Nguyễn Chánh Tín qua đời sáng 4/1 tại nhà riêng ở TP HCM, hưởng thọ 68 tuổi. Nhiều nghệ sĩ như Ngô Thanh Vân, Việt Trinh, Lý Hùng, đạo diễn Lê Thanh Sơn tiếc thương cố diễn viên tài hoa. "Xin chào chú. Cảm ơn chú đã cho cuộc đời này những ký ức rất đẹp. Điện ảnh Việt sẽ luôn có tên chú", Ngô Thanh Vân viết trên trang cá nhân. "Với tôi, ông là một trong những tượng đài hiếm hoi của màn ảnh Việt nửa thế kỷ qua", Lý Hùng nói.
Vai diễn để đời của Chánh Tín là đại tá Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa (1982 - 1987, đạo diễn Lê Hoàng Hoa hay còn có tên Khôi Nguyên). Nhân vật này được xây dựng từ Phạm Ngọc Thảo, cán bộ tình báo hoạt động ở miền Nam. Lúc đó, Nguyễn Chánh Tín đã đi hát nhiều năm nhưng chưa nổi tiếng trong làng phim.
Ban đầu, đoàn phim chọn một diễn viên khác và quay xong một tập. Nhưng biên kịch - nhà văn Trần Bạch Đằng - chưa ưng ý và muốn tìm người khác đóng chính. Sau cùng, ông chọn Nguyễn Chánh Tín cho vai Thành Luân. Nhà biên kịch nhận xét: "Diễn xuất của Chánh Tín chân thật, tự nhiên và có một nét gì đó khác người".
Xưởng phim tạo điều kiện cho Chánh Tín gặp biên kịch và gia đình đại tá Phạm Ngọc Thảo để chuẩn bị cho vào vai. Lúc đầu, diễn viên không tự tin bởi nguyên mẫu có tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, khác hẳn phong cách của ông. Nhưng Trần Bạch Đằng động viên tài tử trẻ và nói chỉ cần ông thể hiện được tinh thần nhân vật. Trong sáu năm, Chánh Tín cùng ê-kíp cho ra mắt tám tập phim.
Khi công chiếu, Ván bài lật ngửa gây tiếng vang lớn. Theo khảo cứu của nhà phê bình Lê Hồng Lâm, phim có đến 10 triệu lượt xem mỗi tập. Chánh Tín từng kể các rạp khi đó liên tục "cháy vé" với nhiều khán giả đổ xô đến. Nhiều người nhận định ông sinh để đóng vai Nguyễn Thành Luân. Diễn viên mang vẻ lãng tử với hàng ria mép, khuôn mặt nam tính, tạo nên chuẩn mực về nét đẹp nam giới trong nhiều năm. Lối diễn của ông cũng toát lên sự mưu trí, bản lĩnh và gan dạ của một điệp viên tình báo.
Cây bút Lê Hồng Lâm nhận định: "Nguyễn Chánh Tín không chỉ có một gương mặt điển trai, một khí chất quý ông lịch lãm hiếm có khó tìm trên màn ảnh Việt, mà còn chinh phục khán giả bằng lối diễn xuất rất điềm tĩnh và tiết chế, cách nhả thoại khoan thai, từ tốn, ngay cả trong những tình thế cân não, ngàn cân treo sợi tóc hay kẻ thù bao vây tứ phía".
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng diễn viên Nguyễn Chánh Tín giúp nhân vật Nguyễn Thành Luân từ trí tưởng tượng của nhà văn Trần Bạch Đằng bước lên màn ảnh một cách thuyết phục. "Ngoài vẻ điển trai, diễn viên Nguyễn Chánh Tín phô diễn khả năng hóa thân sáng tạo qua vai Nguyễn Thành Luân. Bởi lẽ, Nguyễn Thành Luân của Nguyễn Chánh Tín không giống hệt trong trang sách, cũng không bắt chước bất kỳ hình ảnh chiến sĩ tình báo nào ngoài đời thật. Nguyễn Thành Luân của Nguyễn Chánh Tín có nét mô phỏng nhân vật Dianov trong bộ phim 'Trên từng cây số' lừng lẫy của Bulgaria, nên có cái duyên riêng biệt, vừa lịch lãm, vừa ngang tàng, vừa bí ẩn", Lê Thiếu Nhơn chia sẻ.
