Yên Trang -
- Ngày nay người ta đang xôn xao lên bởi dư luận bàn về "văn hóa đọc", đặc biệt là sách văn học. Rằng dân ta nói chung, trong giới trẻ nói riêng, rất ít đọc. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?
Nhà văn Nguyễn Phan Hách. |
- Theo ông, nguyên nhân là quá bận bịu, hay do sự tác động của thời đại với sự xuất hiện của Internet, khoa học công nghệ, thông tin ngoại ngữ?
- Tôi không phủ nhận điều đó, nhưng văn học là bộ phận thuộc đời sống tinh thần, tâm hồn con người. Người ta không thể không cần đến nó, bao giờ văn học cũng quan trọng, có điều là mức độ của nó đến đâu thôi. Vậy muốn lôi kéo các bạn trẻ đến với sách văn học thì nhà xuất bản chỉ có một cách duy nhất là nâng cao chất lượng của sách.
- Việc tuyển chọn những sách hay và bán chạy gọi là best-seller có vai trò quan trọng đối với doanh thu và uy tín của nhà xuất bản. Vậy khi thẩm định tác phẩm để quyết định in, với ông đó là yếu tố quyết định hay còn những lý do nào khác?
- Viết được một cuốn sách best-seller cũng khó lắm. Tuy nó không là "Văn học cao cấp" nhưng để là best-seller thì nó cũng có giá trị nào đấy. Và việc in nó cũng là cần lắm, bởi nó góp cho nguồn thu nhập nhà xuất bản phát triển.
- Trước kia chỉ có hai NXB lớn chuyên in sách văn học là NXB Văn học và NXB Tác phẩm mới (tên cũ của NXB Hội Nhà văn bây giờ). Nhưng nay, có quá nhiều NXB cũng có thêm chức năng in sách văn học. Vậy ông làm gì để lượng sách phát hành hàng năm của NXB có chất và lượng?
- NXB chúng tôi có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận có kinh nghiệm như: Vương Trí Nhàn, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Lại Nguyên Ân,... Chúng tôi có đủ khả năng để đánh giá được "đẳng cấp" của bản thảo. Ngày nay, "hàng chợ" thường đem lại giá trị thương mại, cho nên cũng không thể xem thường. Có điều không được chiều nịnh "thị hiếu thấp kém", hoặc bất chấp chuẩn mực văn hóa tối thiểu mà cho in thiếu chọn lọc. Và với đặc thù của mình, chúng tôi luôn cố gắng để nâng cao chất và lượng của sách văn học.
- Ông Trần Tấn Ngô - Giám đốc Tổng công ty Sách Việt Nam - từng nói: "Phát hành sách là hoa tiêu trong rừng sách mênh mông". Như vậy khâu phát hành chiếm vai trò hết sức quan trọng, NXB Hội Nhà văn phát hành sách như thế nào?
- Trung bình mỗi năm, NXB cho in từ 400 đến 500 cuốn, phát hành liên doanh là nhiều. Và luôn luôn phải móc nối với các nhà sách. Tôi rất ủng hộ việc phải quảng cáo sách văn học. Việc này rất cần những nhà phê bình giỏi, bởi họ có nhiệm vụ biệt hạng "phân đẳng cấp" cho sáng tác. Trên thị trường tiêu dùng, hiện có nhiều hàng nhái, có khi có doanh thu hơn hàng thật đấy. Sách vở cũng có khía cạnh giống thế. Các nhà phê bình không có dấu ISO để đóng cho sáng tác, hoặc có khi đóng không chính xác. Nhưng đó là chuyện vô cùng, bởi cái gì cũng chỉ tương đối thôi. Mỗi cuốn sách có một số phận của nó, số phận chìm nổi hoặc bị lãng quên. Ngược lại có cuốn sách có số phận suôn sẻ, được đề cao giá trị thật.
- Ông là người thường hay giúp đỡ và ủng hộ lớp trẻ. Đã có người sau khi in tập sách đầu tay ở NXB Hội Nhà văn, sau này đã thành danh. Điều gì khiến ông đặt niềm tin vào họ?
- Từ khi là biên tập viên, bao giờ tôi cũng hào hứng khi gặp bản thảo của cây bút trẻ lần đầu tiên gửi đến. Ví dụ, trước đây khi gặp bản thảo tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng của Hồ Anh Thái (lúc đó chưa ai biết đến Hồ Anh Thái), tôi đã đề nghị anh viết một bản thuyết minh ý tưởng cuốn sách, rồi tìm mọi cách để NXB in cho anh trong cơ chế in bao cấp rất khó khăn lúc bấy giờ.
Rồi Bến không chồng của Dương Hướng, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh... đều là những bản thảo gửi đến trong bối cảnh chưa ai biết tác giả này. Tôi đã đề nghị Bảo Ninh sửa chữa những chi tiết "chưa có lợi", kể cả việc đổi tên sách là Thân phận của tình yêu (dù tên không hay) nhưng cốt để cho ra được cuốn sách này. Chi tiết buồn cười là tôi yêu cầu Bảo Ninh nghĩ ra 5 nhan đề sách. Bảo Ninh đã phải thực hiện. Và tôi chọn tên Thân phận của tình yêu để thay tên Nỗi buồn chiến tranh (mà tôi nghĩ là không có lợi trong bối cảnh lúc đó và sẽ gặp khó khăn khi in).
Cho đến nay cuốn sách này vẫn song song hai tên. Nhiều ấn phẩm tái bản vẫn mang tên Thân phận của tình yêu như bản in lần đầu tiên... Lớp trẻ được kế thừa và nối tiếp truyền thống bề dày văn hóa của lớp người đi trước. Tôi tin vào sự tìm tòi sáng tạo của họ. Hy vọng lớp trẻ đạt được đỉnh cao nào đó. Bởi tương lai văn học nước nhà phụ thuộc vào họ.
- Thời gian gần đây, người ta hay bàn về sex trong văn học. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
- Theo tôi, văn học được quyền nói lên tất cả những gì muốn nói. Có thể xưa nay vấn đề sex thường bị cấm, từ sức nén ấy, bây giờ bùng nổ lớn hơn. Tuy nhiên, viết sex có ý nghĩa xã hội thì được, nhưng sex chỉ để mua vui cho người đọc tò mò thích thú thì không nên. Bởi muốn gì đi chăng nữa nó cũng phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. "Lấy sex để câu khách là làm nhục văn chương".
Yên Trang thực hiện
(Nguồn: Văn Nghệ Công An)