-
- Tác phẩm văn chương của ông trước hết là sự đậm đặc tư liệu mà ông có được từ trong cuộc sống. Ông cũng là người luôn coi việc viết văn không thể chỉ là những kỹ thuật đơn thuần mà đó là là một nghề phải tìm hiểu cuộc sống hiện tại một cách kỹ lưỡng, dấn thân, để rồi phản ánh và lý giải nó. Ông nghĩ gì về điều này?
- Tôi là một thợ sửa ôtô đi viết văn, rất có ý thức việc học đại học, nhưng làm đơn qua nhiều năm vẫn không được đi học. Sau này nhà văn Nguyễn Xuân Sanh động viên vào Trường Viết văn Nguyễn Du, nhưng những năm sau 1975, tôi không muốn rời xa TP HCM, vì đây là một vùng đất rất hấp dẫn để khám phá và học hỏi. Theo tôi, nhà văn không chỉ dùng những lời ma mị để viết nên những tác phẩm của mình. Có quan niệm cho rằng nhà văn chỉ cần có năng khiếu, có tâm hồn thế rồi tưởng tượng ra mọi điều. Tôi không bàn đúng hay sai ở đây, nhưng với tôi cái gì nhìn không ra là không viết. Nhà văn không chỉ phải có vốn sống một cách đơn thuần mà phải có kiến thức để nhìn cuộc sống một cách sâu sắc, không dừng lại ở mức miêu tả cuộc sống mà phải lý giải nó.
- Ông nghĩ sao khi chính sự nghiền ngẫm và lý giải cuộc sống ấy mà các tiểu thuyết của ông, đặc biệt là bộ ba "Khoảng cách còn lại", "Đứng trước biển"," Cù lao tràm" đã tạo nên một hiện tượng văn học được ghi nhận, nhưng có thời gian làm cho ông và gia đình khốn đốn?
- Khi tác phẩm Đứng trước biển ra đời thì lãnh đạo một số tỉnh có liên quan phản đối một cách dữ dội, coi là phản động. Lúc ấy tôi viết phủ nhận một xí nghiệp đánh cá vừa được phong anh hùng và nhận thấy rằng thời kỳ làm ăn bằng kinh nghiệm đã qua. Nhưng rồi mọi việc đúng như dự báo, xí nghiệp này sau đó làm ăn thua lỗ, phải giải thể. Còn Cù lao tràm viết về đề tài nông nghiệp. Khi tác phẩm ra đời đã có văn bản đề nghị đưa tôi đi cải tạo. Nhất là lãnh đạo 9 tỉnh miền Tây hồi bấy giờ phẫn nộ. Báo Hậu Giang liên tục có các bài phê phán Cù lao tràm; một số nhà văn, nhà nghiên cứu có bài viết phê bình tác phẩm, có bài còn vạch rõ bảy tội danh. Đặc biệt, tôi gần như bị cô lập, chỉ còn vợ là bạn, có ông bạn văn trước kia rất thân nhưng cũng trốn không gặp tôi.
- "Cù lao tràm" là tiểu thuyết có lượng phát hành cao kỷ lục (160.000 bản), số lần tái bản nhiều và nhiều nhà xuất bản đã in. Điều gì khiến ông gắn công việc viết văn với công việc sản xuất văn chương, một việc làm rất mới mẻ thời kỳ bao cấp?
- Tôi gần như là người đầu tiên tự bỏ tiền ra in sách và thu được nhiều tiền về việc viết sách. Lúc đó các đầu nậu sách đến nhà tôi trả tiền, lấy sách cứ nườm nượp, có người làm nghề phát hành từ chỗ nghèo đi xe đạp đã phất lên nhờ Cù lao tràm. Sau đó các tác phẩm của tôi Yêu như là sống, Ngoại tình... có lượng phát hành khá lớn và thu về khá nhiều tiền, có đợt nhuận bút tôi dành lại để giúp đỡ đồng bào ở Thừa Thiên - Huế bị lũ lụt.
Xưa nay tôi vẫn coi nghề viết văn là một nghề như bao nghề khác. Tuy nhiên, viết văn là phải biết hy sinh, có tiền cũng viết, không có tiền cũng phải viết. Những đề tài của tôi luôn là vấn đề của thời đại, về các mối quan hệ của kinh tế công nghiệp, về thành thị, những vấn đề gai góc của xã hội. Có lẽ chính vì vậy mà bạn đọc chấp nhận.
- Ông vừa nói về đề tài, hiện nay có rất nhiều tác phẩm văn chương, trong đó có kịch bản phim, như trượt ra khỏi cuộc sống hiện đại, cứ như viết về một cái gì đó, cho ai đó. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?
- Nhiều nhà văn đã sống hàng chục năm ở thành phố nhưng lại quay về nông thôn để khai thác đề tài. Tại sao vậy? Phải chăng quan hệ trong làng xã, nông thôn bao giờ cũng đơn giản hơn của thành thị của nền kinh tế công nghiệp và hậu công nghiệp? Các tác phẩm của tôi sau này còn gai góc hơn cả Cù lao tràm hay Đứng trước biển và những kịch bản truyền hình của tôi cũng cố gắng hướng đến các đề tài đương đại.
- Đến nay, ông là tác giả của 500 kịch bản phim, con số này có dừng lại ở đây?
- Tôi đang viết các kịch bản phim truyền hình Nghề báo dài 20 tập, Trần Thủ Độ và người tình 10 tập. Ninh Thành Lợi - Đất và lửa 10 tập.
- Lối viết của ông đã thành công ở các bộ phim "Đồng tiền xương máu"," Hướng nghiệp", "Blouse trắng". Ông có thể nói gì về cách viết dựa trên sự tìm hiểu, nghiền ngẫm cuộc sống và coi cuộc sống là tư liệu này?
- Khi viết Blouse trắng, tôi phải tìm hiểu rất kỹ về những gì liên quan đến nghề y, đến người thày thuốc trong bệnh viện hiện nay. Hay phim Nghề báo sắp tới cũng vậy, đó là kiến thức của tôi có được khi tôi có nhiều năm viết báo, có vợ và nhiều bạn bè làm nghề báo. Hay phim Trần Thủ Độ và người tình, thú thực tôi không phải là người am hiểu lịch sử, hơn nữa các tài liệu lịch sử của ta rất mỏng, do đó tôi rất vất vả đọc nhiều tài liệu, nhiều sách để có thể viết được nó.
- Phim ta thường có những cảnh quay quắt trong mối quan hệ gia đình bạn bè, nhân vật đểu cáng, tục tĩu làm người xem phát ốm và tắt tivi ngay. Không hiểu sao các nhà văn ít viết về người tốt, những việc làm tốt như vậy?
- Đó là vấn đề nhân cách của nhà văn. Nếu anh là người xấu thì sẽ rất khó hiểu tại sao một tài xế taxi nghèo mà trả lại cho khách hàng chục ngàn đôla. Ngoài ra, cách viết người xấu như vậy thường là ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực phê phán.
(Nguồn: Thể thao)