Ván bài lật ngửa thắng giải đặc biệt ở LHP Việt Nam năm 1983, còn Chánh Tín giành giải nam chính ở LHP Việt Nam năm 1985. Diễn viên Diễm My kể, ngày đó, nam giới được khen về ngoại hình thì phải là "đẹp trai như Chánh Tín". Bà kể lại khi quay phim Hai chị em, cứ thấy ánh mắt của các cô gái hâm mộ nhìn Chánh Tín là bà lại nổi da gà. "Trong ánh mắt của họ ánh lên một nỗi khát khao, si mê. Thế là đủ biết độ hào hoa của anh ấy đến cỡ nào. Bao nhiêu người sẵn sàng gục ngã vì anh", Diễm My hồi tưởng. Nhiều năm sau, Chánh Tín vẫn được nhiều khán giả gọi là Thành Luân trong Ván bài lật ngửa. Ông từng tâm sự, đối với người nghệ sĩ, có một vai diễn đến 20 năm sau người xem vẫn nhận ra, đó là một hạnh phúc không gì có thể kể xiết.
10 năm sau Ván bài lật ngửa, Chánh Tín cộng tác đạo diễn Lê Mộng Hoàng trong Ngôi nhà oan khốc (1992). Ông hóa thân một tỷ phú sống trong ngôi nhà bị đồn là có oan hồn người vợ quá cố, Trong phim, Chánh Tín cộng tác cùng dàn sao trẻ của điện ảnh Việt thời đó là Việt Trinh, Lý Hùng. Phim thu đến một tỷ đồng - doanh thu đáng kể ở thời điểm đó - được xem là một trong các tác phẩm kinh dị tiên phong của màn ảnh Việt thập kỷ 1990.
Năm 2000, Nguyễn Chánh Tín ghi dấu với phim truyện truyền hình Bến sông trăng (13 tập). Ông hóa thân bác sĩ Thẩm - người yêu một bệnh nhân của mình nhưng phải chia tay khi bộ đôi đã có một con. Ngoài diễn xuất, Chánh Tín còn thể hiện ca khúc chủ đề phim - Bến sông trăng.
Bên cạnh việc đóng phim, Chánh Tín được nhớ đến với cương vị giám đốc hãng phim Chánh Phương. Năm 2006, hãng cho ra mắt Dòng máu anh hùng - một trong những phim võ thuật hay nhất mọi thời của điện ảnh Việt. Đạo diễn phim - Charlie Nguyễn - và nam chính Johnny Trí Nguyễn đều là cháu của Chánh Tín. Trong phim, ông đóng vai cha nhân vật của Johnny Trí Nguyễn. Dù được khen ngợi, tạo bệ phóng cho các diễn viên như Ngô Thanh Vân, Johnny Trí Nguyễn, Dòng máu anh hùng không sinh lời do thị trường điện ảnh Việt Nam lúc đó ít rạp chiếu. Theo Nguyễn Chánh Tín, việc phim bị lỗ là một trong các nguyên nhân khiến ông gặp khó khăn tài chính vào năm 2014. Một tác phẩm đáng chú ý khác của Chánh Tín ở hãng Chánh Phương là Chết lúc nửa đêm - giúp ông thắng giải đạo diễn phim ngắn ở Cánh Diều Vàng 2008.
Ở thập niên 2010, Nguyễn Chánh Tín hay xuất hiện với vai ông trùm, đại gia hoặc người bố. Vẻ ngoài thâm trầm, đĩnh đạc giúp ông nhiều lần thể hiện thành công dạng vai này. Một số phim tài tử tham gia trong 10 năm qua là Lệnh xóa sổ (2011), Đại ca U70 (2014), Fan cuồng (2016), Em chưa 18 (2017, vai bố nhân vật chính do Kiều Minh Tuấn đóng). Lôi Báo (2017) của đạo diễn Victor Vũ là phim điện ảnh cuối cùng Chánh Tín giữ vai quan trọng. Cố diễn viên đóng nhân vật phản diện - ông trùm có âm mưu lớn, đối đầu với người hùng (Cường Seven đóng).
Ân Nguyễn