Diễn viên Nguyễn Chánh Tín bất ngờ qua đời sáng 4/1, gây bàng hoàng cho khán giả lẫn đồng nghiệp. Một tháng trước, ông cùng nhiều đàn em hội ngộ trong một chương trình dành cho các nghệ sĩ gạo cội. Lý Hùng kể khi gặp lại ông sau mười mấy năm, anh thầm nể phục bởi trông ông vẫn đầy khí chất. "Tôi và ông quen biết nhau cách đây gần 30 năm. Khi đó, tôi đóng một vai nhỏ trong Ván bài lật ngửa. Cả hai ăn dầm nằm dề ở Bến Tre nửa tháng trời. Ông là người đầu tiên khuyên tôi nên tiến xa hơn trong nghề. Với tôi, ông là một trong những tượng đài hiếm hoi của màn ảnh Việt nửa thế kỷ qua", Lý Hùng nói.
40 năm vào nghệ thuật, Chánh Tín có một sự nghiệp dày dặn trong phim ảnh lẫn ca hát. Chánh Tín bén duyên với nghệ thuật qua âm nhạc từ thuở còn đi học. Ông hát hay và được mời biểu diễn đơn ca ở trường trong các dịp lễ. Trong một chương trình văn nghệ quan trọng của trường, trước nhiều quan chức và báo giới đương thời, ông thể hiện ca khúc Nghìn trùng xa cách của Phạm Duy. Tiết mục giúp ông trở thành hiện tượng âm nhạc mới của Sài Gòn. Tiếng đồn về chàng trai trẻ đến tai Phạm Duy, khiến ông tò mò tìm hiểu. Cố nhạc sĩ đánh giá Chánh Tín là một trong số hiếm gương mặt nam nổi bật về ngoại hình lẫn chất giọng. Dần dà, Chánh Tín nổi tiếng khắp sân khấu ca nhạc, được báo chí đương thời ví von là "Frank Sinatra của Việt Nam".
Tuy nhiên, ca hát chỉ là bước đệm để Chánh Tín chinh phục mục tiêu từ bé là diễn xuất. Năm 1972, ông tham gia phim Vĩnh biệt tình hè và thể hiện nhạc phim cùng tên, sau đó tạo được dấu ấn với trung úy Thiện trong Tình đất Củ Chi (1978) của đạo diễn Mai Lộc. Nhân vật Thiện - một người lính dù đi theo quân đội Mỹ, trong lòng vẫn yêu thương người dân Việt Nam - tạo nhiều thương cảm cho khán giả. Với phim Con mèo nhung (1981) - tác phẩm thuộc thể loại hình sự, tâm lý, diễn xuất của ông góp phần giúp phim đoạt giải thưởng Hội điện ảnh Việt Nam năm 1983.
Sau 10 năm đi diễn, tên tuổi Chánh Tín vươn lên đỉnh cao với Ván bài lật ngửa - tác phẩm về đề tài tình báo (1982 - 1987). Nhân vật chính - nhà tình báo Nguyễn Thành Luân do ông đóng - là một trong những vai diễn kinh điển của màn ảnh Việt. Ban đầu, đoàn phim chọn một diễn viên khác vào vai này và đã quay xong một tập. Sau khi xem thử, nhà văn - biên kịch Trần Bạch Đằng chưa ưng ý và quyết định chọn lại diễn viên chính. Chánh Tín - lúc này chỉ là một ca sĩ, diễn viên tay ngang - đã lọt vào mắt xanh của ông.
Đúng như mong đợi của tác giả kịch bản, Chánh Tín hóa thân trọn vẹn. Diễn viên thăng hoa trong những phân cảnh Nguyễn Thành Luân nhanh chóng thâm nhập vào hàng ngũ địch, trở thành trợ thủ đắc lực của anh em tổng thống Ngô Đình Diệm, vượt qua nguy hiểm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng với đồng đội - người vợ xinh đẹp Thùy Dung. Cuối cùng, anh chiến thắng trong "ván bài lật ngửa" với kẻ thù. Qua tám tập phim, Chánh Tín chứng minh khả năng diễn tâm lý với những cảnh đấu trí căng thẳng. Phim kết thúc, Nguyễn Chánh Tín trở thành tài tử ăn khách bậc nhất thập niên 1980 chỉ qua một vai diễn. Sau này, chia sẻ với báo chí, tài tử khẳng định Nguyễn Thành Luân là vai diễn đỉnh cao mà ông mãi không vượt qua được.
