Thế là bạn bè cứ rơi rụng dần. Giới văn học nghệ thuật lại mất thêm một tài năng. Riêng tài năng này - Nguyễn Quang Sáng - đã để lại những dấu ấn đặc biệt, những màu sắc cá tính rất hiếm gặp.
Sinh thời, có ba việc mà Nguyễn Quang Sáng rất ghét: Thứ nhất đi thăm người ốm, thứ hai là đi viếng đám tang và thứ ba là đi thăm mộ. Với anh, đời sống là vui vẻ. Anh ghét sự chết chóc, thê lương. Có lẽ vì thế nên anh chọn cách ra đi đơn giản, anh đi từ một giấc ngủ nhẹ nhàng thẳng bước sang thế giới bên kia, gặp lại những người bạn đang chờ đợi anh. Ở đó, Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Trịnh Công Sơn, Từ Huy, Bảo Phúc… chắc đang gầy một cuộc nhậu, nâng ly cùng anh.
Nửa năm gần đây, sức khỏe anh kém dần. Mùa thu vừa rồi anh đã không thể ra Hà Nội. Lần cuối, chúng tôi cũng chỉ ngồi café sáng cùng anh rồi chia tay, không đủ sức để theo nhóm bạn trẻ Trịnh Lê Văn, Lương Minh… như mọi khi, cuộc nhậu đưa tiễn thường kéo dài đến tận sân bay…
Sinh nhật vừa rồi của anh tôi cũng chỉ chúc anh qua điện thoại. Vậy mà…
Với bạn bè, anh là người bạn chân thành và đáng yêu, chất anh Hai Nam bộ hào sảng, thẳng thắn thu phục bạn bè nhiều thế hệ. Thời trẻ anh là bạn vong niên của những văn nghệ sĩ già còn về già anh lại thành bạn vong niên của nhóm bạn trẻ. Chơi hết mình, làm việc cũng hết mình. Ngày nào cũng nhậu nhưng ngày nào cũng phải viết.
Nguyễn Quang Sáng là nhà văn bẩm sinh, anh viết văn bởi nhu cầu tự thân, khiếu quan sát và khả năng nắm bắt chi tiết cuộc sống dồn ứ trong anh, thúc đẩy ngòi bút. Anh sống và viết đều rất giản dị, bước ra khỏi hào quang một cách nhẹ nhõm hiếm có. Những năm tháng chiến tranh cho anh những tác phẩm lớn được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng những năm tháng hòa bình, với rất nhiều bộn bề của cuộc sống cho anh nhiều truyện ngắn sâu sắc Tôi thích làm vua, Đạo Tưởng, Con ma da, Con chim quên tiếng hót, Bàn thờ tổ của một cô đào… đã có lúc làm gợn lên những e ngại, nhưng vượt lên trên đó là triết lý sâu sắc, những cảnh báo mà văn học nghệ thuật cần phải có. Cuộc sống thường ngày va đập, ném cho anh những chi tiết ngồn ngộn, đủ để tác phẩm lần lượt ra đời. Anh rất dị ứng với việc gặm nhấm hào quang quá khứ. Quá khứ của anh không có hào quang của hai cuộc chiến, chỉ có tuổi thơ êm đềm với gia đình, với chòm xóm bạn bè, với dòng sông thơ ấu…
Cách kể chuyện giản dị, đặc trưng Nam bộ nhưng chi tiết anh đưa ra cực kỳ dữ dội nên tác phẩm của anh rất hấp dẫn những bạn bè điện ảnh. Kịch bản Cánh đồng hoang của anh đã đóng dấu ấn vinh quang cho nền điện ảnh Việt Nam.
Nguyễn Quang Sáng thường đùa: “Có lẽ ông nên kết nạp tôi vào Hội Nhạc sĩ còn tôi kết nạp ông vào Hội Nhà văn”, bởi anh yêu âm nhạc và chơi đàn mandoline từ nhỏ. Anh chơi với bạn đủ các nghề nghiệp, có người nổi tiếng, có người kinh doanh, có bác sĩ, có nhà giáo nhưng có lẽ giới nhạc nhiều hơn cả, từ Hoàng Việt, Hoàng Hiệp đến Trịnh Công Sơn, Từ Huy, cho đến thế hệ Bảo Phúc, Đỗ Hồng Quân, Đức Trịnh, Lương Minh… Âm nhạc đã cho anh nhiều cảm xúc để viết. Tình yêu âm nhạc của anh đã cho Nguyễn Quang Dũng, con anh sớm bộc lộ tư chất nghệ sĩ bằng âm nhạc. Khi Dũng có những sáng tác đầu tay anh vui lắm, rồi Dũng ra album từ rất sớm, nhưng Dũng chọn con đường đi vào điện ảnh và Quang chọn con đường trở thành kiến trúc sư có lẽ cũng từ những người bạn đủ các giới của anh, cho các con sự lựa chọn đúng đắn.
Anh và Hoàng Hiệp, hai người con đất An Giang, cùng tuổi Tân Mùi, cùng bước vào cuộc chiến khốc liệt của đất nước và trở thành hai gương mặt văn học nghệ thuật lớn. Ký ức về dòng sông thời thơ ấu đã cho Hoàng Hiệp bài hát nổi tiếng Trở về dòng sông tuổi thơ, cho Nguyễn Quang Sáng tiểu thuyết Dòng sông thơ ấu và có lẽ, bây họ đang rủ nhau cùng trở về vùng vẫy trên dòng sông Tiền như ngày thơ bé.
Vĩnh biệt anh, người bạn yêu quý, người bạn nhậu bền bỉ xuyên thế hệ của giới văn học nghệ thuật.
Hồng Đăng - Lê Anh Thúy