt mình, đồng nghĩa với việc có sai lệch. Tôi đã tự trang điểm lại rồi nhờ chuyên gia dặm phấn thêm, giống cách các thí sinh khác đã làm. Chuyện làm tóc cũng tương tự. Lúc tôi bước vào hậu trường để chuẩn bị cho đêm chung kết, các đại diện đều đã làm tóc sẵn từ trước đó.
- Việc giành thành tích cao cho Việt Nam trong cuộc thi nhan sắc lớn tạo nên nhiều cơ hội rộng mở cho sự nghiệp. Chị định tận dụng lợi thế này ra sao?
- Tôi đến với cuộc thi là để trải nghiệm và thỏa lòng đam mê. Ở đó, tôi được sống là chính mình cũng như học hỏi nhiều điều từ các người đẹp khác. Còn chuyện danh tiếng được nhiều người biết đến hơn chỉ là hiệu ứng phụ từ cuộc thi mà thôi. Sự nghiệp của một người đẹp cũng cần có lộ trình rõ ràng, có sự tiến triển theo thời gian chứ không dừng lại ở một giải thưởng hay danh hiệu. Năm tới, tôi mong mình sẽ hoàn thành khoá học MC để trở thành người hướng dẫn chương trình chuyên nghiệp trên truyền hình.
Đức Trí thực hiện