Với thành công của phim, Chánh Tín trở thành tiêu chuẩn một thời của vẻ đẹp nam giới Việt. Tài tử mang nét lãng tử với mái tóc bồng bềnh, sống mũi cao, đôi mắt sâu, hàng ria mép đậm chất phong trần. Chánh Tín khiến đông đảo khán giả nữ thập niên 1980 thổn thức, còn nam giới được khen về ngoại hình thì phải là "đẹp trai như Chánh Tín", theo diễn viên Diễm My. Năm 1984, Chánh Tín và Diễm My quay chung phim Hai chị em. Mỗi lần đoàn phim quay ở đâu, cứ thấy ánh mắt của các cô gái hâm mộ nhìn Chánh Tín là nữ diễn viên nổi da gà. "Trong ánh mắt của họ ánh lên một nỗi khát khao, si mê. Thế là đủ biết độ hào hoa của anh ấy đến cỡ nào. Bao nhiêu người sẵn sàng gục ngã vì anh", bà nói.
Thập niên 1990, Chánh Tín tiếp tục thành công trong lĩnh vực phim nhựa. Với Ngôi nhà oan khốc (1992) - tác phẩm do ông biên kịch có doanh thu một tỷ đồng, Chánh Tín thu hút khi lần đầu thử sức với đề tài kinh dị - tâm lý. Bến sông trăng (1998) đánh dấu sự trở lại của ông với phim tâm lý - xã hội qua vai một bác sĩ yêu bệnh nhân. Giữa thập niên 2000, ông tiếp tục ghi dấu với phim Dòng máu anh hùng - tác phẩm do Charlie Nguyễn, cháu của ông, đạo diễn. Trong phim, ông thủ vai Tham Nguyễn, cha của Cường (Johnny Trí Nguyễn) - một kẻ nghiện ngập, hút thuốc phiện để quên thời cuộc. Cuối đời, Tham vẫn là người cha thương con, sẵn sàng chết chứ không tiết lộ thông tin về con trai.
Đạt nhiều thành tựu với vai trò diễn viên, khi chuyển qua sản xuất phim, sự nghiệp của Chánh Tín đôi lần gãy gánh. Năm 2005, hãng phim của ông đầu tư cho tác phẩm Dòng máu anh hùng và vay ngân hàng một khoản lớn. Dù được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, phim lỗ vốn, Chánh Tín rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Năm 2009, ông bán căn biệt thự ở quận 10, TP HCM. Cuối cùng, do không giải quyết được nợ nần, ông cùng vợ chuyển ra sống ở nhà thuê. Trong bài phỏng vấn với VnExpress năm 2014, ông cho biết đó là tình cảnh bi đát nhất trong cuộc đời. Ngoài chuyện nợ nần, ông còn nhập viện vì chứng suy gan, nhiều lần cấp cứu vì ngất trên trường quay.
Trải qua bao sóng gió, những năm cuối đời, Chánh Tín vẫn giữ một niềm lạc quan. Ông cho rằng đời người, ai cũng phải trải qua những lần mất mát, có đau và tiếc, thậm chí suy sụp nhưng không thể khoanh tay bó gối. Ông luôn tâm niệm: còn sức thì sẽ làm lại được. Nghĩ vậy nên ở tuổi gần 70, ông vẫn miệt mài đóng phim. Hai phim gần đây nhất của ông - Em chưa 18 và Lôi báo, khán giả lại chứng kiến một Chánh Tín đĩnh đạc, phong độ như ngày nào. Ông cùng vợ - ca sĩ Bích Trâm - còn lên kế hoạch biểu diễn hàng tuần ở phòng trà, hội ngộ các bạn hữu từ lĩnh vực âm nhạc, kịch đến điện ảnh. "Tôi sẽ đem sức lực cuối đời mình ra để cống hiến", ông từng nói.
Mai Nhật